Vì đâu dân chiếm rừng thượng nguồn?

Vùng rừng Khe Đầy (thị xã Hương Thủy) - nơi xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng. Ảnh: Th.Chí
Vùng rừng Khe Đầy (thị xã Hương Thủy) - nơi xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng. Ảnh: Th.Chí
TP - Chưa bao giờ tình trạng chiếm đất rừng lại xảy ra ngang nhiên, ồ ạt, thách thức pháp luật như những ngày vừa qua tại vùng thượng nguồn sông Hương, tỉnh TT-Huế. Nguyên nhân chính là dân chưa được bố trí đất sản xuất như họ từng được hứa hẹn, sau khi di dời khỏi vùng dự án thủy lợi Tả Trạch cách đây 12 năm.

“Đói” đất sản xuất, dân làm liều

Từ cuối tháng 9 đến nay, tại tiểu khu 166 trên thượng nguồn sông Hương thuộc xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy), do ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng công khai trên diện rộng. Dân ở thị xã Hương Trà chiếm đất để trồng rừng. Họ từng di cư khỏi xã Dương Hòa cách đây 12 năm để giao đất cho dự án thủy lợi Tả Trạch. Theo UBND thị xã Hương Thủy, tính đến ngày 10/10, có gần 200 dân ở Bình Thành (thị xã Hương Trà) đã vào tiểu khu 166 lấn chiếm đất rừng.

Ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, xác nhận: Gần 200 người tham gia lấn chiếm đất rừng thuộc vùng khe Đầy, thị xã Hương Thủy suốt nhiều ngày trở lại đây là dân các thôn tái định cư (TĐC) Hòa Thành, Bình Dương (Bình Thành). “Ngày 28/9, nhận tin báo, dân Bình Thành qua lấn đất rừng ở thị xã Hương Thủy, chính quyền xã kết hợp cơ quan chức năng giải quyết, ngăn chặn, tránh xảy ra xô xát. Nhiều cuộc họp dân tiến hành sau đó, nhưng đến nay, họ chưa chịu rời khỏi rừng”, ông Dũng nói.

Ông Dũng và phía chính quyền thị xã Hương Thủy cùng khẳng định, một trong những nguyên nhân dân bao chiếm khoảng 20ha đất rừng những ngày qua, là nhiều hộ TĐC chưa được bố trí đất sản xuất sau 12 năm di dời khỏi vùng dự án hồ Tả Trạch. “12 năm trước, khi vận động dân di dời, cơ quan chức năng từng hứa bố trí đất sản xuất phục hồi sinh kế. Đó chỉ là lời hứa hão. Dân di cư suốt nhiều năm qua không có đất sản xuất, phải đi làm thuê tứ xứ. Chúng tôi không có đất sản xuất, nên đành làm liều”, một người dân TĐC Bình Thành kể.

c tràn ly

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, vấn đề dân thiếu đất sản xuất kể từ khi di dời khỏi vùng lòng hồ Tả Trạch từng được báo chí đề cập nhiều năm nay. Các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm cũng luôn “nóng” chuyện chậm bố trí đất sản xuất cho dân lòng hồ Tả Trạch khi dời sang TĐC tại Bình Thành. Việc dân kéo về quê cũ bao chiếm đất rừng những ngày qua như là “giọt nước tràn ly”. “Các vị lãnh đạo tỉnh thời đó từng động viên rằng, khi dời đến nơi mới chúng tôi được bảo đảm có cuộc sống tốt hơn, hoặc chí ít bằng với nơi ở cũ. Vậy nhưng, kể từ khi sang sống ở Bình Thành, chúng tôi toàn đi làm thuê”, một người dân TĐC từng nói với phóng viên.

Được biết, quá trình làm hồ Tả Trạch từ năm 2001, dự án thủy lợi này được phê duyệt 2 hợp phần: Xây dựng công trình và hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân TĐC. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh TT-Huế mới cấp được hơn 324/1.342 ha đất cho dân TĐC các xã, khiến dân khiếu kiện kéo dài. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thu hồi hơn 77 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ không sử dụng hết trong hợp phần xây dựng hồ Tả Trạch) để bố trí cho hợp phần đền bù di dân, TĐC. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, bố trí đất sản xuất, hoặc nhận tiền thay cho đất từ gói 77 tỷ đồng này vẫn chưa được triển khai đến dân TĐC Bình Thành.

Theo ông Trương Ngọc Dũng, nếu thực hiện chủ trương đất đổi đất hoặc bù bằng tiền theo gói 77 tỷ kể trên, chỉ có 28 trong hơn 200 hộ dân các thôn TĐC của xã đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Điều đó đồng nghĩa, phần lớn những hộ còn lại vẫn “đói” đất sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, từ việc dân TĐC Hương Trà kéo sang Hương Thủy bao chiếm đất rừng, chính quyền tiếp tục vận động dừng các hoạt động sai trái.

MỚI - NÓNG