Giáo sư Hoàng Chí Bảo:

'Tư tưởng Chính phủ liêm chính của Bác là di sản quý giá'

GS Hoàng Chí Bảo.
GS Hoàng Chí Bảo.
TP - Nhân dịp Quốc khánh 2/9, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khóa X, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực cùng Tiền Phong ôn cố tri tân về Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và những di sản, những bài học đối với quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hôm nay.

Có liêm có chính mới được lòng dân

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 70 năm Quốc hội khóa 1, Quốc hội đầu tiên của chính thể cộng hòa dân chủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Sự kiện này hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay của nước ta, vì nó nhắc nhở chúng ta tiếp tục học tập làm theo Bác.  Điều này, nếu vận dụng vào vấn đề nhà nước,  vào tổ chức bộ máy nhà nước và đặc biệt là vấn đề chính sách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 thì ta có thể tìm ra được những giá trị, ý nghĩa, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Sau lễ tuyên ngôn độc lập 2/9, ngày 3/9/1945, Bác đã chủ trì phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời. Ngay trong buổi họp đầu tiên của chính phủ lâm thời (3/9/1945), Bác đã nói rõ rằng, chính phủ này là một chính phủ hành động vì quyền lợi của dân chúng.

Ở đây, cần nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong chính phủ. Ngay trong cách dùng người của Bác Hồ lúc bấy giờ có một điểm độc đáo, đáng để chúng ta suy ngẫm để vận dụng ngay trong thời nay. Tức là Hồ Chí Minh chọn người có đức và có tài, đức là gốc, tài là quan trọng, phải có tâm và có trí để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất,  không có câu nệ về đảng phái. Chính vì vậy, trong chính phủ những ngày đầu tiên sau cách mạng tháng 8, ta thấy rất nhiều bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức, là những người ngoài Đảng. Bác còn dùng cả công chức, quan chức của chế độ cũ nhưng họ là những người có tài, có đức. Như vậy, điều này toát lên một điều là người sử dụng cán bộ xuất phát từ dân, lấy mục đích cao nhất là vì dân mà lựa chọn cán bộ, lấy tiêu chuẩn đức, tài là quan trọng. Do đó, Người rất chú trọng đề cao trách nhiệm trước dân chúng.

Trong đạo đức Hồ Chí Minh, người đặc biệt nhấn mạnh 4 đức là cần, kiệm, liêm, chính. Người nói có cần, có kiệm thì mới liêm (liêm khiết, trong sạch, không có gì khuất tất), chính (chính trực, công bằng). Có liêm, có chính thì mới được lòng dân. Vì vậy, có thể nói chính phủ mà Hồ Chí Minh kiến tạo là một chính phủ liêm chính, những người trong bộ máy công quyền phải là những người phục vụ cho lợi ích và quyền lợi của nhân dân.

Sau này, người đã từng quan sát kỹ lưỡng, phát hiện kịp thời, chấn chỉnh rất nghiêm túc về những khuyết tật mà người phát hiện trong bộ máy. Ví dụ như: Người nói dùng người là phải người tài, đức, công tâm, chính trực, chứ không theo cánh hẩu (có thể hiểu là nhóm lợi ích) với nhau. Không phải đưa bà con, họ hàng vào bộ máy mà phải dùng người có tài, có đức.

Bác còn phê phán, chỉ trích chuyện lợi dụng chức quyền mà biến việc công thành việc tư. Lẽ ra là dĩ công vi thượng (đặt việc công lên trên hết) thì những quan chức không trong sáng, lành mạnh lại biến dĩ công vi thượng thành dĩ công dinh tư (biến công thành của riêng mình). Điều này giờ đây chúng ta thấy cũng không ít nhưng ngay từ năm 1945-1946, Người đã phát hiện ra rồi. Cụ thể, Bác đã nói ông ủy viên đi ôtô đã đành nhưng bà ủy viên, các cô, các cậu cũng ôtô đi thì chính phủ lấy đâu ra mà lắm ôtô vậy. Người  đứng đầu nhà nước đã phát hiện, chỉ trích những hiện tượng lệch lạc, tiêu cực đó ngay từ đầu khi mà bộ máy nhà nước mới vận hành. Người gửi thư cho chính quyền từ làng, xã, huyện, tỉnh ở các cấp trong địa phương, phê phán mấy căn bệnh cục bộ địa phương, không tuân theo lệnh cấp trên, bè phái lôi kéo người thân thích họ hàng vào làm việc, lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân mà sau này người nói rõ đó là bệnh giặc nội xâm, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, vụ lợi.

