Vẫn mãi xanh cỏ non Thành Cổ

Tượng đài Thành Cổ
Tượng đài Thành Cổ
TP - Hiếm có nơi nào như nơi đây, mỗi nhà đều có hai bàn thờ, một trong nhà thờ gia tiên, một trong vườn dành cho những người ngã xuống vì đất nước. Hiếm có ở đâu như chốn này, nhà nhà đều đặn từ đầu ngõ đến cuối phố lung linh ánh đèn lồng vào những ngày sóc vọng. Một thị xã nhỏ xinh bên dòng Thạch Hãn với trang bi hùng bất tử 81 ngày đêm lịch sử, có tên gọi thân thương Thành Cổ Quảng Trị…

1.  Chẳng rõ tự lúc nào, danh từ chung “thành cổ” viết thường đã nghiễm nhiên trở thành Thành Cổ danh từ riêng viết hoa in nghiêng trong lòng mọi người. Bởi vậy khi nói đến chữ Thành Cổ thôi, có lẽ ai cũng hiểu, đích thị đấy là thị xã Quảng Trị rồi. Dòng chảy của lịch sử bất tử, đa tầng, không đơn thuần lý giải là vậy. Người bản địa Quảng Trị xứ gió Lào cát trắng hẳn chưa quên trên số ra đầu tiên báo Quảng Trị chào mừng sự kiện tỉnh Quảng Trị tái lập (1/7/1989) có một cái title gây ấn tượng Thành cổ hay… thành cỏ của nữ nhà báo Hoa Phượng. Đại loại rằng, sau chiến tranh tan hoang đổ nát, với một quãng thời gian không ngắn của thời bình dựng xây mà Thành Cổ vẫn thế, vẫn gạch vỡ, vẫn um tùm cỏ dại, vẫn là sự bàng quan của con người với lịch sử. Vẫn như cái giá phải trả của thời khốn khó, không ít người đêm đêm mò vào thành cạy gạch chở về xây… chuồng lợn. Vấn đề “thành cổ… thành cỏ” sau đó đã được giới chức tỉnh nhà đưa ra mổ xẻ nghiêm túc, tìm ra hướng mở đúng, có trách nhiệm với lịch sử.

Ngày 16/9/1989 là mốc son của Thành Cổ với sự kiện thị xã Quảng Trị được lập lại. Có một đoàn từ Hà Nội vào Thành Cổ. Tôi để ý 7 - 8 ông gì đó, râu tóc nghệ sĩ, suốt ngày lang thang cuốc bộ trong thành, sau này mới hay là nhạc sĩ Tân Huyền, Huy Thục, Phú Quang, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Hòa Vang… Bài hát để đời Cỏ non Thành Cổ của Tân Huyền ra đời thời điểm ấy. Giai điệu trầm hùng luyến láy với những ca từ Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ, xin chớ vô tình với người hy sinh cho mảnh đất quê mình… của nhạc phẩm lần đầu tiên tôi được nghe là từ ông Văn Hàn Thuyên, Bí thư Thị ủy lâm thời Quảng Trị lúc đó.

Nhà báo, người lính Lê Bá Dương, thời điểm 1989-1990 là cán bộ Sở Văn hóa Khánh Hòa. Anh đáp xe đò từ Nha Trang ra, ăn cơm tập thể báo Quảng Trị với cánh trẻ bọn tôi bên chùa Đông Hà do o Sen nấu. Tối về ăn bếp tập thể, ngủ giường tập thể, sáng ra bắt xe ôm đi, chả biết anh lọ mọ phương nào. Sau này mới tường, hóa ra anh vào Thành Cổ, vào chiến trường xưa tìm đồng đội. Ý tưởng thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội anh dũng hy sinh của Mùa Hè Đỏ Lửa 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 của anh mà sau này trở thành phong trào hoạt động thường xuyên trong cả nước đã ra đời từ dạo đó. Và, bài thơ Lời người bên sông da diết thổn thức trong lòng công chúng (Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Tan chợ chiều xuôi đò có vội/ Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong/ Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/ Một dấu chân in màu đất hai miền) cũng trào dâng ăm ắp từ chuyến đi dài ngày vào Thành Cổ của anh.

2. Nguyễn Trí Tuân, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị là một gương mặt trẻ. Anh sinh ra trên đất này. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Sử Huế về làm nhân viên văn hóa thị xã, rồi Phó Bí thư, Bí thư Thị Đoàn, Phó Chủ tịch và nay là Chủ tịch. Anh bảo, Thủ tướng Chính phủ đã ký xếp hạng Thành Cổ Quảng Trị là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Tự hào thay, nhưng trách nhiệm làm sao cho xứng danh với tên gọi không phải dễ.

