Về nơi con bò đổi… chai rượu

Ông Hồ Viên nói về cuộc sống của dân bản
Ông Hồ Viên nói về cuộc sống của dân bản
TP - “Chuyện con bò đổi chai rượu ở đây thiếu chi. Cả cái bản ni nghèo đói cũng là vì rượu đó chú ơi. Buồn lắm!” - Hồ Viên, người ở bản Cà Xen, thuộc tộc người Mã Liềng xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nói về nguyên nhân nghèo đói của bản mình.

Dân bản bị lợi dụng

Con đường nối từ đường Hồ Chí Minh vào bản Cà Xen được thảm nhựa thẳng tắp, nhà nào cũng mái ngói, cột kèo kiên cố. Thì ra, đó chỉ là những gì còn sót lại một thời “hoàng kim” của tộc người Mã Liềng. Người ngoài nhìn vào, không ai nghĩ người dân nơi đây đang sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn.

Ngồi trên sàn nhà ở gian chính, vách gỗ treo đầy những bằng khen, giấy khen từ địa phương đến trung ương, Hồ Viên năm nay gần 60 tuổi không ngần ngại khoe, nhà ông là giàu có nhất cái bản này, nhưng cái đói vẫn thường trực đuổi sau lưng.

“Nhìn đường sá, nhà cửa rứa đó chú ơi, nhưng trong nhà không có chi mô. Cả bản ni đều thuộc hộ đói, không có nổi một hộ nghèo mô” - Hồ Viên than thở.

“Phong trào làm ăn thì đi xuống, còn phong trào rượu chè thì đi lên. Cán bộ nói, dân không tin, rứa là đói nghèo dần dần vây lấy người Mã Liềng mình”

Ông Hồ Viên

Mặt buồn rười rượi, mắt nhìn xa xăm, Hồ Viên kể về thời “hoàng kim” của tộc người Mã Liềng. Năm 1992, Dự án định canh, định cư đưa tộc người Mã Liềng từ vùng Quạt và Ba Đao cách đây chừng 40km, giáp biên giới Việt - Lào về định cư ở vùng Cà Xen, Bạch Tài và Bãi Cà.

Ngày đó người Mã Liềng lang thang như thú hoang trong những cánh rừng già, đói rét, bệnh tật bủa vây, truy bức. Không thế mà khi các chuyên gia về dân tộc học tiếp cận được họ đã sửng sốt và cấp bách xếp họ vào tộc người có nguy cơ diệt vong cùng tộc Rục và A-rem. Với tính cấp bách của dự án, ngoài nguồn vốn đầu tư, cán bộ của dự án nhiệt tình, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân bản nên phong trào lên vùn vụt.

Người Mã Liềng từ chỗ du canh, du cư, nay biết trồng cả lúa nước để lấy gạo ăn, biết tích góp cho cuộc sống lâu dài... Trong một lần về thăm bản, Bộ trưởng Giao thông Vận tải ngày đó, ông Đào Đình Bình đã quyết định tặng nhà cửa và đường giao thông cho dân bản. Cuộc sống của tộc người Mã Liềng như trong mơ.

Về nơi con bò đổi… chai rượu ảnh 1

Vợ Hồ Kính kể chuyện bị người ngoài nhổ hết cây

Cánh đây 4 năm, Dự án định canh, định cư kết thúc, cán bộ của dự án cũng rút đi, người Mã Liềng phải tự chủ mọi chuyện cho cuộc sống của mình. Xã cũng cử cán bộ về cắm bản, nhưng do thiếu chuyên môn, thiếu lòng nhiệt tình... dẫn đến dân bản mất “phương hướng”. “Phong trào làm ăn thì đi xuống, còn phong trào rượu chè thì đi lên. Cán bộ nói, dân không tin, rứa là đói nghèo dần dần vây lấy người Mã Liềng mình” - ông Hồ Viên nói.

