'Từ thiện thật' và đội điều tra

Đến tận phòng bệnh làm hề mua vui cho trẻ con. Ảnh: Nguyễn Đạt.
Đến tận phòng bệnh làm hề mua vui cho trẻ con. Ảnh: Nguyễn Đạt.
TP - Sinh năm 1988, Nguyễn Thành Trung đã sáng lập và điều hành quỹ “Từ thiện thật” được 5 năm, có chi nhánh ở hầu hết các thành phố lớn. Bề ngoài như một hotboy, thế nhưng trong xe Mini Cooper của Trung toàn là mì tôm và gạo…

Không tặng tiền cho người nghèo

Trung là con một, được chiều, nhưng ham mê từ bé lại chỉ loanh quanh việc làm từ thiện, còn nghiên cứu hẳn hoi về việc này.

Một lần, giữa trời mưa, Trung gặp một thanh niên liệt chân, phải di chuyển bằng cách bò lê lết trên đường phố. Hình ảnh ấy quá thảm thương, khiến hầu hết người đi đường phải dừng lại cho tiền. Lần khác, Trung chạm mặt anh ta trên một tuyến phố lạ, cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Thấy gợn lên nghi ngờ, Trung theo anh ta suốt một ngày. Khi người đi đường đã vãn, thanh niên đáng thương kia bò sâu vào một ngõ tối, rồi cởi vải nẹp, đứng lên đi lại như người thường. Người xung quanh kể cho Trung bằng cách “giả tàn tật” thanh niên ấy thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Câu chuyện ấy đánh mạnh vào nhận thức của Trung không phải cứ cho tiền là giúp được người khác, đôi khi nó làm hại người!

Sau đó, năm 2013 Trung thành lập “Từ thiện thật” với tiêu chí rõ ràng không nhận đồ quyên góp bằng tiền, chỉ nhận hiện vật gồm gạo, quần áo, sách vở, đồ chơi cho trẻ con. Từ thiện thật cũng định rõ đối tượng giúp đỡ là người già, trẻ em và những gia đình đặc biệt khó khăn. Trong các tình nguyện viên, một bộ phận vô cùng quan trọng được nhấn mạnh là “đội điều tra” để xác định những hộ nghèo “thật” và “cần giúp thật”.

Mấy ngày nay, trang cá nhân của Trung đang xôn xao hai câu chuyện. Chuyện thứ nhất: Trung đi qua đường Kim Mã thấy một bà cụ bán trứng rất đáng thương, anh dừng xe, xuống mua 10 quả trứng và đứng bán cùng cụ cho đến khi hết hàng. Lúc về còn nhận được lời nhắn của bà cụ: “Ngày mai tôi có mấy thứ rau, chú lại ra đây bán cùng tôi nhé”! Nhiều người comment nói với Trung rằng, nhà bà cụ rất giàu, bị lừa rồi! Trung trả lời: Tôi chỉ giúp cụ bán hàng cho nhanh, không cho tiền cụ, cũng không mua trứng giá đắt, sao lại bảo bị lừa?

Chuyện thứ hai: 3 giờ đêm trên đường Bà Triệu, Trung gặp ba mẹ con lang thang không có nhà ở. Anh xuống xe, nói chuyện với hai đứa bé, đứa lớn bảo nó ước mơ có gấu bông và búp bê màu hồng. Hôm sau Trung mang búp bê đến tặng. Lại có người “mách” mẹ con nhà ấy chuyên lợi dụng chuyện lang thang để kiếm tiền thương hại! Trung bảo: Trong trường hợp này tôi cảm thấy hạnh phúc khi mang lại cho 2 đứa trẻ niềm vui vì trẻ em vô tội. Tôi cũng chẳng quan tâm mẹ của 2 đứa như thế nào, có lừa ai hay không, có lợi dụng xin tiền hay không vì tôi không bao giờ cho tiền mà không kiểm soát được đồng tiền đó...

Nói về việc kiểm soát tiền từ thiện, không ít lần Trung mang tiền đến bệnh viện theo địa chỉ báo đăng nhưng vì thấy bệnh nhân đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ, anh lại mang tiền về, dành cho những trường hợp khác cần hơn. Vẫn nguyên tắc cũ, Trung không trực tiếp cho tiền bệnh nhân, anh thông qua bác sĩ điều trị hoặc bệnh viện, nộp viện phí hoặc hỗ trợ thuốc men, tránh tình trạng như nhiều người, cứ đi làm từ thiện sau vài ba hôm lại kêu… bị lừa.

