Vấn vít chuyện xưa, nay ở phủ Tổng thống

Ngày 2/6 (giờ Việt Nam) tại thủ đô Algeria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika. Ảnh: Đức Tám
Ngày 2/6 (giờ Việt Nam) tại thủ đô Algeria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika. Ảnh: Đức Tám
TP - Thời điểm này các phương tiện truyền thông đã truyền đi rộng rãi thông tin về cuộc hội kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Cộng hòa dân chủ nhân dân Algeria Abdelaziz Bouteflika. Ít ai biết có hai động thái hay chi tiết đã diễn ra trong cuộc hội kiến ấy.

Trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng hầu như các phóng viên đều biết chút ít thông tin về ngài Tổng thống năm nay 78 tuổi, sức khỏe gần đây không được tốt. Năm ngoái ngài từng phải điều trị ở nước ngoài. Vậy mà cũng năm ngoái,  đương kim Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã giành chiến thắng ngoạn mục với tỷ lệ 81,53% số phiếu ủng hộ, tương đương với hơn 8,3 triệu cử tri.

Vị Tổng thống này có nhiều tính cách độc đáo. Chả hạn lần ấy ông có cuộc trò chuyện thân mật với  huyền thoại bóng đá “Zizou” - Zidane người Pháp nhưng gốc Algeria và bất ngờ mời cầu thủ này về làm huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia Algeria mang biệt danh Cáo sa mạc khiến Zidane phải lúng túng một thời gian để lựa chọn…

Cánh cửa gian phòng nơi diễn ra cuộc hội kiến vẫn đóng kín mặc dù cuộc hội kiến đã diễn ra gần một tiếng đồng hồ.

Rồi một tiếng hơn.

Sau này chúng tôi may mắn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ thêm thông tin rằng, những vị khách Việt Nam đều biết tình trạng sức khỏe của Tổng thống nước chủ nhà nên đã chuẩn bị một nội dung làm việc ngắn gọn, thời lượng vài chục phút là nhiều để giữ sức khỏe cho Tổng thống…

Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra không phải một lần mà bốn lần! Là cứ mỗi khi Thủ tướng Việt Nam với động thái đứng dậy xin lỗi cùng xin phép kết thúc cuộc hội kiến nhưng Tổng thống Abdelaziz Bouteflika cũng với động thái rất tự nhiên và thuyết phục đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục cuộc trao đổi mà theo Tổng thống đang hết sức bổ ích này. Tổng thống bộc bạch rằng từ chuyến thăm Việt Nam năm 2000, ông muốn được nghe nhiều chuyện…

 Một duyên do nữa để cuộc gặp kiêm hội kiến kéo dài thêm. Ấy là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  trân trọng chuyển cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có tựa đề “Gia đình, bạn bè, đất nước”. Bất ngờ Tổng thống Abdelaziz Bouteflika mắt sáng rỡ đưa hai tay đón lấy cuốn sách và từ từ ấp cuốn sách vào ngực mình…

Có một chuyện thế này. Lần vô thăm ông bà thông gia ở Phú Yên, tôi tình cờ gặp ông Trịnh Hồng Phú một doanh nhân khá thành đạt. Ông Phú trước đây từng có thời gian công tác ở ngành ngoại giao. Được ông dẫn đến thăm khu nghỉ dưỡng sinh thái Sao Việt một cơ ngơi bề thế do ông làm chủ.

Cây cối trong khu Sao Việt cũng thuộc loại kỳ hoa dị thảo, nhưng ông Phú chỉ ngó lơ và giới thiệu qua với khách. Cái mà ông muốn cho tôi coi là thứ khác. Ngó cụm gồm ba cây con con, dáng cùng sắc lá cái thứ cây mà ông nói là đặc biệt này nó tờ tợ hao hao giống cóc giống sấu và chỉ nhỉnh hơn hai gang tay. Nhưng coi bộ ông Phú hít hà cùng vẻ trân trọng,  thoáng cảm giác đây là thứ cây quý gì đó mà mình chưa biết?

Câu chuyện ông Phú sau đó có thể chắp nối thế này.

Lần ấy, ông cùng mấy thành viên của “Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam” tháp tùng bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nay là Chủ tịch Quỹ thăm Algeria.

Cuộc thăm này nói đúng hơn là lần trở lại đất nước Algeria đã gợi cho ông Phú bao cảm xúc bồi hồi.

Những năm công tác ngoại giao thời trai trẻ, ông từng đội mũ tai bèo, trang phục quân giải phóng đến thăm đất nước đang nồng nhiệt ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Những ngày Việt Nam đánh Mỹ các bạn Algeria hết lòng ủng hộ. Có thể nói bất kỳ ở đâu, dù ở thành phố hay thôn quê, như ông nói, luôn gặp trên những khuôn mặt có nhiều màu da: đen, ngăm đen, trắng, những nụ cười thân thiện và đôi mắt sáng long lanh đầy nhiệt huyết ủng hộ Việt Nam - Các bạn thanh niên Algeria từng tổ chức những đêm trắng ngoài sa mạc để đón chúng tôi… Ngày đó đón chúng tôi họ thường chào một điệp khúc “Việt Nam - Việt Nam-Ép, En, En”. Ep, En, En là từ viết tắt của FNL (Front National Liberia - Mặt trận dân tộc giải phóng).

Trở lại cuộc thăm, khi chiếc máy bay vừa dừng, cầu thang mở, bà Nguyễn Thị Bình và chúng tôi được mời ra trước. Ngạc nhiên vì chuyến thăm thương mại bình thường mà đoàn được tiếp đón cứ như quốc khách? Có hẳn vị Vụ trưởng lễ tân của nhà nước Algeria vào tận cửa máy bay đón. Lại được xe của Phủ Tổng thống do một nữ Bộ trưởng trong Chính phủ chờ sẵn. Cờ Việt Nam và cờ Algeria phần phật trên đỉnh tháp. Đoàn về nhà khách của Tổng thống với hai hàng mô tô hộ tống.

Đã đành bạn trân trọng bà Nguyễn Thị Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam thường xuyên thăm châu Phi và nhiều lần thăm Algeria để vận động nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Sự trọng thị của ông Tổng thống dành cho bà cựu ngoại trưởng trong cuộc thăm này cũng là sự trân trọng quý mến đối với nhân dân nước mình nói chung. Nhưng ông Phú biết thêm điều này nữa, những năm xa ấy, ông Tổng thống Abdelaziz Bouteflika là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cánh tay đắc lực của Tổng thống Boumediene luôn sôi sục bầu nhiệt huyết với Việt Nam. Chính Tổng thống Boumediene đã thân cử Ngoại trưởng Bouteflika cầm ba trăm Franc tiền Pháp đích thân đưa cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ để chi tiêu riêng trong thời gian diễn ra Hội nghị Á - Phi khi đó.

Trong thời gian thăm Algeria, đoàn bà Bình được bố trí đi thăm sa mạc Sahara, thăm các mỏ dầu trong đó có tổ hợp liên doanh dầu khí Việt Nam Algeria bằng chính máy bay riêng của ngài Tổng thống.

Một bất ngờ nữa,  trong câu chuyện thân mật của cuộc thăm, ngài Tổng thống đã thong thả trưng ra một cây bút. Ngó thấy, bà Bình cười vẻ rất vui... Liền đó, ông Phú mới biết xuất xứ của cây bút ấy. Sau ngày ký hiệp định Paris, bà Bình đã tặng ngài Bouteflika một trong những cây bút bà dùng để ký hiệp định.

Ông Phú nhớ một lần ra phố chụp ảnh, không biết ở đường phố có nhiều cây chà là cao to này có gì bí mật mà cảnh sát đến hỏi giấy tờ. Họ hỏi ông có phải người Trung Quốc không? Khi biết ông là người Việt Nam, họ không chỉ không xem giấy tờ mà mừng vui ra mặt và dẫn đi chụp ảnh với sự tin cậy chân tình.

Trước ngày rời Algeria, đoàn bà Bình được Tổng thống tiếp và mời cơm. Các vị chủ nhà hôm đó là những nhân vật chủ chốt như Chủ tịch Thượng viện, các bộ trưởng... Tổng thống giới thiệu “đây là những người bạn đến từ đất nước Việt Nam mến yêu của chúng ta”.

Cuối tiệc, Tổng thống gọi món tráng miệng bằng quả néple (nép) của Algeria. Quả nép giống như quả cóc ở xứ ta nhưng da láng, màu đỏ đẹp hơn, ăn có vị ngọt, dôn dốt chua. Trong không khí thân tình, cái máu ưa thích cây cối sân vườn trỗi lên, ông Phú đã bất ngờ có một đề nghị. Ấy là ông ngỏ ý với Tổng thống xin đem vài quả về trồng trong Khu du lịch Sao Việt ở Phú Yên.

Tổng thống nghe xong rất vui, và gọi ngay người phục vụ mang ra một giỏ có ba mươi đến bốn mươi quả. Tổng thống nói: Anh cố trồng được vài cây, ta đặt tên là cây hữu nghị Algeria - Việt Nam. Bà Bình cười tươi và đề nghị: Nếu trồng ở Việt Nam được thì đặt tên là cây Bouteflika (tên của Tổng thống). Ông cười sảng khoái: “Tôi đồng ý”.

Ông Phú mang cả giỏ quả nép về Việt Nam, trồng bằng nhiều kiểu khác nhau, ăn lấy hột phơi khô, phơi khô nguyên quả để trồng, trồng khi còn quả tươi… và trồng ở nhiều vùng đất cao thấp, đất cát pha và cả đất phù sa cổ. Một tháng, hai tháng không thấy mọc mầm, đến tháng thứ ba thì các quả phơi khô nguyên quả bắt đầu lên mầm và cũng chỉ lên khỏe độ 15 cây. Lòng mừng khấp khởi, nhưng chưa dám báo tin vì còn chờ cho chắc ăn, thì vị Đại sứ trong lần thăm chị Hai Bình cho biết Tổng thống hỏi thăm cây nép. Ông Phú chụp ảnh gởi cho Tổng thống và sau đó bứng trồng thành ba cụm, mỗi cụm ba cây.

Chính là cụm cây nép trước mặt tôi đây.

…Trở lại cuốn Gia đình, bạn bè, đất nước (Ma famille mes amis et mon pays) của bà Nguyễn Thị Bình mà Tổng thống Abdelaziz Bouteflika với cử chỉ thân thiết nâng niu ôm sách áp lên phía tim mình ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trang trọng tặng. Sách được nhà Tri Thức xuất bản năm 2012. Và cuốn mà Tổng thống Algeria đang có trong tay là ấn bản tiếng Pháp mới nhất gồm 338 trang do những người bạn Pháp của bà Bình thực hiện tháng 3/2015.

Ngay khi mới phát hành, sách đã rất bắt mắt công chúng kể cả những người kén đọc. Một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, vốn khắt khe, luôn kiệm những lời khen đã nhận xét về cuốn sách đại ý thế này:

Có thể nói mà không sợ quá đáng, rằng, có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng. Sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân”, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua.

Một thành công nữa của cuốn Ma famille mes amis et mon pays là  NXB Modrijan bên Đức đã giao dịch thành công cuốn hồi ký tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2013.

Sau này tôi được biết, nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên, vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria đã về Phú Yên, đến Khu du lịch Sao Việt của ông Phú cùng bà Nguyễn Thị Bình chụp ảnh bên cây nép Algeria lên cao được 1m.

MỚI - NÓNG