Theo ông Hồ Chí Thành, Đảng ủy viên xã Thanh Hóa, phụ trách chi bộ bản Cà Xen, có 3 nguyên nhân dẫn đến cuộc sống của tộc người Mã Liềng ngày một đi xuống. Đầu tiên phải kể đến, dự án định canh, định cư kết thúc quá sớm khi người dân chưa thể chủ động cho cuộc sống của mình; thứ hai dân không có đất rừng để sản xuất, khoanh nuôi, bảo vệ; và cuối cùng là dân bản bị người ngoài lợi dụng, bòn rút của cải và sức lao động.

Chuyện con bò đổi chai rượu

Theo ông Hồ Viên, cách đây 3 năm, có một người tên Trọng vào bản dựng quán bán hàng tạp hóa. Để lấy lòng dân bản, dễ bề kinh doanh, Trọng đổi họ tên thành Hồ Thỏn. Quán của ông Thỏn cái gì cũng có, nhưng có lẽ nhiều nhất là rượu.

Nắm được tâm lý người Mã Liềng thật thà và tôn thờ chữ tín, nên ông Thỏn có một chiến lược kinh doanh thật khác lạ, ai nợ cũng cho, nợ bao nhiêu cũng được. Không gì sướng bằng, không có tiền mặt vẫn uống được rượu, dần dà cả bản từ già trẻ, gái trai đều trở thành đệ tử của Lưu Linh.

Về nơi con bò đổi… chai rượu ảnh 2

Ruộng vườn ở bản Cà Xen bị bỏ hoang, trong lúc người dân lại vào rừng khai hoang sinh sống

Vì rượu, dân bản làm ăn bê trễ, còn cuốn sổ nợ của ông Thỏn ngày một dày thêm. Đến kỳ trả nợ, không có tiền thì gán của cải trong nhà, từ cái nhỏ đến cái to cứ thế không cánh mà bay.

“Ngày trước, khi dự án rút đi, mỗi gia đình ở đây đều có từ 3 trâu bò trở lên, như hộ Cao Thông có hơn 10 con. 39 hộ trong bản với hơn 100 trâu, bò nhìn sung túc lắm! Nhưng nay chỉ còn lác đác vài hộ còn có trâu bò. Phần lớn trâu bò của bản đều vào tay của ông Thỏn. Chuyện con bò đổi chai rượu ở đây thiếu chi, như Hồ Văn, Hồ Đàn, Hồ Lùn...” ông Hồ Viên kể.

Theo ông Hồ Chí Thành, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân bản, chủ quán Hồ Thỏn chuốc rượu cho say rồi nương theo sở thích của từng người để trục lợi. Quán Hồ Thỏn có cái đài cassette Trung Quốc, biết dân bản thích nghe nhạc xập xình, hễ có ai đến quán uống rượu là Thỏn mở đài hết công suất. Khi đến “độ chín” thì gợi ý bán, không có tiền thì đổi bò.

Mang về nhà được mấy hôm, cha con thi nhau vặn hết công suất, đài hỏng, mang đến quán hỏi, thì Thỏn nói hỏng rồi, chỉ bán sắt vụn, thích thì đổi cho chai rượu mà uống. Thành ra, con bò đổi chai rượu.

Mới đây nhất là Hồ Lùn, mê đắm chiếc xe máy Tàu của chủ quán Hồ Thỏn. Rượu say, Hồ Thỏn gợi ý đổi bò, Hồ Lùn đồng ý ngay. Đưa về được mấy ngày, xe bị tai nạn liên tục do say rượu. Người thì đầy thương tích, còn chiếc xe thì móp méo, hỏng hóc không thể đi được. Nhìn chiếc xe nát như tương, Hồ Lùn gật đầu cái rụp mang xác xe để đổi lấy chai rượu.