'Từ thiện thật' và đội điều tra ảnh 1 Các đêm 20/10, 8/3 Trung đều đi quanh Hà Nội tặng hoa cho những phụ nữ nghèo mưu sinh về đêm.

Cho đúng cách

Trong cơn lũ lịch sử năm 2013 làm hơn 40 người chết, 10 cây cầu bị cuốn, Từ thiện thật mới thành lập đã mua cả một xe tải lợn, gà con vào tiếp tế cho các gia đình bị lũ quét. Chính Trung là người trực tiếp đi xe máy vào từng hộ để trao tặng: Mỗi nhà hai con lợn giống và mười con gà con. Chuyến đi ấy tuyệt đối không có mì tôm, quần áo, tiền bạc… nhưng cả đội Từ thiện thật đều cảm nhận rõ ràng cảm giác win-win cả từ phía người cho và người nhận là như thế nào. Tình nguyện viên Th.Giang (Hà Nội) kể: “Khó nhất là bắt lợn trên xe xuống rồi đi phát. Không ai biết làm, anh Trung tóm mấy lần cũng trượt. Người đứa nào cũng hôi như cú. Nhưng khi nhận lại những lời cảm ơn trong nước mắt, tôi mới thực sự hiểu tại sao người ta hay nói giúp người nghèo cái cần câu thay vì cho họ xâu cá”.

Chương trình dài hơi và gắn liền với thương hiệu Từ thiện thật từ khi thành lập đến nay là “tặng gạo cho người nghèo”. Trung bình mỗi tháng Từ thiện thật hỗ trợ 30 gia đình (chủ yếu là người già neo đơn) mỗi hộ 10kg gạo và nhu yếu phẩm các loại: Nước mắm, bột canh, đường, dầu ăn v.v… Một số người già coi Trung và các thành viên Từ thiện thật như con cháu. Họ có phản xạ chờ “các cháu” đến thăm hỏi, trò chuyện còn hơn chờ 10kg gạo dù trong số những người ấy có người mỗi ngày lao động chỉ kiếm được 5.000-10.000đồng. Các chuyến đi này đã nổi tiếng và lan rộng đến mức thu hút hơn 30 ngàn người tham gia. Nhiều em học sinh tiểu học xung phong góp đồ chơi, có em bẽn lẽn mang theo một túi gạo nhỏ để “giúp các bạn nghèo”. Có những chuyến đến năm bảy tình nguyện viên người nước ngoài cũng xin được tham gia. Xong việc, cả nhóm lại tụ tập ở quán cà phê nhỏ của mẹ Trung trên phố Hàng Đậu để úp mì tôm xúc xích ăn lấy sức.

Năm năm, nhiều tình nguyện viên đến rồi đi, có khoảng 30 người vẫn trung thành trụ lại cùng Từ thiện thật. Bản thân Trung nhận được không ít lời cảm ơn từ các anh em, từ phụ huynh “nhờ các hoạt động của anh (em, cháu) mà chúng tôi (con chúng tôi) trở nên có trách nhiệm hơn, biết trân trọng hơn những thứ mình đang có”.

Nhiều cái Tết bản thân Trung không có mặt ở nhà. Anh rong ruổi trên nhiều tỉnh thành, cùng nhóm Từ thiện thật gói bánh chưng, tự luộc để tặng người nghèo. Những cái Tết ấy xa nhà, nhiều nước mắt nhưng “rất vui, rất vui”.

'Từ thiện thật' và đội điều tra ảnh 2 Trung và con trai trong một lần đi tặng gạo cho người nghèo.

Tặng một niềm vui

Trung học tài chính, nhưng nghề kiếm cơm chính lại là làm event và MC. Thu nhập từ những công việc “tự do” đủ cho anh “đi từ thiện dài vì mất công là chính chứ tiền bạc thì chả là bao, khoảng 10-20% thu nhập mỗi tháng”.

