Tự ý cải tạo mộ liệt sĩ

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bốn và con trai Đoàn Diền bức xúc kể lại sự việc.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bốn và con trai Đoàn Diền bức xúc kể lại sự việc.
TP - Chính quyền huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang nỗ lực vận động 6 hộ dân là thân nhân liệt sỹ sẻ chia, thông cảm việc chính quyền xã Đại Quang và đơn vị thi công khi chưa có ý kiến của người dân đã tự ý phá dỡ phần mộ của các liệt sĩ để cải tạo nghĩa trang liệt sĩ xã.

Vừa qua, báo Tiền Phong nhận đơn khiếu nại của 6 hộ dân gia đình chính sách tại xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam) phản ánh: Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang có 206 mộ liệt sĩ, trong đó có 105 mô liệt sĩ vô danh. Năm 2017, UBND xã Đại Quang tổ chức nâng cấp, đập bỏ các phần mộ để nâng cấp nghĩa trang mà không tổ chức thông tin, lấy ý kiến của các hộ gia đình chính sách để thống nhất chủ trương. Tổ chức thi công mà không thông báo, đến khi các phần mộ bị đập bỏ thì người dân mới hay tin. Việc làm này gây bức xúc cho thân nhân các gia đình chính sách.

Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền huyện đã họp dân, tuy nhiên 6 hộ dân, đã không đồng tình với giải quyết của lãnh đạo huyện. Cũng theo phản ánh và thắc mắc của người dân, Cty TNHH Phú Lộc do ông Nguyễn Quốc Việt làm giám đốc thi công cải tạo nghĩa trang. Ông Việt là con trai bà Võ Thị Hồng Nhung (Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc).

Ông Đoàn Diền (57 tuổi) con trai mẹ VNAH Nguyễn Thị Bốn (81 tuổi, trú tại thôn Phước Lộc, xã Đại Quang) thay mặt gia đình ký vào đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng. Bà Bốn có chồng là Đoàn Nam và em ruột Nguyễn Nam được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang. Trao đổi với phóng viên, ông Diền và bà Bốn rất bất bình và bức xúc vì việc làm của chính quyền xã cũng như đơn vị thi công. Ông Diền cho biết: Chủ trương cải tạo nâng cấp nghĩa trang các gia đình hết sức ủng hộ. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện chính quyền xã đã không hỏi ý kiến người dân, không họp dân để bàn bạc thống nhất thời gian cũng như cách làm mà hợp đồng với đơn vị thi công tự ý tổ chức đập bỏ các phần mộ. Đến ngày 18/6, UBND xã Đại Quang mới có giấy mời lên UBND xã để “trao đổi việc nâng cấp mộ liệt sĩ tại nghĩa trang”. Tiếp đến ngày 19/7, mời gia đình ra nghĩa trang để “kiểm tra phần mộ của thân nhân”.

Làm rõ trách nhiệm, sai đâu xử lý đấy

Ông Diền cho biết thêm, ngày 30/6 chính quyền huyện họp dân, lãnh đạo xã Đại Quang đã đứng ra xin lỗi  thân nhân các gia đình liệt sĩ, đồng thời khẩn trương khắc phục các thiếu sót. Tuy nhiên vì chưa an tâm và bức xúc nên các hộ dân đã lên gặp lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành tỉnh để phản ánh. Đồng thời mang trả các bằng cấp, giấy tờ của thân nhân gia đình chính sách cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh.

Ông Đoàn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho biết: Việc nâng cấp nghĩa trang bắt đầu từ ngày 2/6 đến ngày 12/6 thì tháo dỡ phần vỏ mộ. Bản thân ông thời gian đó bận rộn với công tác diễn tập của huyện nên đến ngày 15/6 mới phát hiện và đình chỉ thi công. Ngày 18 và 19/6 xã thông báo cho các gia đình thân nhân và mời họp. Ông đã đứng ra thay mặt chính quyền xã xin lỗi bà con.

Theo ông Tám, do suy nghĩ nông cạn, chỉ nghĩ thay vỏ mộ mới bà con sẽ đồng ý nên không họp dân. Ngoài ra do không kiểm tra giám sát kỹ và đơn vị thi công làm cẩu thả nên mới xảy ra sự việc. Theo nguyện vọng của bà con, chính quyền xã huy động anh em cán bộ xã đưa toàn bộ vỏ mộ, cát vào bên trong để làm “mộ chung”. Đây là việc làm để ổn định về mặt tư tưởng cho nhân dân.

Ông Tám cho biết, đa số bà con đã kiểm tra phần mộ của các liệt sĩ xác định còn nguyên. Nghĩa trang đã được nâng cấp 3 lần mỗi lần nâng nền khoảng 10cm, khi chôn cất huyệt mộ đào sâu nên rất khó thất lạc, xáo trộn.

Ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc cải tạo nâng cấp nghĩa trang là chủ trương chung của tỉnh nhưng địa phương chủ trì triển khai. Tuy nhiên địa phương đã sai sót, để đơn vị thi công làm nhưng cách làm không đúng nên gây bức xúc cho nhân dân.  

Theo ông Triều, lẽ ra phải làm theo hình thức “cuốn chiếu” xong từng mộ, nhưng đơn vị thi công đã giải tỏa một loạt, dù có sơ đồ mộ chí rồi nhưng nhân dân thấy vậy rất bức xúc. Sở đã xuống kiểm tra làm việc với lãnh đạo địa phương, yêu cầu chính quyền huyện Đại Lộc tập trung chỉ đạo xử lý việc này. “Sở đã phối hợp với địa phương để tích cực giải quyết việc này. Đồng thời yêu cầu huyện Đại Lộc xử lý trách nhiệm về mặt nhà nước đối với Đảng ủy, UBND xã Đại Quang, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, sai đến đâu xử lý đến đó”, ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam nói.

MỚI - NÓNG