Vé giả, moi tiền Nhà nước thật

Vé giả, moi tiền Nhà nước thật
TP - Bước chân xuống các ga tàu hỏa, trong số rất đông những lời mời chào đi xe ôm, đi taxi... hành khách thường bắt gặp thêm một lời mời nữa từ rất nhiều người với nội dung: “Có lấy vé thanh toán không?”.
Vé giả, moi tiền Nhà nước thật ảnh 1
Nhìn bề ngoài, ít ai ngờ đây là vé giả       
                                        Ảnh: Nguyễn Văn Chính

Công nghệ làm vé giả

Trong vai một người đi mua vé giả về thanh toán tiền công tác phí với cơ quan, tôi được một anh xe ôm giới thiệu đến gặp bà Kim - một bà già bán nước chè chén ngay trước cửa chính ga Hà Nội. Vừa gặp, bà Kim hỏi luôn: “Chú mua bao nhiêu vé, ngày đi, ngày về và giá tiền bao nhiêu?”.

Không chút đắn đo, bà Kim bảo một thanh niên đưa tôi đến căn phòng nhỏ, thấp, tối nằm trong con hẻm nhỏ nối với đường Trần Quý Cáp nằm ngay sát ga Hà Nội.

Đón tiếp tôi là 2 người đàn ông đã luống tuổi. Sau khi đưa cho người đàn ông mặc áo xanh tờ giấy A4 viết danh sách gần hai chục tấm vé tàu tuyến Nam - Bắc mà tôi đã chuẩn bị từ trước, tôi hỏi anh ta: “Tôi sẽ phải chờ bao lâu?”.

Anh ta không nói mà chỉ hất hàm ý bảo tôi ngồi chờ, rồi gọi người thứ 2. Từ phía sau căn phòng bước ra, người đàn ông thứ 2 xách trên tay một chiếc cặp số to, đã cũ và một bao tải giấy bóng màu đen.

Tôi giật mình khi quan sát kỹ những thứ đồ được họ bày ra. Không hề có một thứ máy móc nào như tưởng tượng trước đó của tôi cả. Những thứ được coi là đồ nghề, máy móc đó chỉ là: mấy cái kéo, vài cuộn băng dính, keo dán, hồ dán, mấy lọ hóa chất và một bao tải ni lông màu đen chứa hàng ngàn chiếc vé cũ. Đây hoàn toàn là vé thật 100%.

Và việc làm vé giả bắt đầu: Một người cầm tờ giấy danh sách những vé tôi cần mua đọc để người kia tìm trong đống vé ngổn ngang, lộn xộn trên chiếu. Khi tìm thấy tấm nào có nội dung đúng chiều đi, ga đến mà tôi cần họ vứt sang một góc và lại tiếp tục tìm.

Khoảng 20 phút sau, gần 20 cặp vé đi và về của tôi với hàng chục tên địa danh nơi đến, nơi đi từ Hà Nội đến Sài Gòn, Đà Nẵng đến Hà Nội Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn đã được chọn ra.

Sau đó, họ dùng bông ngoáy tai nhúng vào hóa chất rồi quét lên những chỗ ghi ngày, giờ, năm tháng và giá tiền trên những tấm vé thật.

Sau khoảng 15 phút, hóa chất làm cho mực dấu bay đi hết, lúc này những tấm vé chỉ còn hiện nguyên hình một bộ khung thể hiện tuyến đường đi, ga đến mà thôi, những nội dung khác như ngày tháng năm đi tàu, giá tiền, giờ khởi hành...đều được để trống.

Chờ cho các tấm vé hoàn toàn sạch sẽ, một người trong số họ mới mang ra một hộp dấu quay khắc những con số và một hộp mực dấu đỏ. Đây chính là công việc quan trọng nhất trong việc làm ra một tấm vé giả.

Hoàn tất công việc, người mặc áo xanh nhếch mép cười nói: “Tất cả số vé này đều là do ngành đường sắt in cả đấy. Chỉ có điều là chúng đều là những tấm vé đã được xé góc sau khi khách xuống tàu, ra ga. Chúng tôi chỉ thay đổi những gì cần để khách thanh toán được thôi...”.