Thưa giáo sư, vấn đề quản lý, quản trị đất nước, vấn đề lề lối làm việc đã được Bác Hồ đặt ra từ lúc lập nước. Di sản ấy có ý nghĩa gì với việc xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo hiện nay?

Điều đặc biệt là sau này, khi cuộc kháng chiến kiến quốc của chúng ta mới bắt đầu, ở Việt Bắc (1947), Người viết một tác phẩm rất quan trọng là “Sửa đổi lối làm việc” và ký tên là XYZ. Tác  phẩm này nói về đổi mới đầu tiên khi Đảng đã cầm quyền sau Cách mạng tháng 8. Người tiếp tục phê phán những căn bệnh như không có đạo đức cách mạng trong sáng, chủ nghĩa cá nhân, hoạt động thiếu kiến thức, thiếu tri thức nhưng coi thường việc học hành (coi khinh lí luận), chủ quan, bệnh địa phương cục bộ, bệnh nói nhiều làm ít (ba hoa, thiếu trách nhiệm). Những điều đó rất thiết thực để chúng ta suy nghĩ và vận dụng xây dựng đội ngũ công chức hiện nay, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Thước đo cho điều này chính là hiệu quả phục vụ nhân dân.

Bác nói một tấm gương sống còn quý hơn 100 bài diễn văn. Dân nhìn vào cán bộ đảng viên công chức, họ đánh giá Đảng và nhà nước của chúng ta. Chính vì vậy, mất niềm tin của công chúng là mất mát lớn nhất. 

GS Hoàng Chí Bảo

Bác đề ra một số tiêu chuẩn đó là công chức của nhà nước, tức công bộc đầy tớ của dân phải là người thạo chính trị (chính trị hành động), giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán (trách nhiệm) để xứng đáng là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của nhân dân. Nếu hàng triệu công chức trong bộ máy chúng ta hiện nay mà thực hiện được đúng như Bác chỉ dẫn thì tôi tin chính phủ sẽ được lòng dân, đem được lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh chính phủ này là chính phủ kiến tạo, liêm chính là kế thừa, vận dụng tư tưởng của Bác. Kiến tạo là góp phần xây dựng, đồng hành với doanh nghiệp để phát triển kinh tế. Liêm chính là chống bằng được tham nhũng, đó là căn bệnh đe dọa sự tồn vong của cả chế độ.

Đề cao kỷ luật công vụ, trách nhiệm, đạo đức công chức, đó là điều kiện cần thiết để xây dựng chính phủ liêm chính, nhất là chế độ trách nhiệm. Càng ở cương vị cao, chức vụ càng lớn thì trách nhiệm càng nặng. Chính vì vậy, Đảng ta nhấn mạnh những người đứng đầu cơ quan, đoàn thể, tổ chức mà để xảy ra những vụ bê bối tiêu cực thì phải chịu trách nhiệm về những việc ở địa phương mình, tại cơ quan mình. Đó là chỗ yếu của chúng ta, vừa thiếu trách nhiệm, vừa thiếu thông tin công khai minh bạch, dân không kiểm soát được. Nhất là trong thực thi chúng ta chưa đặt đúng mức vai trò của các chế tài. Không có chế tài thì mọi điều dẫn trên chỉ là ý nguyện, phải có chế tài để buộc mọi người phải thực hành.

