Từ thiện đối phó

Từ thiện đối phó
TP - Trước đây, báo chí đã lên tiếng nhiều về hiện tượng những ngôi nhà cho người nghèo làm xong thì người dân không dám ở, vì chất lượng quá kém, hay vị trí không phù hợp.

Vậy là một khoản tiền lớn của  nhà nước bị vứt qua cửa sổ.

Gần nhà tôi có một bà cụ già cô đơn (không có con), nghèo khổ sống một mình trong căn nhà dột nát, cuộc sống hết sức cơ cực. Tôi viết bài giới thiệu hoàn cảnh của cụ lên mục “Địa chỉ tình thương” của một tờ báo để mong sự giúp đỡ của  những người hảo tâm.

Báo đăng, tôi chưa kịp mừng đã “vuốt mặt không kịp” bởi những lời chê trách của lãnh đạo địa phương cho rằng bôi nhọ địa phương (không quan tâm công tác xã hội). Bài báo cũng khiến huyện chú ý và chỉ đạo xã phải quan tâm trường hợp của cụ.

Sau một năm, huyện, xã, anh em thân thích góp tiền làm cho cụ một căn nhà. Tôi khấp khởi đến tìm hiểu, thấy cụ tuy có nhà mới nhưng lại có phần hoàn cảnh hơn trước.

Căn nhà bề ngoài khá khang trang nhưng  là nhà “ba không”: không bếp nấu ăn, không có nguồn nước, không nhà vệ sinh. Cụ năm nay đã 89 tuổi, sức khỏe suy kiệt, hầu như không đi lại được, ăn uống thì bữa đực bữa cái, ai đem đến cho cái gì thì ăn.

Đồ dùng chỉ có mấy cái bát, xoong nồi cũ, một cái nồi cơm điện Trung Quốc hỏng, một cái kiềng sắt gỉ sét. Khi tôi hỏi một người cháu của cụ tại sao không bớt một ít kinh phí ra để làm bếp, đào giếng (khoan một cái giếng chỉ hết dăm trăm ngàn), chị bảo: “Nhà phải làm theo đúng thiết kế của huyện thì họ mới cấp tiền, trong bản thiết kế chỉ có mỗi căn nhà. Còn nhà bếp thì họ bảo con cháu phải lo”.

Lãnh đạo địa phương lại cho rằng con cháu không có trách nhiệm với cụ. Như vậy là người ta chỉ làm một ngôi nhà từ thiện cho “hoành tráng” để quay phim chụp ảnh, báo cáo, còn “đối tượng” (cụ già) có sống được trong đó hay không thì… không biết.                                                                                                                                                                                                                                        

Trước đây, báo chí đã lên tiếng nhiều về hiện tượng những ngôi nhà cho người nghèo làm xong thì người dân không dám ở, vì chất lượng quá kém, hay vị trí không phù hợp. Vậy là một khoản tiền lớn của  nhà nước bị vứt qua cửa sổ.

Ở quê tôi có phong trào “xóa nhà tranh tre dột nát”. Người ta thay những mái tranh bằng tấm lợp prô xi-măng, nhìn bề ngoài rất khí thế nhưng những người ở trong đó thật khốn khổ: Mùa hè nóng như cái lò thiêu, mùa mưa không thoát khỏi dột. Nhiều người thốt lên: Thà ở nhà tranh còn hơn.                                      

Bên cạnh những tấm lòng nhân ái, những nhà từ thiện chân chính vẫn còn những người làm từ thiện theo kiểu đối phó,  chạy theo hình thức, thành tích hay vì một mục đích nào đó mà thiếu tấm lòng với người nghèo khổ bất hạnh.

Một số kẻ còn lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, ăn bớt của những người khốn khổ. Đồng tiền, hiện vật cứu trợ nằm lại hoặc bị bớt xén ở các “khâu trung gian”, vì vậy, nhiều người hảo tâm đã tự mình đi đến tận nơi, trao tiền hàng cứu trợ tận tay cho người dân.

Hiện tượng “làm từ thiện để quảng cáo” cũng không phải là cá biệt. “Sa mạc hóa tâm hồn” là một hiện tượng có thật và là một nguy cơ của  đạo đức xã hội.

Quốc Chiến
Hà Tĩnh

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.