Tư duy về biển, đảo

Tư duy về biển, đảo
TP - PGS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (thuộc Bộ TN&MT), dành cho Tiền Phong cuộc trò chuyện về tình trạng biển Việt Nam, từ góc độ phát triển bền vững cho tới vấn đề chủ quyền.

>Kỉ niệm 37 năm ngày giải phóng Trường Sa
>Các tộc họ ở Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Là người tiên phong nêu lên ý tưởng phát triển nghề cá theo hướng du lịch sinh thái, đến nay ông đã thấy có những tiến triển gì?

Thực tế, việc đánh đắm các tàu, thuyền cũ ở một số vùng biển để tạo rạn san hô nhân tạo, được coi là những “ngôi nhà” của nhiều loài sinh vật biển đã được thực hiện ở nhiều nước.

Chẳng hạn như ở Úc, họ đã đánh đắm tàu chiến của Mỹ sản xuất từ năm 1936 để tạo rạn san hô nhân tạo. Ở Pháp, họ cũng thiết kế những tàu được đánh đắm phục vụ cho du khách lặn xuống ngắm, mỗi lần mất 10 USD.

Việc tạo các rạn san hô này cũng góp phần giúp phục hồi các nguồn lợi hải sản, nhiều loài sinh vật biển từ các nơi khác sẽ đến cư trú, tạo điều kiện phát triển cả ngành câu cá giải trí.

Tôi lấy ví dụ, từ năm 2004, người Mỹ đã thu được từ xuất khẩu cá cảnh ở các vùng san hô được 23 tỷ USD/năm, trong khi Việt Nam kể cả đánh bắt, nuôi trồng nước mặn, nước ngọt, nước lợ, cá tra… tính đến năm 2010 mới xuất khẩu được 4,5 tỷ USD.

Nói như thế, để thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế biển, theo hướng phát triển bền vững, tạo ra nghề mới cho ngư dân.

Tuy nhiên, khi tôi nêu ý tưởng đánh đắm tàu tạo rạn san hô từ năm 2006 đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có ai dám làm.

Vì sao Việt Nam vẫn chưa thực hiện được?

Nghề cá giải trí tôi nói ở trên chỉ là một trong các hướng khai thác giá trị phi truyền thống của biển, nếu coi đánh bắt các loại hải sản là giá trị truyền thống.

Có thể nói kinh tế biển Việt Nam hiện nay vấp phải những cái mà thế giới có xu thế tránh.

Thứ nhất là họ không khai thác tài nguyên dưới dạng thô, phải chế biến sâu, không chỉ là con cá mà còn nhiều loại tài nguyên khác.

Thứ hai, thế giới chú ý nhiều đến các giá trị tài nguyên khác của biển, ngoài vật chất.

Thứ ba là họ cố gắng bảo vệ các ngư trường gần bờ để giữ gìn tài nguyên,vì đó thực chất là vùng đệm giữa biển và lục địa.

Tôi muốn nói rằng, việc khai thác, sử dụng vùng bờ và duyên hải của Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nó.

Đâu đó cái nhận thức, tư duy về tài nguyên biển và vùng ven biển theo đúng nghĩa vẫn còn là vấn đề. Khi anh không nhận thức đầy đủ được nó thì đối tượng anh khai thác, quản lý, anh cũng không nhìn ra nó có ngành nghề gì mới cả.

Nếu nói Việt Nam chưa từng chuyển đổi ngành nghề cũng không đúng?

Thời tôi còn làm Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Thủy sản), có những đề tài cho thấy, việc khai thác điệp sẽ cào phá nguồn lợi nhưng ngư dân mà bỏ nghề đó thì chuyển nghề sang nghề gì?

Nghiên cứu mãi, kinh phí nghiên cứu khéo bằng cả thu nhập của nghề mình kỳ vọng, thế mà cũng không ra được mô hình và cũng không ứng dụng được vì không ổn định. Chúng ta phải để người dân hiểu là muốn có ngành mới phải có đối tượng tài nguyên mới, con cá là một đối tượng truyền thống.

Cho nên, tôi nói nghề cá giải trí ra đời là để khai thác các giá trị mới bắt đầu dựa trên tư duy mới về tài nguyên.