Vẫn mãi xanh cỏ non Thành Cổ ảnh 1

Tuổi trẻ dâng hoa, dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: H.T

Xây dựng, tôn tạo, bảo tồn phát huy Thành Cổ của một thời hoa lửa sao đây cho xứng tầm lịch sử? Và rồi, mọi chuyện đã vỡ vạc sau một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu khoa học là phải đầu tư tôn tạo Thành Cổ Quảng Trị thành một Công viên văn hóa tưởng niệm, tri ân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Các hạng mục sẽ được thực hiện như khu tả thực 81 ngày đêm, khu trồng hoa, khu đền thờ và bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn, khuôn viên bảo tàng, đài chứng tích sinh viên… “Người dân đã coi Thành Cổ là vùng đất tâm linh, nên không thể làm ăn lơ mơ chàng màng được”, Chủ tịch Tuân nói. Hôm tôi vào Thành Cổ, ở khu trung tâm của di tích đang tôn tạo giai đoạn hai. Giai đoạn này (2009-2015) có vốn đầu tư 200 tỷ đồng trên tổng diện tích sử dụng 25.000 m2. Trời lất phất mưa bay, nhìn mấy chị công nhân đang choàng áo nylon tỉ mẩn rạch luống trồng cỏ, những thảm cỏ xanh non hiện ra mà lòng ấm lại…

Trần Hưng Đạo, con đường trung tâm và đẹp nhất của Thành Cổ có trường Bồ Đề, di tích được xếp hạng Quốc gia năm 1986. Trường do Hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị mở năm 1959 phát tâm quyên góp từ đạo hữu và dân chúng. Trường Bồ Đề là căn nhà duy nhất hiện còn sót lại sau 81 ngày đêm lịch sử của quân và dân Việt Nam tại Thành Cổ, là chứng tích thể hiện sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Giờ đây, cạnh Bồ Đề có một ngôi trường hai tầng xinh xắn tươi trẻ mọc lên. Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Thấy tôi mãi nhìn các em học sinh áo trắng quần xanh đeo khăn quàng đỏ lao động vệ sinh trong khuôn viên Bồ Đề, cô giáo Hiệu trưởng Đoàn Thị Thanh Hà bảo, đó là công việc thường tuần của trường, của thế hệ tuổi hoa xuân với lịch sử.

3. Ở Thành Cổ, có một người được gọi là người “phủ mát” linh hồn đồng đội. Ông là Nguyễn Thanh Bình, nguyên chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn K8 Tỉnh đội Quảng Trị, người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành Cổ 81 ngày đêm. Khoảng 2.000 cây cảnh trong khuôn viên Thành Cổ làm nơi “nghỉ mát” cho các anh hùng liệt sĩ đều do một mình ông tự trồng và chăm sóc. Ông chia sẻ, cứ 10 cây trong khuôn viên Thành Cổ thì bán 5 lấy tiền, phần lo cho gia đình,  phần mua cây con về ươm và hương khói cho đồng đội, số cây cảnh còn lại làm đẹp cho khuôn viên và để cho đồng đội “nghỉ mát, che mưa che nắng”. Hơn hai chục năm qua, ông tình nguyện trồng tặng Thành Cổ Quảng Trị khoảng 3.000 cây và hơn 500 cây cho Nghĩa trang liệt sĩ Thành Cổ. Là nhân chứng sống nên ông biết rất rõ và chính xác những nơi mà đồng đội đã ngã xuống, và trong những năm ấy, ông đã cất bốc đưa về Nghĩa trang Thành Cổ hơn 60 hài cốt đồng đội nằm rải rác trong lòng thị xã.

Vẫn mãi xanh cỏ non Thành Cổ ảnh 2

Cụ Phạm Lý Chánh

Ông Phạm Lý Chánh, người Điện Bàn, Quảng Nam nhưng “đóng đô” tại phường 1 đất Thành Cổ này đã ở độ xưa nay cực hiếm, 97 tuổi rồi mà tinh anh, mạnh khỏe, da dẻ tươi tắn. Anh Hồ Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND thị xã Quảng Trị kể, tuổi như thế nhưng cụ Chánh “thừa sức đánh bay… cặp đầu vịt cùng hai xị rượu thuốc, rồi đạp xe phăng phăng quanh thị xã”. Ba thập kỷ qua, ông tự nguyện lặng lẽ tìm kiếm cất bốc, an táng hàng trăm hài cốt những anh hùng liệt sĩ, cũng như những người lính bên kia chiến tuyến ngã xuống trên đất Thành Cổ. “Cách đây mấy năm, trong lúc làm đường giao thông tôi phát hiện được một hài cốt liệt sĩ. Trong lọ Penixilin gắn mảnh giấy nhỏ đề danh tính liệt sĩ Phạm Trung Giang, hy sinh 28/8/1972. Đây là một trong rất ít liệt sĩ may mắn lúc hy sinh tại Thành Cổ vẫn còn lưu lại tên tuổi. Cất bốc xong, tôi đề nghị đưa liệt sĩ về Nghĩa trang Thành Cổ. Bỗng dưng, một người trong nhóm khuyên đưa về Nghĩa trang xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Và khi làm lễ đưa liệt sĩ Giang về Nghĩa trang Triệu Long, tôi giật thột bởi thấy rất nhiều liệt sĩ thuộc đơn vị của anh đang yên nghỉ tại đây. “Máu thịt của đồng đội mình thiêng liêng vậy đó”, ông Chánh nói.

MỚI - NÓNG