Về vùng đất cổ Con Moong

TP - Giữa cánh rừng mênh mông, thấp thoáng những ngôi nhà ở vùng đất cổ Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) là cả kho chuyện mang nhiều màu sắc huyền bí của người xưa!

Chuyện ở rừng

Một ngày cuối tháng 12/2016, bên dãy núi hình rồng lượn phía trước hiên nhà, ông Ðinh Văn Trần (hơn 60 tuổi, bí thư chi bộ thôn Thành Trung, xã Thành Yên) kể: Xưa vùng đất này chỉ có vài hộ dân. Ðường lên hang Con Moong không quá khó, gần lối mòn của người đi rừng nên trong hang thường có người lui tới trú ngụ những khi mưa gió, lỡ bước. Bấy giờ, bằng mắt thường người dân quan sát chỉ thấy lớp lớp các vỏ ốc ở trong hang. Cách Con Moong không xa là các hang Tình Yêu, hang Diêm, Mang Chiêng… Mỗi hang có một nét đặc trưng riêng. Ví như hang Diêm trước đây có rất nhiều loài dơi trú ngụ. Ðường lên hang rất khó, nhưng cánh đàn ông đi rừng vẫn lui tới để bắt dơi. Còn hang Tình Yêu có hệ thống nước ấm về mùa đông, mát về mùa hè nên thu hút rất đông người đến tắm. Hang Mang Chiêng lại phát ra những âm thanh chiêng cồng như cuộc tuần hành, lễ hội người xưa…

Về vùng đất cổ Con Moong ảnh 1

Ðường lên hang Con Moong.

Các xã Thành Yên, Thạch Cẩm, Thành Mỹ, Thành Minh thuộc huyện Thạch Thành ngày nay trước đây thuộc tổng xứ Mõ Sơn (có sách ghi là Mọ), còn gọi là xứ Mường Mõ. Hang Con Moong và một số hang khác như hang Diên, Mang Chiêng, Lai… đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước khảo sát, khai quật nhiều lần từ năm 1974. Những hang này, phần lớn thuộc địa giới hành chính của xã Thành Yên, và nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương

Khi ở lứa tuổi trưởng thành, ông Trần được ông nội và bố cho đi rừng. Ông Trần nói: Mỗi chuyến đi rừng là một chuyến đánh cược với mạng sống. Bởi thú rừng luôn rình rập và người đi rừng bị ám ảnh những câu chuyện tâm linh linh thiêng giữa rừng. Ví như, mỗi khi vào rừng, dừng lại ăn cơm thì không được ai nói đến việc ăn uống hay ăn món gì để tránh tà ma. Ngoài ra, nếu người đi rừng có nghe thấy âm thanh chiêng cồng cũng phải lờ đi, không được nói gì. Có lần, tôi và bố tôi đang đi rừng, có một luồng gió mạnh ở đâu đuổi phía sau lưng, rồi sau đó là tiếng đá rơi. Bố tôi nói đó là sức mạnh của thần rừng, là tín hiệu của việc bảo vệ địa phận, cảnh báo việc xâm lấn rừng.

Ngày ấy người dân khổ lắm, chúng tôi được nghe kể lại, người nghèo khó quần áo bị rách không thể may vá thì tối mang ra Bến Vống, thôn Ðồng Thành, xã Thành Yên. Ðến sáng mai ra lấy về thì quần áo tinh tươm trở lại - ông Trần nói.

Ngày nay, Thành Yên đã đông dân cư hơn trước, đã có nhiều lý giải khoa học về vùng đất này, nhưng nhiều câu chuyện tồn tại trong đời sống hàng ngày vẫn đang là bí ẩn với chính người dân nơi đây. Như, hiện tượng tảng đá phía trên dãy núi Làn In ôm trọn lấy ngôi làng, thường rực lửa mỗi dịp ngày rằm hay đầu tháng. Hay âm thanh cồng chiêng vẫn thường được nghe thấy từ cánh rừng gần hang Mang Chiêng. Những ngôi mộ lạ chưa có lý giải ở làng Lống Ðá, thôn Yên Sơn 2…

Về vùng đất cổ Con Moong ảnh 2
Về vùng đất cổ Con Moong ảnh 3

Phía trong lòng hang Con Moong. Ảnh: Hoàng Lam.