Từ đó người ta nhìn đại dương, biển, vùng ven biển có những tài nguyên mới và họ không bị thất vọng khi những nguồn tài nguyên truyền thống dưới dạng vật chất bị khai thác lên đi bán sắp hết rồi thì vẫn còn có những cái còn lại được vì có nhận thức giá trị của biển và đại dương nhìn từ góc độ tài nguyên.

PGS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo
PGS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo .

Được biết gần đây ông tham gia một dự án về quy hoạch không gian biển Việt Nam. Ông có thể giới thiệu đôi nét?

Hiện nay, với sự hỗ trợ của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ và Cơ quan Điều phối viên liên chính phủ biển Đông Á (COBSEA), chúng tôi đang thực hiện thí điểm ở Cát Bà (Hải Phòng) và Quảng Ninh khảo sát để xây dựng tiêu chí phân vùng trên biển.

Các nước trên thế giới nhìn biển, đại dương dưới góc độ các mảng không gian, không nhìn với tư cách chia cắt, mà liên kết theo chức năng của hệ sinh thái vĩ mô.

Trong quá trình khai thác biển phải tôn trọng tính liên kết, các hệ thống tài nguyên có tính liên kết với nhau, thậm chí với con người liên kết chặt, hợp lý tạo nên hệ sinh thái nhân văn, bền vững cho con người mãi mãi.

Tôi lấy ví dụ, ngành dầu khí dù khai thác ở độ sâu cũng cần không gian trên bề mặt, khai thác khoáng sản ở thềm lục địa, đánh cá ở đáy biển cũng cần bề mặt.

Ngành hàng hải tàu thuyền đi lại, hoạt động quân sự cũng thế. Các hoạt động của con người đều có nhu cầu phân bổ hợp lý giá trị không gian vùng biển đó.

Chúng ta cần phải xây dựng quy chế, cho từng mảng không gian. Phát triển cảng biển phải tuân thủ cái gì chứ không phải khoán trắng, nơi có rừng ngập mặn phải tuân thủ yếu tố gì?

Các ngành phải điều chỉnh quy hoạch, một ngành hài hòa lợi ích với các ngành khác, bảo đảm nhu cầu của tương lai, không mất đi giá trị lâu dài. Hiện nay chúng ta vướng trong việc cho sử dụng, muốn sử dụng vào mục đích phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định.

Vậy quy hoạch không gian biển lần này có liên hệ như thế nào với vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa?

Nguyên tắc trên biển là tuyên bố chủ quyền, xác định chủ quyền, rồi phải tăng cường năng lực thực thi quyền chủ quyền, phải hình thành hệ thống chấp pháp trên biển.

Hiện Trung Quốc có 5 lực lượng chấp pháp trên biển, trong đó có lực lượng của Tổng cục Đại dương là đội tàu hải giám, với quân số mấy ngàn người kiểm tra giám sát trong một ngày. Phải nói rằng Trung Quốc là nước đi trước trong sử dụng quy hoạch không gian biển và quản lý biển.

Còn Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chưa có quyền gì về chấp pháp trên biển theo quy định, chưa có nhiệm vụ đi tuần tra, cũng không có tàu. Do đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực thực thi để chứng tỏ quyền chủ quyền của mình.

Các lực lượng lao động trên biển cần xây dựng các cộng đồng biển đảo để họ chủ động. Trước những bất trắc trên biển, họ cần được trang bị đầy đủ nhận thức, năng lực và kinh nghiệm để chủ động ở một thời gian nào đó, chờ hỗ trợ từ đất liền ra.

Tôi được biết, có các dự án do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ ngư dân, nhưng khi dự án về thì ngư dân chẳng biết làm gì, phải đổi mới để ngư dân tự ứng xử ở ngoài khơi.

Cần phải xây dựng những cộng đồng tự quản, hỗ trợ thiết thực cho họ về các hạng mục cơ bản, đầu tư cơ sở vật chất, chứ tình trạng chi phí hội thảo hàng đồng nhưng 10 triệu đồng ngư dân cũng không có thì làm sao họ tự quản được.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG