Vấn đề Quốc hội nêu, chẳng xử lý được ai?

Vấn đề Quốc hội nêu, chẳng xử lý được ai?
''Mía đường, đánh bắt xa bờ đầu tư dàn trải, lãng phí... nêu ra Quốc hội rồi bỏ đó, chẳng xử lý được ai cả! Mà Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao''. Ông Nguyễn Mạnh Đức (ĐB Yên Bái) đã nói thẳng như vậy tại buổi thảo luận về kinh tế- xã hội của Quốc hội sáng 17/5.

Nhiều bộ, ngành tội tày đình vẫn ngồi đó?

Vấn đề Quốc hội nêu, chẳng xử lý được ai? ảnh 1
ĐB Nguyễn Mạnh Đức

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Đức, tâm tư của cử tri ''lo lắng trước tham nhũng, tiêu cực nhưng ta chẳng xử lý được gì. Cơ quan quyền lực tối cao phải có giải pháp giải quyết tận gốc thì chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục... mới phát triển được''. 

Ông đòi hỏi trách nhiệm chính trị và văn hoá từ chức: ''Hàn Quốc, Thủ tướng đánh golf vào ngày nghỉ trong lúc công nhân đình công phải xin từ chức. Nhiều bộ, ngành của ta tội tày đình nhưng bộ trưởng vẫn ung ung ngồi đó!''

''Làm sao thành tích phải là tập thể và trách nhiệm cá nhân! Nếu tội tập thể, thành tích vơ vào cho cá nhân thì đất nước này còn trì trệ!''

Dùng 2 chữ ''động trời'' để nói về vụ PMU 18, cùng với hàng loạt vụ việc tiêu cực ở các bộ, ngành, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) mong muốn Chính phủ nhận khuyết điểm trước Quốc hội, xin lỗi nhân dân để tỏ thái độ quyết liệt chống tham nhũng.

Riêng ĐB Phạm Quang Dự (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ nói một câu rất ngắn gọn ''chúng ta nên nói ít đi và làm nhiều hơn''.

Sai phạm, thất thoát trong quản lý ODA: Trách nhiệm thuộc bộ KH-ĐT

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân nhận xét ví von, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc về quản lý, sử dụng các nguồn vốn lớn trước Quốc hội chiều qua là ''rừng quy định những không rõ trách nhiệm''.

Sử dụng nguồn vốn ODA thất thoát, theo ông Trân (từng làm Trưởng đoàn giám sát về ODA của Uỷ ban Đối ngoại), Bộ Kế hoạch Đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm là ''đầu mối thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA''. ''Luật giao Bộ làm quy chế mẫu cho các ban quản lý dự án ODA. Thử hỏi đã 10 năm nay đã làm chưa?''.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Tào Hữu Phùng lên tiếng: ''Tôi không tán thành Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói ''thiếu sót trong quản lý vốn là trách nhiệm tập thể Chính phủ'' mà phải là trách nhiệm cụ thể của các thành viên Chính phủ''.

Theo ông, quản lý, sử dụng vốn ODA trách nhiệm trước hết là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính. Nhưng trách nhiệm trực tiếp, cụ thể phải là các bộ, ngành, địa phương quản lý dự án, lập dự án, thẩm định, đấu thầu, thi công...

Ông Tào Hữu Phùng đưa ra giải pháp: quản lý, sử dụng ODA phải đưa vào khuôn khổ của Luật ngân sách nhà nước. Đồng thời, sớm làm luật về thu hút, quản lý, sử dụng ODA.

ĐB Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ (Quảng Trị) cũng phản ánh cách đây 7 năm, Quốc hội qua giám sát về ODA đã đưa ra nhiều kiến nghị nhưng ''bị rơi vào quên lãng, không được tiếp thu''. ''Tôi muốn Chính phủ giải trình rõ về việc này'', bà nói.

Cho rằng Bộ Tài chính đã buông lỏng quản lý ODA và chưa bịt được rò rỉ ngân sách, ông Nguyễn Ngọc Trân nói: ''Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp này nên báo cáo rõ ràng, minh bạch trước Quốc hội. Đồng chí vừa vào Bộ Chính trị, nay mai nhận phân công mới, thái độ tích cực sẽ tạo ấn tượng tốt cho đại biểu''.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Theo Văn Tiến

VietnamNet

MỚI - NÓNG