Những câu chuyện lý thú

Hang Con Moong nghĩa là hang Con Thú. Theo lý giải của người dân địa phương thì nơi này xưa có rất nhiều thú tập tụ về đây. Hang hình bán nguyệt, có hai cửa thông nhau: Một cửa quay về hướng Ðông Nam, một cửa quay về hướng Tây Nam. Một trong những lý do người dân gọi đây là hang Con Thú vì tại cửa hướng Ðông Nam có một tảng đá nằm trước cửa hang, tạo hình con hổ phủ phục.

Theo tư liệu, tháng 11/1974, trong lúc điều tra cảnh quan thiên nhiên và nguồn động thực vật phía Tây Nam Vườn quốc gia Cúc Phương, hai cán bộ lâm nghiệp đã nhặt được khá nhiều công cụ có vết ghè đẽo tại một kho ốc tự nhiên trong hang đá. Từ đó, bí ẩn về vùng đất cổ Con Moong này được các nhà khoa học khai mở, với nhiều dấu tích của người Việt cổ.

Từ những giá trị khoa học về lịch sử ở hang Con Moong, những năm gần đây, các nhà khoa học ở Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Nga tiếp tục khai quật lần 2, lần 3, lần 4, lần 5 tại hang Con Moong và một số hang khác trên địa bàn xã Thành Yên như hang Lai, hang Lý Chùn, hang Mang Chiêng, hang Diêm…

Về vùng đất cổ Con Moong ảnh 4

Cửa phía Ðông hang Con Moong. Ảnh: Hoàng Lam

Theo đánh giá của các nhà khoa học thì các di tồn văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong đã kể lại câu chuyện hết sức lý thú về truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá, sự tiến triển về loại hình, về kỹ thuật chế tác công cụ, về sự biến đổi của khí hậu và sự thích ứng con người trong suốt nhiều vạn năm. Sự thay đổi từ kỹ nghệ công cụ đá để rồi sau đó xác lập ở đây các yếu tố văn hóa đá cũ Sơn Vi, rồi Ðá mới Hòa Bình và đến các văn hóa sau Hòa Bình, kiểu Ða Bút ở chính thung lũng này.

Trong số các hang, di chỉ phụ cận được khai quật, đáng chú ý có hang Diêm và Mang Chiêng. Ðịa tầng hang Diêm dày 1,95 m, gồm 3 lớp văn hóa, có niên đại C14 (do Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk phân tích, giám định) là 11.240 năm trước công nguyên. Cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa ở hang Diêm thể hiện đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân thuộc nhiều thời kỳ. Tại đây, các nhà khảo cổ thu được gần 2.000 hiện vật, gồm các loại công cụ bằng đá, xương và cả mảnh gốm, 3 mộ táng. Trong khi đó, hang Mang Chiêng có địa tầng văn hóa dày 1,2 m, chia làm 3 lớp. Nơi đây phát hiện có 10 mộ táng và nhiều công cụ bằng đá, xương, dấu tích bếp lửa… Ðáng chú ý, các vết tích mộ táng, di cốt người thường không đầy đủ, có hiện tượng xương bị đập vỡ, bị đốt cháy.

Theo ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, hang Con Moong và di chỉ phụ cận là một trong số ít những di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Ðông Nam Á. Phát hiện này đã góp nhiều tư liệu mới về táng thức và đời sống tinh thần của người Việt cổ. 

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Di chỉ hang Con Moong và phức hợp các di chỉ phụ cận”, các nhà khoa học Nga, Việt Nam đã công bố những kết quả bước đầu sau 5 lần khai quật (2010 – 2015). Kết quả nghiên cứu cacbon và phóng xạ các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở hang Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ học khác cho thấy niên đại sớm nhất của hang Con Moong được dự đoán 40.000-60.000 năm trước. 

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.