Thanh toán tiền từ 10 đến 30 ngàn đồng/vé, tuỳ thuộc vào mức giá tiền nhiều hay ít được ghi trên vé. Với 19 cặp vé giả, tôi phải thanh toán số tiền hơn 300 ngàn đồng cho họ.

Đổi lại là những tấm vé giả với những con số đỏ chót: Hà Nội – Sài Gòn- 948.000đ; Hà Nội – Lào Cai- 204.000đ; Đà Nẵng – Hà Nội- 484.000đ.v.v. Quả thật, nếu không được tận mắt chứng kiến cảnh họ đã làm như thế nào để có được những tấm vé đó thì tôi cũng như bất cứ ai sẽ không thể phát hiện ra được đó là những tấm vé giả.

Thiệt hại thuộc về Nhà nước

Việc sử dụng những tấm vé giả vào mục đích thanh toán thì thiệt hại cuối cùng là Nhà nước. Đối với những người đi công tác thực sự thì sự thiệt hại đó chỉ tính ở phần chênh lệch giá tiền mà thôi.

Nhiều người dùng vé giả để thanh toán với mục đích như đi nghỉ phép, đi công tác dài ngày... Tôi có anh bạn công tác ở một cơ quan Nhà nước ở Lào Cai, mỗi quý anh ta ra ga Lào Cai hoặc xuống Hà Nội mua về hàng trăm chiếc vé giả phục vụ cho việc thanh toán của mình và đồng nghiệp.

Anh giải thích: Những chuyến đi công tác của anh cũng như đồng nghiệp thường mua vé ở mức giá rẻ hơn chỉ bằng nửa mức cao nhất. Nhưng khi về thì mua vé  giả giá cao nhất để kiếm thêm trăm ngàn (tiền chênh lệch) đút túi.

Cũng theo anh bạn tôi thì có nhiều người do đi công tác làm mất vé; muốn đổi ngày tháng đi cho phù hợp công lệnh; hoặc xin cơ quan nghỉ phép nhưng không đi đâu cả mà vẫn ở nhà nhưng chế độ quy định được thanh toán nên mua vé về thanh toán...

Nguy hiểm hơn, có những người khi đi công tác dùng xe cơ quan, xăng của cơ quan cấp, nhưng khi về thì vẫn thanh toán tiền công tác phí bằng vé tàu.

Tóm lại là có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta cần đến những tấm vé giả. Tất nhiên nguyên nhân chủ yếu ở đây vẫn là để kiếm tiền của Nhà nước.

Đối với những người khi đi công tác được cơ quan cho ứng tiền trước khi trở về họ tìm mọi cách để hợp thức hóa các hóa đơn, chứng từ để thanh toán với cơ quan và chứng minh rằng họ đã tiêu hết số tiền ứng đó hợp lý.

Và cùng với việc mua hoá đơn, chứng từ... thì một trong những cách mà nhiều người đi công tác hay làm đó là dùng những chiếc vé giả để nâng khống số tiền ghi trên vé tàu, vé xe lên mức cao nhất có thể. Cách moi tiền ngân sách này lâu nay có vẻ ít bị phát hiện.

Ai mua vé giả?

Thực tế thì không chỉ có những công nhân, viên chức nhà nước mà cả những người làm việc ở các doanh nghiệp cũng tìm mua vé giả về thanh toán, sau những chuyến công tác.

Ước tính mỗi ngày chỉ riêng khu vực ga Hà Nội có đến hàng nghìn chiếc vé giả được “sản xuất” và hàng trăm chiếc được bán ra cho những người có nhu cầu.

Có cầu tất sẽ có cung, đội quân buôn bán vé giả, phe vé...ở khu vực ga Hà Nội mỗi ngày một đông và nhiều người xem đó như một nghề kiếm sống.

Đội quân này bao gồm cả già, trẻ, gái, trai. Ngày ngày họ khoác trên mình những chiếc túi đen, có nhiều ngăn, trên tay mỗi người cầm một chiếc máy tính và dạo đi dạo lại quanh ga.

Mỗi khi tàu vào ga, hoặc trông thấy ai đó ngó nghênh cũng là lúc họ tác nghiệp.

MỚI - NÓNG