Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi):

Tù oan cả chục năm, lấy đâu hóa đơn để đòi bồi thường

Theo Chu nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, người bị tù oan hàng chục năm trời thì khó mà giữ được đầy đủ hóa đơn để yêu cầu bồi thường.
Theo Chu nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, người bị tù oan hàng chục năm trời thì khó mà giữ được đầy đủ hóa đơn để yêu cầu bồi thường.
TP - Sáng 20/9, thảo luận về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc yêu cầu những người bị tù oan phải có hóa đơn, chứng từ khi đòi bồi thường là “làm khó” nạn nhân. Bởi những người lâm vào cảnh tù oan chục năm trời, thì gia đình khó mà giữ được đầy đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh và đòi bồi thường.

Thiệt hại tinh thần - không chỉ xin lỗi là xong

Nhắc lại các vụ án oan sai gây xôn xao dư luận gần đây như vụ ông Lương Ngọc Phị (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)... bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, để được nhận bồi thường thì những người trên mất rất nhiều thời gian, nhiều thủ tục.

“Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường buộc họ phải có đủ hóa đơn, chứng từ. Người ta đi tù cả chục năm trời, gia đình khi đi thăm nuôi làm sao có thể giữ được đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Trong hoàn cảnh như vậy, thì lấy đâu ra đủ các hóa đơn để mà chứng minh”, bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, khi Nhà nước làm oan, làm sai người dân thì phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại về vật chất, danh dự. Tuy nhiên, từ những vụ công khai xin lỗi người bị oan, sai gần đây, dư luận lại cho rằng cơ quan nhà nước chỉ thực hiện lấy lệ, hình thức. 

“Xử oan khiến người ta phải đi tù oan cả chục năm, mà tổ chức xin lỗi dài có... 2 phút là rất hình thức”, bà Nga nói và đề nghị cơ quan soạn thảo giải đáp, làm rõ xem khi sửa đổi luật rồi thì có giải quyết được những vấn đề trên hay không?

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phải tính toán, chứ không thể buộc những người đi tù cả chục năm phải tự chứng minh thiệt hại. Ông Bình đề nghị, luật phải lượng hóa những thiệt hại về tinh thần, chứ không để mãi tình trạng “một lời xin lỗi là xong”.

“Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường buộc họ phải có đủ hóa đơn, chứng từ. Người ta đi tù cả chục năm trời, gia đình khi đi thăm nuôi làm sao có thể giữ được đầy đủ hoá đơn, chứng từ. Trong hoàn cảnh như vậy, thì lấy đâu ra đủ các hóa đơn để mà chứng minh”. 

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH

“Cảm thấy xấu hổ khi “bớt một, thêm hai” số tiền phải bồi thường với người bị xử án oan”, ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao chia sẻ như vậy nhưng cho rằng, rất khó xác định mức bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân. Vì khi đi thăm nuôi người bị tạm giam, tạm giữ, thi hành hình phạt tù, có người đi máy bay, người đi ô tô, người nghỉ khách sạn… nhưng cũng có người  đi xe máy, xe đò, ngủ đường ngủ chợ nên chưa biết dựa vào đâu để bồi thường. Do đó, theo ông Thể việc xác định mức bồi thường cần phải căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chứ không thể theo cách liệt kê của người bị oan, sai. 

“Tương tự như thanh toán tiền công tác phí, công chức, viên chức đi bao nhiêu ngày, đi bằng phương tiện gì, ngủ nghỉ ở đâu phải có hóa đơn, chứng từ mới có căn cứ để thanh toán chứ không thể thanh toán theo số liệu khai báo, liệt kê chi phí của người đi công tác được”, ông Thể đề nghị.

Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cũng cho rằng, do luật hiện hành chưa quy định thật cụ thể về xác định thiệt hại trong bồi thường nên thực hiện rất khó. “Vụ ông Chấn, ông Nén là như vậy, luật sư của họ phải chứng minh thiệt hại để xác định mức bồi thường. Nếu quy định cụ thể, chi tiết thì rất khó, bởi họ phải chứng minh bằng tài liệu, giấy tờ”, ông Hào giải thích. 

Tốn tiền bạc, thời gian khi thêm cấp trung gian

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là nhằm thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn các bước và thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường. Đặc biệt là được tạm ứng kinh phí bồi thường trong trường hợp khẳng định rõ là oan.

 Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định theo hướng, cấp dưới làm sai thì cấp trên sẽ là cơ quan giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc giao trách nhiệm giải quyết bồi thường cho cơ quan cấp trên sẽ tạo thêm các bước trung gian, làm kéo dài thời gian giải quyết.

“Quy định như vậy làm phức tạp hơn quy trình giải quyết bồi thường, không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, gây tốn kém thêm thời gian, tiền của của cả Nhà nước và người được bồi thường, dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại và không rõ trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm”, ông Lê Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn manh.

Theo ông Định, tình trạng kéo dài thời gian giải quyết, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường không phải ở mô hình cơ quan giải quyết bồi thường mà là do các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết, căn cứ xác định mức bồi thường chưa được chi tiết, rõ ràng. 

Vì vậy, việc thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo luật đề ra là không có nhiều ý nghĩa và cũng không giải quyết được bất cập mà thực tiễn đặt ra. Từ đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như luật hiện hành, tức là cơ quan nào gây thiệt hại thì cơ quan đó phải giải quyết bồi thường.

“Quy định như vậy gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức”, ông Định nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG