Vào Quốc hội không chỉ để vỗ tay

Đại biểu QH bấm nút biểu quyết (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu QH bấm nút biểu quyết (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Không phát biểu, phát biểu bài của người khác, nhấn nút biểu quyết hộ, hỏi mồi… thực tế diễn ra tại các kỳ họp Quốc hội đã được lãnh đạo Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nguyên ĐBQH thẳng thắn chỉ ra. 

Cảnh báo cần thiết

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu thực trạng “có ĐBQH ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, nhưng ra Quốc hội lại không thấy nói gì cả”. 

Thậm chí, theo Chủ tịch Quốc hội, trong thảo luận có đại biểu còn lấy bài của người khác để phát biểu.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Nhiều khi đang biểu quyết cùng một dự án luật, nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục: lúc thì 480, lúc bốn trăm bảy mấy, lúc cao hơn năm người, lúc tụt xuống ba người... Có nghĩa là người ta biểu quyết hộ người khác nên lúc bấm nút, lúc thì quên”.

Trong khi đó, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đề cập hiện tượng “hỏi mồi” trong các phiên chất vấn tại Quốc hội. Đó là việc đại biểu hỏi câu hỏi dễ, người được “hỏi mồi” không phải toát mồ hôi với những vấn đề gay cấn và thoải mái khi chỉ còn là cung cấp số liệu vô thưởng vô phạt. 

Theo ông Vũ Mão những câu hỏi bị liệt vào dạng “hỏi mồi” nhằm nhiều mục đích khác nhau như thể hiện với cử tri mình đã làm tròn nhiệm vụ của một ĐBQH, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ địa phương, đặt quan hệ với người được chất vấn. Thậm chí các câu “hỏi mồi” còn có thể có sự can thiệp của nhóm lợi ích, lợi ích cục bộ nhằm mưu lợi.

GS Nguyễn Minh Thuyết, ĐBQH khóa XI, XII khẳng định đó là một thực tế đáng buồn và cũng được dư luận, báo chí nêu lên từ lâu. Nhưng việc Chủ tịch Quốc hội lần đầu tiên công khai phê bình những hiện tượng như trên lại là dấu hiệu đáng mừng, là cảnh báo cần thiết và đúng lúc.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có thể nhiều ĐBQH nghĩ công việc tại Quốc hội đã có người lo nên chỉ việc ấn nút thông qua, hoặc lo ngại việc trái ý cấp trên, hoặc cho rằng vấn đề đã được quyết định nên không cần phát biểu nữa. 

Thậm chí có cả tình trạng sợ nói vì sợ lộ điểm yếu, sợ việc “vạch áo cho người xem lưng”. Tuy nhiên, với việc phát biểu bằng bài của người khác, GS Thuyết gay gắt phê phán và cho rằng “không chấp nhận được”. 

Vì như vậy đại biểu đó đã không chịu suy nghĩ, không có chính kiến gì mà nói theo lời người khác, hùa theo ý kiến số đông hay nói theo kiểu đón ý cấp trên.

Tăng cường giám sát của cử tri

Khi bàn về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cho rằng, có những thực trạng trên là do một số ĐBQH thiếu một phẩm chất quan trọng là “tư duy phản biện”. Theo đại biểu Nghĩa điều này dẫn tới việc dễ chấp nhận những kết luận, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra.

Nhắc lại quyền và nghĩa vụ của ĐBQH, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ĐBQH các khóa VIII, IX, X gay gắt cho rằng “đại biểu bấm nút hộ, phát biểu bài của người khác là vi phạm nguyên tắc tổ chức, Luật Tổ chức Quốc hội và đặc biệt họ đã phụ lòng tin của nhân dân, khiến người dân mất niềm tin vào Quốc hội”.

Đối với ĐBQH mối quan hệ với trưởng, phó Đoàn đại biểu là mối quan hệ khá nhạy cảm. Các trưởng, phó Đoàn ĐBQH thường là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh. 

Đại biểu phản ánh những ý kiến bức xúc của cử tri nhiều khi lại liên quan vấn đề điều hành của chính quyền, lợi ích của người dân. ĐBQH không đứng trên địa vị của người dân thì không dám đưa ra thảo luận, đấu tranh. 

“Ba khóa tôi là ĐBQH của tỉnh Nghệ An, có nhiều ý kiến dân rất đồng tình, nhưng với các trưởng đoàn, phó đoàn nhiều lúc lại không bằng lòng”, Tướng Thước chia sẻ.

Trung tướng Thước cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, tăng cường sự giám sát của cử tri, báo chí là cơ hội để ngăn ngừa tận gốc những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng trên.

Trung tướng Thước nhận định hiện nay những mối quan hệ về lợi ích có thể điều khiển nội dung, dẫn dắt và chi phối cách thức phát biểu của nhiều đại biểu. Vì thế họ không nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân mà chỉ nói lên tiếng nói của các nhóm lợi ích.

MỚI - NÓNG