Vào WTO: Những bước cuối cùng

Vào WTO: Những bước cuối cùng
TP - Đường xa đi mãi cũng gần. Con đường dẫn tới WTO đã từng xa xôi và cách trở biết bao nhiêu đối với dân tộc chúng ta!

Đó là con đường của 11 năm trời đàm phán và cải cách, cải cách và đàm phán. Muôn vàn khó khăn, muôn vàn trở ngại đã được dựng lên, nhưng đã không ngăn cản được ý chí hội nhập của một nước Việt Nam đang vươn lên, đang đổi mới.

Và cuối cùng, giờ phút mong đợi cũng đang đến. Với việc kết thúc đàm phán (đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc) với Mỹ về việc gia nhập WTO rạng sáng ngày 13/5 vừa qua, giai đoạn đánh đích đã thật sự bắt đầu.

Đường xa bắt đầu từ những bước đầu tiên, nhưng kết thúc bằng những bước cuối cùng. Nếu những bước đầu tiên là vô cùng khó khăn, thì những bước cuối cùng còn khó khăn gấp bội phần hơn thế.

Như một trong những bước cuối cùng, vòng đàm phán Việt-Mỹ tại Washington DC trong những ngày vừa qua đã cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Sẽ cho chúng ta thấy rất rõ là cả những bước cuối cùng sắp tới.

Trước hết, đó là bước đàm phán về mặt kỹ thuật để thể hiện các nguyên tắc đã được thỏa thuận và để hoàn thiện văn bản trước khi việc ký kết chính thức có thể được tiến hành.

Các nguyên tắc là quan trọng, nhưng ăn thua nhau là ở việc chúng được thể hiện về mặt kỹ thuật như thế nào. Vì vậy, đây sẽ là những cuộc đàm phán không kém phần gay go, quyết liệt. Đó là chưa nói tới việc một số nguyên tắc là rất khó thể hiện được về mặt kỹ thuật; việc năng lực về chuyên môn, kỹ thuật chưa phải là một ưu thế của chúng ta.

Mà như vậy thì việc đàm phán về mặt kỹ thuật có thể kéo dài. Một sự chỉ đạo quyết liệt không kém (so với trong vòng đàm phán vừa qua) là rất cần thiết nếu chúng ta mong muốn ký kết được với Mỹ về việc gia nhập WTO trong tháng sáu tới.

Hai là, quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Mỹ hay chính xác hơn là tình trạng chưa có được quy chế này là một trở ngại cần phải vượt qua để gia nhập WTO. PNTR do Quốc hội Mỹ quyết định thông qua việc biểu quyết theo đa số.

Theo dư luận chung, Quốc hội Mỹ có thể có phản ứng tương đối thuận lợi đối với việc dành PNTR cho Việt Nam. Thế nhưng, Quốc hội Mỹ (đặc biệt là Hạ viện) không phải là một thiết chế nhất nguyên, mà là một tập hợp của các ông nghị đại diện cho những lợi ích và những chính kiến rất khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau của nước Mỹ.

Các lực lượng chống lại việc dành PNTR cho Việt Nam sẽ không ngồi yên. Đại sứ nước ta tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến đã nói đúng khi ông cho rằng phải chuẩn bị sức lực cho cuộc đấu giành PNTR sắp tới. Đây sẽ là một cuộc đấu không hề đơn giản.

Tinh thần quyết liệt của vòng đàm phán vừa qua cũng sẽ là điều không thể thiếu để thành công. Có người cho rằng nước Mỹ có thể bật đèn xanh để quan chức WTO làm thủ tục kết nạp Việt Nam trước khi Quốc hội Mỹ biểu quyết về việc dành PNTR cho Việt Nam.

Đúng vậy, nước Mỹ có thể. Tuy nhiên, nếu nước Mỹ có thể bật đèn xanh, thì nước Mỹ cũng có thể không.

Cuối cùng, nêu ra những bước khó khăn vào lúc này có thể làm cho việc kết thúc đàm phán bớt vui mất một phần. Làm điều như vậy thật là không đúng lúc.

Tuy nhiên, mục tiêu gia nhập WTO vẫn còn nằm ở phía trước.Và những cố gắng vượt bậc tiếp theo là không thể thiếu để thành công.

Trong bất cứ trường hợp nào, kết quả đàm phán và đóng góp của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển là rất đáng được ghi nhận. Thiếu bước kết thúc đàm phán vừa qua, các bước tiếp theo sẽ ít có cơ hội để diễn ra.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng

MỚI - NÓNG