Uẩn khúc nào trong vụ hoả táng bất thường ở Kiên Giang?

Tro cốt của ông Nguyễn Duy An vẫn nằm trong chùa Thôn Dôn do gia đình đang yêu cầu làm rõ.
Tro cốt của ông Nguyễn Duy An vẫn nằm trong chùa Thôn Dôn do gia đình đang yêu cầu làm rõ.
TPO - Cho đến chiều 6/5, bà Nguyễn Thị Chung vẫn chưa đến chùa Thôn Dôn (TP.Rạch Giá, Kiên Giang) để nhận tro cốt của người con về nhà. Bà Chung và gia đình đang đề nghị công an và ngành chức năng làm rõ cái chết của con trai bà; làm rõ vì sao lại tự ý hoả táng thi thể con trai bà khi chưa được sự đồng ý…

Còn nhiều điều phải làm rõ

Như Tiền Phong đã thông tin, vào khoảng 11g ngày 30/4, người dân phát hiện một người đàn ông trên 40 tuổi nằm chết cạnh một bờ sông trong khu tập thể của Cty KIVECO thuộc phường An Bình, TP.Rạch Giá.

Công an cùng ngành chức năng sau đó đến lập biên bản hiện trường, đưa vào chùa Thôn Dôn khám nghiệm tử thi. Quá trình khám nghiệm tử thi, điều tra viên phát hiện người này có CMND tên là Nguyễn Duy An (SN 1972),  ngụ tại khóm 4, phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên (An Giang) liền điện về nhờ công an địa phương ở An Giang báo dùm gia đình. 

Nhận tin báo, khoảng 14 giờ 30 gia đình bà Chung nhận được tin báo của công an xuống nhận xác con. Đến 17 giờ 30 khi bà đến Rạch Giá thì công an nơi đây cho biết nhà chùa đã tiến hành hỏa táng con trai bà. Bất ngờ trước việc làm tùy tiện này, bà Chung đã khiếu nại đề nghị công an làm rõ nguyên nhân cái chết của con bà. 

Bà Chung nói: Khi công an điện thoại qua lấy xác thì nói là con tôi bị chết do đuối nước, nhưng khi qua thì khẳng định con tôi chết trên bờ. Điều quan trọng là vì sao gọi điện thoại qua lấy xác nhưng lại bảo nhận tro cốt. Và vì sao lại vội vàng hỏa táng con tôi như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm về việc làm tùy tiện này?

Uẩn khúc nào trong vụ hoả táng bất thường ở Kiên Giang? ảnh 1

Chùa Thôn Dôn nơi hỏa táng ông An.

Uẩn khúc nào trong vụ hoả táng bất thường ở Kiên Giang? ảnh 2

Lịch hỏa táng của nhà chùa.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, một số người dân tại khu vực ông An chết  nói rằng ông này là người vô gia cư. Trông người cũng bảnh bao, tay có đeo đồng hồ, có một túi xách màu đen, lang thang ở khu phố 1 của phường An Bình đã mấy ngày. 

Bà Nguyễn Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Bình nói: “Nghe nói có người chết sống lang thang không nhà. Công an phường kêu tui xin cho cái hòm từ thiện. Công an nói khám nghiệm hiện trường xong sẽ chở xác về chùa để khám nghiệm tử thi và thiêu luôn. Tới khoảng 14 giờ thì xe của công an tỉnh chở  xác ngang cơ quan tui, tui kêu người đẩy cái hòm lên xe và cho thêm đôi chiếu chở vô chùa. Chúng tôi chỉ làm từ thiện. Quyết định thiêu là của người khác”.  

Nhiều người đặt vấn đề: Vì sao khi phát hiện người chết có thân nhân mà vẫn tiến hành hỏa táng? Về giờ giấc hỏa táng cũng đã thể hiện sự khác nhau. Phía công an nói rằng sau khi điện thoại xong là hỏa táng, diễn ra vào khoảng 14 giờ 30. Tuy nhiên tại một tấm bảng treo gần văn phòng của chùa Thôn Dôn thì lịch hỏa táng của Nguyễn Duy An được ghi rõ là 10 giờ ngày 30/4. 

Đại đức Danh Chiến cũng nói rằng 8 giờ sáng thì Hội chữ thập đỏ phường điện thoại nhờ hỏa táng một trường hợp không có thân nhân, khoảng 9 giờ thì công an, viện kiểm sát tới khám nghiệm tử thi và 10 giờ thì hỏa táng. Nhà chùa không được yêu cầu ký vào bất kỳ một biên bản nào.

Uẩn khúc nào trong vụ hoả táng bất thường ở Kiên Giang? ảnh 3 Vị trí ông An tử vong.

Uẩn khúc nào trong vụ hoả táng bất thường ở Kiên Giang? ảnh 4 Tro cốt của ông Nguyễn Duy An vẫn nằm trong chùa Thôn Dôn do gia đình đang yêu cầu làm rõ.
Hỏa thiêu xong mới điện cho thân nhân?

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Trung Thành - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang nói: Cơ quan CSĐT làm đầy đủ thủ tục không thiếu gì. Sau khi hỏa táng mới phát hiện giấy CMND của nạn nhân, nhưng rất nhoè, nên công an điện cho công an Long Xuyên nhờ xác minh. Họ nói cái này khó xác minh lắm. Cho nên đợi hoài không thấy mới tiến hành hỏa thiêu. Sau khi hỏa thiêu mới tìm được thân nhân, nên người ta xuống là đã thiêu rồi. 

Cũng theo Đại tá Thành thì: Có người thấy ông này nằm trên cái võng ngã xuống rồi máu từ trong họng trào ra. Khi thấy người này chết rồi, mới điện báo công an. Bây giờ thì đang giám định độc chất, thi thể các cái để tìm nguyên nhân cái chết. Do xác định vô gia cư nên người ta mới hoả táng. Cho nên cái đó không thể đổ thừa cho cơ quan điều tra được. Cái này nói tự ý hoả thiêu là không đúng đâu. Công an cũng đã làm hết trách nhiệm rồi.

Luật sư Nguyễn Tấn Thanh, Văn phòng luật sư Tấn Thanh – Đoàn luật sư TP.HCM nêu quan điểm:  việc xử lý xác chết có một nguyên tắc là phải truy tìm thân nhân. Nếu thi thể không mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt thì cơ quan chức năng phải giữ thi thể tối thiểu là 24 giờ đồng hồ sau khi chết, để tìm thân nhân. Khi đó, quyết định chuyện nhận xác về chôn hay thiêu là quyền của thân nhân. 

Việc tự ý thiêu xác anh An là sai nguyên tắc và trái đạo lý.Việc làm của Công an TP.Rạch Giá đã xâm phạm đến quyền nhân thân theo quy định của pháp luật; gây tổn thất về mặt tinh thần cho người thân của nạn nhân. 

Người thân của nạn nhân có quyền khiếu nại đến Công an tỉnh Kiên Giang để yêu cầu giải quyết vụ việc trên theo quy định của pháp luật, đồng thời có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần.


MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.