Theo ông Hồ Viên, đa số dân bản không biết chữ, cộng thêm say rượu nên có khi nợ một nhưng chủ quán ghi thành hai cũng không biết. Thế là của cải, trâu bò cứ rơi dần vào tay của Hồ Thỏn. Chỉ cần vài triệu là Hồ Thỏn lấy bò, ra ngoài bán đến mười mấy triệu. Ngoài số trâu bò dân bản gán nợ bị bán ra ngoài không tính hết, hiện Hồ Thỏn là người nhiều trâu bò nhất trong bản với 2 trâu, 4 bò.

Về nơi con bò đổi… chai rượu ảnh 3 Có sổ đỏ đất rừng, nhưng nhiều hộ ở bản Cà Xen không thể canh tác vì người ngoài vào nhổ hết cây

Lãnh đạo xã nói gì?

Theo ông Hồ Viên, bản Cà Xen có 39 hộ, 139 nhân khẩu, thì nay đã có 4 hộ bỏ bản vào sinh sống ở vùng đất cũ ngày xưa tút hút cách mấy chục cây số trong rừng thẳm. Ruộng vườn của cả bản bị bỏ hoang hóa, người dân chỉ biết vào rừng lấy lá làm nón về gán nợ cho Hồ Thỏn để sống qua ngày.

Khi được hỏi, tại sao ở đây đất đai có thì bỏ hoang mà lại vào vùng đất cũ để khai hoang? Ông Hồ Viên nói: “Dân bản mình xem cán bộ như cha mẹ, khi mà giận cha mẹ rồi là bỏ đi thôi”.

Nói về sự “giận” của dân bản, ông Hồ Chí Thành cho biết: Ngoài việc cán bộ cắm bản không nhiệt tình, lại còn đam mê rượu chè, thì dân bản giận nhất là xã không đứng ra bảo vệ người dân khi người ngoài hiếp đáp. Sau nhiều năm, mới đây dân bản được phân chia đất rừng để sản xuất, bảo vệ, có sổ đỏ hẳn hoi. Nhưng cứ trồng cây gì lên là người ngoài vào nhổ hết, họ nói đây là đất của họ đã được cấp từ trước.

Tập quán của người Mã Liềng được các nhà dân tộc học đúc kết là “đói không lo, no không mừng”. Thói quen canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” đã ăn sâu, cộng thêm tâm lý chiếm đoạt những sản vật tự nhiên khiến cho ý thức tự phát triển rất hạn chế.

Như hộ Hồ Kính, được cấp hơn 8.000m2 ở ngay trước mặt nhà, vay mượn tiền làm đất trồng keo, nhưng cứ trồng lên có người ngoài xã vào nhổ hết sạch, họ nói là trồng trên đất của họ. Không chỉ hộ của Hồ Kính, mà theo trưởng bản Hồ Hùng thì hầu hết các hộ ở đây đều gặp phải tình trạng như thế. “Họ nói nếu mà cứ tiếp tục trồng nữa là họ vô phá hết bản luôn nên ai cũng sợ” - trưởng bản Hồ Hùng nói.

Làm việc với lãnh đạo xã Thanh Hóa, có mặt cả hai ông Nguyễn Hữu Tương (Bí thư Đảng ủy xã) và ông Hoàng Quang Tiếp (Chủ tịch UBND xã) đều thừa nhận cuộc sống tộc người Mã Liềng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do dân bản ỷ lại, lười làm việc.

Việc người ngoài vào trục lợi dân bản, hai ông cũng biết nhưng xã không có cách nào ngăn chặn, vì họ không vi phạm pháp luật. Việc mua rẻ, bán đắt là theo như cả hai bên trình bày do thỏa thuận.

Còn việc người ngoài vào phá cây cối của dân bản, ở đây là do tranh chấp chứ không phải cấp chồng, xã không có quyền giải quyết mà phải tòa án. Còn việc có 4 hộ bỏ vào rừng sinh sống, cán bộ cắm bản chưa báo cáo nên lãnh đạo xã không biết.

MỚI - NÓNG