'Tư tưởng Chính phủ liêm chính của Bác là di sản quý giá' ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với các cử tri Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

Tăng trưởng niềm tin khó hơn tăng trưởng kinh tế

Từ vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, có biểu hiện của lợi ích nhóm rất rõ ràng và bổ nhiệm cán bộ có dấu hiệu dựa vào “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ”, đi ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông suy ngẫm gì từ thực tế này?

Đấy là một thực tế, đang diễn ra, là một tình huống có vấn đề. Chính vì vậy, Đảng ta công khai phê phán việc dùng người theo kiểu quan hệ, hậu duệ, tiền tệ (mua bán).

Ngay từ những ngày đầu, chính thể của nước ta năm 1945, 1946, Bác nói trừng trị tất cả những kẻ bất liêm bất kể chúng là ai, bất kể cương vị nào. Bác không chỉ chủ trương mà đã hành động ngay. Ngay sau khi chính phủ ra đời, Bác thành lập Thanh tra chính phủ, cụ Bùi Bằng Đoàn làm Tổng Thanh tra và ông Huy Cận giúp việc. Họ được trao “thượng phương bảo kiếm” cho xử lí tại chỗ nhưng chịu trách nhiệm với Bác và chính phủ trung ương về những xử lí đó. Ở đây, ta học Bác sự quyết liệt, thiết thực, sâu xa là vì dân. Bác nói trừng trị cái ác là để bảo vệ cái thiện mà cái thiện lớn nhất là nhân dân, cái ác là tham nhũng gây tổn hại nhân dân.

Bác nói một tấm gương sống còn quý hơn 100 bài diễn văn. Dân nhìn vào cán bộ đảng viên công chức, họ đánh giá Đảng và nhà nước của chúng ta. Chính vì vậy, mất niềm tin của công chúng là mất mát lớn nhất. Có một thực tế là tăng trưởng kinh tế đã khó mà tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp bội. Có niềm tin thì mới đẻ ra được sức mạnh vật chất, dân là tất cả, dân mất lòng tin coi như là mất tất cả. Tư tưởng dân chủ, tư tưởng nhà nước pháp quyền, tư tưởng đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh để lại là một di sản quý giá cần được thực hiện nhất trong thời điểm hiện nay, thời điểm chúng ta đối mặt với tham nhũng. 

Đời Bác đã có những lần ký án tử hình. Đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục quân nhu tham nhũng trong quân đội trong khi chiến tranh đang ác liệt, chiến sĩ bộ đội đang nghèo khổ vất vả. Bác ký án tử hình, không ân xá. Ông thứ trưởng bộ nông nghiệp cũng bị tử hình vì tội hư hỏng, thoái hóa, tội giết vợ vì lụy tình ái cá nhân. Bác nói đau mấy cũng phải chấp nhận, mất tiền của thì có thể đền bù được nhưng mất niềm tin của dân thì không thể.

Những tiêu cực báo chí phanh phui hiện nay là có thật, càng thúc đẩy chúng ta xử lí nghiêm minh. Bây giờ là hành động chứ không phải là việc nhận thức nữa. Học Bác bây giờ là phải như vậy, phải hành động mới vững vàng được thể chế của chúng ta.

Cảm ơn ông.

Nói về quan điểm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói: Sau đại hội 12, nhà nước ta đã hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cấp cao. Bộ máy đó đã bắt đầu khởi động vào công việc. Thủ tướng mới Nguyễn Xuân Phúc, đứng đầu cơ quan hành pháp, hành chính của nhà nước đã có những lời phát biểu rất được lòng dân, nhất là ông nói chính phủ này là chính phủ liêm chính, chính phủ hành động, đồng hành cùng doanh nhân và doanh nghiệp. Việc dùng người, ông nói dùng người tài, chọn người tài cho đất nước chứ không chọn người nhà. Người hiền tài dù ở trong núi thẳm, rừng sâu cũng phải tìm cho được. Những tư tưởng ấy tâm huyết ấy rất đáng quý nhưng bây giờ phải chứng minh bằng hành động và đo được hiệu quả biến chuyển tích cực. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.