'Từ mẫu' của dân nghèo

Nhìn cách ông khám cho mệ Mẹt, đủ thấy ông yêu nghề và trân trọng người bệnh đến nhường nào.
Nhìn cách ông khám cho mệ Mẹt, đủ thấy ông yêu nghề và trân trọng người bệnh đến nhường nào.
TP - Dù mưa hay nắng, dù ngày hay đêm, hễ có ai trong vùng cần cấp cứu ông đều có mặt. 10 năm sau ngày về hưu, với chiếc hộp cấp cứu nhỏ luôn đeo bên người, cùng chiếc xe đạp cà tàng, ông đã giành lại mạng sống cho không biết bao nhiêu người nơi vùng quê nghèo xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mà không màng đến một đồng tiền công.

Khắc tinh của “thần chết”

Ngôi nhà đơn sơ của cựu binh, thượng tá, bác sĩ Lưu Đức Thọ nằm ẩn mình trong một khu vườn sum suê cây trái phía Nam cầu Gianh. Hạ Trạch là một vùng quê nghèo bán sơn địa, nhưng ông luôn tự hào là quê hương của danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải và nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Ông không có ở nhà. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liệu nói, ông sang nhà mệ Mẹt, bên thôn 5 khám bệnh. Nhà mệ Mẹt cách nhà ông chừng 500m, trong một con hẻm nhỏ. Nhìn ông, với cử chỉ nhẹ nhàng, cẩn trọng, ân cần hỏi han, căn dặn khi khám cho mệ Mẹt, cũng đủ thấy ông yêu nghề và trân trọng người bệnh đến nhường nào. Ông nói, mệ Mẹt bị bệnh huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, nhà nghèo không đủ tiền đi viện nên ông phải thường xuyên đến thăm khám cho mệ.

Nằm trên giường bệnh, giọng nói thều thào, mệ Mẹt luôn miệng cảm ơn ông Thọ, ân nhân đã cứu mình từ tay thần chết cách đây 7 năm. Mệ kể: “Trưa hè tháng 7, năm 2009, tui đang ở nhà với đứa cháu thì tự nhiên người mệt, ngất đi khi mô cũng không biết. May đứa con dâu đi chợ về thấy nằm đó, chạy lên thôn 9 gọi bác Thọ, bác sơ cấp cứu kịp thời nên tui mới còn sống đến 75 tuổi như chừ. Không thì mồ cũng đã xanh cỏ lâu rồi”.

'Từ mẫu' của dân nghèo ảnh 1

Vợ chồng bác sỹ già hạnh phúc bên nhau.

Ông Thọ cùng chúng tôi về đến nhà đã gần 12 giờ trưa, chưa kịp cơm nước, ông Phan Văn Sang (90 tuổi) ở cạnh nhà sang nhờ thăm khám. Ông Sang tâm sự: “Đã 5 năm nay, gia đình tôi luôn xem bác sĩ Thọ như người thân trong gia đình. Không chỉ vì bác sĩ đã nhiều lần cứu vợ tôi, mà bởi với tôi và các con luôn trân trọng tấm lòng và nhân cách cao thượng của bác sĩ Thọ. Năm 2012, vợ tôi đang ở nhà rồi kêu mệt, bà vừa đi nằm một tí thì bác sĩ Thọ sang chơi. Tôi bèn nhờ bác khám cho vợ, ai ngờ bà ấy bị đột quỵ, chỉ chậm 5 phút nữa là bà ấy đi. May mà bác Thọ cấp cứu kịp thời, bà ấy mới qua khỏi. Từ đó về sau, sáng nào bác cũng sang đo huyết áp cho bà nhưng không lấy một đồng. Năm rồi bà ấy mất do tai biến, đúng dịp bác Thọ đi thăm con ở Hà Nội. Bác ấy không lấy tiền, ngại lắm. Vì tin tưởng nên cả nhà tôi đau ốm gì cũng sang nhờ bác Thọ”.

Theo ông Sang, bác sĩ Thọ không chỉ là ân nhân của gia đình ông mà là ân nhân của cả làng, cả xã và cả với những người nơi khác đến đây gặp nạn. Năm 2010, có hai thợ điện quê ở Lệ Thủy đến Hạ Trạch thi công đường điện, bị điện giật rơi từ cột điện cao xuống đất. Bác sĩ Thọ đã có mặt kịp thời, tiến hành sơ cứu rồi theo xe cấp cứu đưa hai bệnh nhân đến bệnh viện. Vì họ không có người thân ở bên, ông ở lại chăm sóc, đợi hai anh thợ điện qua cơn nguy kịch mới bắt xe về lại nhà. Nhiều ngày sau đó, thân nhân của họ từ Lệ Thủy ra tận nhà cảm ơn cứu mạng nhưng ông từ chối nhận quà.

