Tường trình của người trở về

Tường trình của người trở về
TP - Ngày 19/6, tòa án TP Cape Town-Nam Phi tuyên trắng án, thả tự do tại tòa cho 10 thuyền viên VN trong vụ án cướp biển, xảy ra ngày 4/5, trên tàu đánh cá Thụy Cát 101 (Balena) của Đài Loan trên vùng biển Nam Phi. Chiều 22/6, 10 thuyền viên có mặt tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Chiều 22/6, 10 thuyền viên trong vụ án cướp biển và được tuyên trắng án ở Nam Phi có mặt tại sân bay Nội Bài, Hà Nội trên chuyến bay VN 830 Vietnam Airlines từ Bangkok, Thailand. Vừa ra khỏi sảnh chờ, thuyền viên Nguyễn Văn Dương, quê Nghệ An, ôm mặt khóc nức nở: “Chúng tôi làm gì mà họ quy cho tội cướp biển”.

Lập tức đại diện các đơn vị trực tiếp đưa các thuyền viên xuất ngoại ập đến xách va ly, đẩy các thuyền viên ra xe rồi thẳng tiến về Hà Nội. Trên đường ra xe, nhiều PV bị đại diện của các Cty lớn tiếng vì trao đổi với thuyền viên.

Chiều qua, PV Tiền Phong có mặt tại Cty Cung ứng Lao động Quốc tế & Dịch vụ (Inmasco), đơn vị đưa sáu trong 10 thuyền viên bị trả về nước gặp các thuyền viên và nghe họ tường trình về vụ việc.

Tường trình của người trở về ảnh 1

Nỗi sợ dường như vẫn còn trên khuôn mặt thuyền viên Nguyễn Văn Dương. Ảnh: M.Thùy

Theo tường trình của ba thuyền viên Nguyễn Văn Thiết, Hoàng Văn Tân và Hồ Văn Hân, cùng ở Nghệ An, chiều 3/5, sau hơn 20 giờ làm việc liên tục trên tàu, 10 lao động của Việt Nam bị sóng đánh làm ướt hết quần áo.

Được biết, 10 thuyền viên này được ba Cty trực tiếp đưa sang Đài Loan lao động đánh bắt cá xa bờ. Đó là Cty Cung ứng Lao động Quốc tế & Dịch vụ - Inmasco (sáu người), Cty Vinamoto (hai người) và Cty Napico (hai người). 

Thời tiết quá lạnh, anh Thiết chạy vào phòng thay quần áo để ra làm việc, vừa ra khỏi cửa gặp ngay  đốc công tên A.Xuân lao tới dùng tay đấm thẳng vào mặt anh Thiết ngã xuống rồi dùng chân đá vào người.  Sau khi đánh anh Thiết xong, đốc công đi về phía sau tàu đánh anh Tân ngã gục.

Thấy hai anh Thiết, Tân ra nhiều máu, 10 anh em người Việt Nam tập trung lại gặp đốc công hỏi rõ nguyên nhân vì sao đánh thuyền viên rồi hai bên cãi nhau. Vài phút sau, vị thuyền trưởng gọi các thuyền viên lên phòng làm việc.

Tại đây các thuyền viên đề nghị xin được trở về nước vì không chịu được sự đánh đập và cường độ làm việc vất vả, ăn uống không đầy đủ và được thuyền trưởng đồng ý quay tàu trở về Nam Phi để trả thuyền viên.

Trên đường về, thấy đốc công vẫn hung hãn, các thuyền viên Việt Nam đã dùng dây buộc chân, tay ông ta lại rồi lấy chăn, chiếu cho nằm một góc trên boong tàu gần 10 tiếng rồi thả ra. Khi mọi người đang chờ tàu cặp cảng Cape Town, cảnh sát Nam Phi lên tàu dẫn 10 thuyền viên về nhà giam.

“Em vừa lên tàu làm việc được hơn 10 ngày nhưng đã ba lần đốc công đánh ngã gục”, anh Thiết nói.

Được biết, sáu trong 10 thuyền viên bị trả về nước là người Nghệ An, được Cty Inmasco đưa sang Đài Loan làm việc trên tàu Thụy Cát 101, thông qua hợp đồng giữa Cty Inmasco và Cty TNHH Quốc tế Vĩnh Hân - Đài Loan, vừa xuất cảnh trong tháng 3 và 4/2009 với cam kết sang Đài Loan đi tàu đánh cá ngừ, thời gian mỗi ca làm việc có thể lên tới 22 giờ.

“Khi lên tàu chúng tôi mới biết không phải tàu đánh cá ngừ như cam kết. Nhiều lần chúng tôi phải làm việc liên tục 35 giờ, quá mệt mỏi, nhiều thuyền viên ngủ gục bị đốc công xộc tới dùng gậy đánh ngất tại chỗ”, Hoàng Văn Tân đưa vết thương trên tay trái, vết rách ở môi cho PV xem.

Sau nhiều ngày bị giam giữ, ngày 7/5, tòa án thành phố Cape Town - Nam Phi mở phiên xử đầu tiên 10 thuyền viên Việt Nam với hai hành vi “cướp biển” và “bắt cóc”. Sau năm lần đưa ra xét xử, ngày 19/6, tòa án thành phố Cape Town tuyên trắng án, trả tự do tại tòa cho cả 10 thuyền viên Việt Nam.

Ông Vũ Đình Tuân -  Trưởng phòng Đài Loan thuộc Cty Inmasco cho biết, Cty sẽ chịu toàn bộ chi phí cho sáu lao động bị trả về nước hôm qua.

MỚI - NÓNG