Trung thu năm ngoái, Trung và các bạn đã đặt một cái thùng quyên đồ chơi khổng lồ ở trước cửa Aeon Mall để kêu gọi mọi người đóng góp đồ chơi tặng trẻ em nghèo. Đây là năm thứ ba liên tiếp Từ thiện thật tổ chức Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều đứa bé kể đây là lần đầu nó được sở hữu riêng một con gấu bông, một bộ đồ chơi bác sĩ hoặc một cái xe hơi chạy đà. Trước đó, nhóm cũng giúp nhiều trẻ em miền núi được tặng đèn ông sao và được tham gia “rước đèn trông giăng”. Nhiều người bình luận: “Niềm vui như gió, thoảng cái là bay mất, chi bằng cho bọn trẻ cái gì thiết thực”. Riêng Trung biết, gió không cuốn mất niềm vui khi cả một hai năm sau vẫn thấy đứa trẻ giữ món đồ chơi cũ rất cẩn thận. Và mắt chúng sáng bừng khi gặp lại người tặng đồ chơi lần trước.

Mấy năm nay, Từ thiện thật còn có thêm một hoạt động: Tổ chức sinh nhật cho trẻ em nghèo. Hương, một tình nguyện viên kể: “Sinh nhật nào hầu như mọi người cũng phải khóc, vì hoàn cảnh của các em quá éo le, đứa nào cũng là lần đầu biết đến sinh nhật được thổi nến, cắt bánh, được mọi người hát tặng và bày trò chơi... Tôi nhớ lần tổ chức sinh nhật cho một em bại liệt bên Bắc Ninh, nó cười toe toét mà cả hội con gái cứ ôm nhau khóc vì thương”.

Tuấn (tình nguyện viên) cho biết: “Về khoản tạo không khí và niềm vui cho người khác thì Trung đại ca là trùm. Trước cả khi có Từ thiện thật, cứ vào 20/10, 8/3 là anh Trung đã tự bỏ tiền túi mua hoa hồng đem tặng những bà những chị làm nghề nhặt ve chai và lao công trên đường. Mấy năm nay, nhóm đông lên, có khi kinh phí khá, còn tặng cả suất cháo hoặc hộp sữa cho họ ăn khuya. Nhưng mà nhiều cô nhận hoa xong quên luôn cả quà. Có cô khóc bảo mấy chục năm lấy chồng chưa bao giờ được tặng hoa”.

“Anh Trung” của những đứa trẻ khuyết tật

Khi tôi đang phỏng vấn Trung trong quán Zulu, một cậu bé bị di chứng bại liệt đẩy cửa vào chào “anh Trung” rất to. Cậu tên là Nguyễn Trọng Quý, sinh năm 2000, ở Đông Anh. Qua diễn đạt khó khăn của Quý, cậu đang gom tiền để mua một cái xe ba bánh cho tiện di chuyển. Rằng đợt này cậu ít qua Hà Nội biểu diễn là vì chân đau, khó đi!

Quý là một trong những trường hợp được Trung giúp đỡ “thực hiện ước mơ”. Phát hiện ra cậu bé tật nguyền hay đi lang thang trên phố có tài thổi sáo, Trung làm quen hỏi chuyện. Khi biết Quý có ước mơ tổ chức được một đêm nhạc nhỏ có người nghe “đàng hoàng”, Trung đã biến quán cà phê của nhà thành một sân khấu bán chuyên nghiệp để Quý được làm nghệ sĩ biểu diễn. Từ đó Quý coi Trung và U Mai như người nhà, có dịp qua Hà Nội thế nào cũng ghé chơi.

Năm 2014, cậu bé Trương Văn Tú (Bắc Giang) bị ung thư máu giai đoạn cuối, chỉ có một ước mơ được một lần cõng mẹ, bởi từ nhỏ em luôn được mẹ cõng, và lúc nào mẹ cũng động viên: Con nhẹ lắm, nhẹ lắm! Trung đến Viện Huyết học truyền máu TW làm từ thiện, biết chuyện của Tú đã âm thầm chuẩn bị bánh sinh nhật, nến, hoa và gọi cả bạn bè hỗ trợ. Đúng ngày sinh của Tú, Trung cõng cả hai mẹ con em trên lưng đi một đoạn đường dài để giúp Tú thỏa mãn ước nguyện được một lần cõng mẹ!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.