Vá lưới bên bờ biển Tây

Chị em phụ nữ thị trấn cửa biển Sông Đốc tập trung vá lưới thuê cho chủ tàu.
Chị em phụ nữ thị trấn cửa biển Sông Đốc tập trung vá lưới thuê cho chủ tàu.
TP - Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bên bờ biển Tây có gần 1.000 tàu đánh bắt hải sản, phần lớn trong số đó hành nghề lưới vây, lưới rê, lưới kéo… Nơi đó cũng có hàng nghìn phụ nữ chuyên làm nghề vá lưới.

Sau những chuyến đi biển, ngư cụ hư hỏng, lưới bị rách cần phải vá ngay, vì vậy mỗi con tàu cập bến thường có hàng chục thợ vá lưới chờ sẵn, họ mang theo cơm để vá lưới suốt ngày.

Vá lưới “quây” hạnh phúc gia đình

Chị Nguyễn Thị Hân, một thợ vá lưới cho biết, tiền công vá lưới những ngày tàu cập bờ được 250.000 đồng/ngày, cao hơn ngày thường nhưng chỉ được chưa đến 10 ngày mỗi con trăng, tức từ khoảng mùng mười đến ngày 19 hàng tháng âm lịch. Từ khi trăng khuyết đến lúc trăng tròn là thời điểm tàu khai thác vào bến để bán sản phẩm, tu sửa ngư cụ và ngư phủ nghỉ ngơi.

Theo chị Phạm Thị Lan, nghề vá lưới không giàu nhưng có tiền lo gia đình, và không “ăn không ngồi rồi” để bài bạc, chơi bời lêu lổng, người đời quở trách. Bà Phạm Thị Nhiên - Chi hội trưởng phụ nữ khóm 1 (thị trấn Sông Đốc) ước tính có khoảng 60- 70% chị em phụ nữ trong khóm có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định bằng nghề vá lưới. Bà Nhiên cũng cho biết, có những chị em đi làm ăn xa nhưng rồi cũng quay lại nghề vá lưới ở đây.

Không chỉ người tại chỗ, nghề vá lưới ở cửa biển Sông Đốc còn thu hút hàng trăm lao động nữ các xã lân cận như Phong Lạc, Khánh Hải,… nhất là những ngày tàu khai thác biển vào bến sau chuyến ra khơi. Gia đình của chị Phạm Thị Kim Cương (40 tuổi), ở xã Khánh Hải, đã gia nhập vào đội ngũ phụ nữ vá lưới ở Sông Đốc hơn 10 năm nay. Theo chị Cương, nghề vá lưới không nặng nề lắm, chỉ cần tỉ mỉ, kiên trì, có thể kiếm được vài ba triệu đồng, đủ xoay xở tiền chợ búa, tiền con đi học. Chồng chị Cương là thuyền trưởng tàu đánh lưới, được trả công khoảng 6 triệu đồng/tháng.

“Vợ chồng tôi đều làm mướn cả thôi nhưng ổn định, có thể dành dụm cho gia đình. Tôi vá lưới, con gái lớn cũng tập tành vá lưới, kiếm tiền chi phí hàng ngày. Còn chồng tôi làm được hàng tháng, có thể để dành”- chị Cương chia sẻ.

Cũng theo chị Cương, khó nhất của công đoạn làm lưới là ráp lưới mới, bởi đòi hỏi dàn xương, độ giãn vừa phải, chắc chắn từ khâu đầu. Để  có một dàn lưới vây, đánh bắt tuyến khơi, cần 3 tấn lưới, khoảng 1,7 tấn chì, 500 khoen bằng đồng thau, 1.500 cái phao, trên 2 tấn dây và trên 1.000 m rường chì, ráp thành tấm lưới rộng 130 m, chiều dài trên 800 m. Khi hoàn thành phần lưới, cánh đàn ông khỏe mạnh tiến hành đâu, tóm phao, xỏ khoen, kẹp chì.

Trụ cột chính

Bà Phan Hồng Như - Hội phó Hội Phụ nữ Sông Đốc cho biết: “Ở Sông Đốc, có những chị em phụ nữ mất chồng, hoặc chồng bị tai nạn lao động trên biển nên vợ phải đương đầu với cuộc sống”. Chị Lê Thị Ngọc Thúy, 36 tuổi, ở khóm 1 là một trong những người như vậy. Gần 2 năm trước, chồng chị Thúy đi biển bị chìm tàu và mất tích cùng với 6 ngư phủ. Để có tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học, ngoài vá lưới, chị Thúy còn bán chuối nướng, khô nướng, bắp luộc…vào ban đêm. Chị Phạm Thị Nhiên tâm sự: “Chúng tôi rất quan tâm đến hoàn cảnh gia đình và cảm phục nghị lực vươn lên, tần tảo để nuôi sống gia đình của chị Thúy”.

Chị Nguyễn Kim Phụng (48 tuổi) làm nghề vá lưới hơn 20 năm. Ngoài đảm trách những phần việc khó, chị Phụng còn hướng dẫn cho chị em phụ nữ mới vào nghề. Hướng mắt về cô gái đôi mươi đang cặm cụi trên đống lưới rải trên sàn nhà, chị Phụng nói: “Đây là con gái tôi, tên Võ Huỳnh Như được trả công 100.000 đồng/ngày. Mấy tháng rồi, mẹ con phải cố gắng xoay xở vì cha nó bị tai nạn”.

Anh Võ Văn Tâm, chồng chị Phụng làm máy trưởng tàu đánh cá, thu nhập ổn định nhưng bị tai nạn trên biển, gãy tay, phải nằm tại nhà. Chị Kim Phụng nói: “Ông xã không đi biển nữa là mất nguồn thu chủ yếu gia đình nên mẹ con tôi phải gắng sức bù đắp bằng nghề vá lưới”. Hiện cánh tay đã lành nhưng không dám lao động nặng như trước, anh Tâm ở trên bờ, phụ giúp vựa mua hải sản và được trả công 3 triệu đồng/ tháng.

Bà Phan Hồng Như - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Sông Đốc: “Có khoảng 50% trong số 2.800 hội viên phụ nữ thị trấn làm nghề vá lưới. Nghề vá lưới vừa có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ, vị thế người phụ nữ trong gia đình ngư phủ được nâng lên. Chúng tôi tổ chức phổ cập nghề vá lưới bằng cách chị em có kinh nghiệm truyền dạy cho chị em phụ nữ mới vào nghề vá lưới”.

MỚI - NÓNG