Trả ơn làng xóm

Rời quân ngũ đã gần 10 năm, ở cái tuổi gần thất thập nhưng trách nhiệm của người lính khoác trên mình chiếc blouse trắng vẫn vẹn nguyên trong ông. Ông tâm sự: “Để được học y, tuổi trẻ của tôi phải trải qua muôn vàn khó khăn. Nhà tôi ở vùng quê Hạ Trạch, mùa nắng ruộng đồng nứt toác chân chim, cái ăn đã khó huống gì cái học. Nên khi vào quân ngũ (năm 1973) tôi đã nỗ lực hết mình để được đi học. Năm 1979, tôi học tại Học viện Quân y, học xong về công tác tại Tiểu đoàn Quân y của Sư đoàn 968 Quân khu IV. Tôi trân trọng ngành học của mình, không chỉ vì sự cao cả của ngành Y, mà tôi là một người lính, một người lính Cụ Hồ”.

Ông nói, 30 năm phục vụ trong quân ngũ, ngày trở về ông mang ơn những người hàng xóm xung quanh đã đùm bọc, cưu mang gia đình vợ con ông trong suốt những năm xa cách. Ông mang hết tay nghề có được, đi khắp làng trên xóm dưới để thăm khám và chữa bệnh cho bà con dân nghèo. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liệu luôn lo lắng cho sức khỏe của chồng, nhiều lần khuyên ông đi ít thôi, còn giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Nhưng hễ có ai gõ cửa lúc nửa đêm, ông cũng xách hộp cấp cứu lên đường.

'Từ mẫu' của dân nghèo ảnh 2

Ông nói, đang nghiên cứu nguyên nhân trẻ hóa bệnh huyết áp.

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông chọn một phòng sạch sẽ, ngăn nắp làm phòng khám bệnh và đặt một tủ thuốc nho nhỏ để dùng khi người bệnh cần đến. Chính từ sự nhiệt thành trong công việc, thương người nghèo mà “phòng khám” của ông lúc nào cũng đông người lui tới. Với những bệnh nhân nặng, bác sĩ Thọ đến điều trị tại nhà cho tới khi dứt bệnh mới yên tâm. Nếu biết bệnh nặng cần mổ hay phải dùng phương tiện điều trị hiện đại, ông tư vấn, hướng dẫn và cùng gia đình bệnh nhân đưa người nhà đến bệnh viện. Nhiều bệnh nhân bị đột quỵnhờ bác sĩ Thọ sơ cấp cứu kịp thời mà thoát án tử. Nhiều người dân Hạ Trạch xem ông là ân nhân cứu mạng, người sinh họ lần thứ hai.

Tôi đang tìm hiểu nguyên nhân của xu hướng ngày càng trẻ hóa bệnh nhân cao huyết áp. Ngày xưa, đa số bệnh nhân cao huyết áp, dẫn đến tai biến là những người có tuổi đời trên 50, nhưng những năm gần đây, các bệnh nhân cao huyết áp có những người rất trẻ. Ngay như trong làng của tôi, nhiều bệnh nhân tôi cấp cứu tuổi đời mới hơn 30. Nếu không cấp cứu kịp thời, chi phí điều trị căn bệnh này sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình nghèo quê tôi.

Danh tiếng là thế, nhưng chưa một lần ông tự cao về những gì làm được, vẫn ngày ngày đọc sách, nghiên cứu tài liệu để nâng cao tay nghề. “Học, đọc để nắm thêm thông tin không bao giờ thừa. Tôi đang tìm hiểu nguyên nhân của xu hướng ngày càng trẻ hóa bệnh nhân cao huyết áp. Ngày xưa, đa số bệnh nhân cao huyết áp, dẫn đến tai biến là những người có tuổi đời trên 50, nhưng những năm gần đây, các bệnh nhân cao huyết áp có những người rất trẻ. Ngay như trong làng của tôi, nhiều bệnh nhân tôi cấp cứu tuổi đời mới hơn 30. Nếu không cấp cứu kịp thời, chi phí điều trị căn bệnh này sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình nghèo quê tôi. Vậy nên chúng ta cần quan tâm chế độ dinh dưỡng và làm việc, luyện tập để có sức khỏe tốt” - vị bác sĩ già khuyên chúng tôi.

Nhắc đến bác sĩ Thọ, ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch, không chỉ khen hết lời, mà còn rất lấy làm tự hào vì quê hương Hạ Trạch có được một “lương y” hết lòng vì dân. Ông Tác cho biết, ngày ông Thọ hồi hưu trạm y tế Hạ Trạch vẫn chưa có bác sĩ, nên người dân trong xã, từ nhức đầu sổ mũi cho đến trọng bệnh đều nhờ đến ông. Mặc dù ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, nhưng ông không bao giờ nề hà thức khuya, dậy sớm khi người bệnh cần. Đặc biệt, với người nghèo, ông không bao giờ lấy tiền khám bệnh, thậm chí tiền thuốc ông cũng không lấy. Ông đã cứu sống nhiều người nếu không được cấp cứu kịp thời. Ông trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân mỗi khi lâm bệnh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.