'Vi phạm không thể chối cãi' vụ tiêu cực thi công chức

'Vi phạm không thể chối cãi' vụ tiêu cực thi công chức
TP - Chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Nguyễn Quyết Chiến cho biết, các trường hợp bị phát hiện nhờ vả để được nâng điểm đều là mối quan hệ quen biết, người này nhờ người kia.

> Chưa phát hiện đưa, nhận tiền vụ tiêu cực thi công chức
> Hậu họa 'công chức 100 triệu'
> Bộ Nội vụ lập tổ công tác truy 'chạy' công chức 100 triệu
> Hà Nội: Công chức 100 triệu và ‘cối xay gió’

Ông Chiến nói: Sau khi nhận được chứng cứ tố cáo, UBND huyện đã giao cho Thanh tra huyện xác minh. Kết quả cho thấy có tới 12 cán bộ của huyện liên quan.

Cụ thể, Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình nhận đã nâng đỡ cho 3-4 người, trong đó có cả cháu của lái xe. Trưởng phòng Giáo dục cũng nâng đỡ cho 3-4 người. Tổng cộng có 16 trường hợp được nâng đỡ qua việc nâng điểm thi; trong đó có 7 trường hợp đỗ còn 9 trường hợp trượt.

Nhiều trường hợp mặc dù điểm thi được nâng lên cao nhưng điểm thi ở các giai đoạn trước lại quá thấp nên vẫn trượt.

Theo ông, đằng sau chuyện "nhờ vả” này có chuyện mua bán ngầm không?

Tôi nghĩ mình phải đi từ các mối quan hệ. Ở đây nhờ vả toàn là anh em quen biết nhau cả nên ai nỡ nào mà có quan hệ kiểu vật chất. Có trường hợp là cháu của thầy giáo cũ, bạn của bạn.

Nguyên nhân là tình trạng người này nhờ người kia rồi lại nhờ giám thị theo kiểu “đây là người nhà tôi, anh cố gắng cho đỗ” rồi từ đó giám thị nâng điểm lên.

Chúng tôi phát hiện được sự việc từ một người đã cung cấp bằng chứng là một quyển sổ giáo viên ghi lại chuyện nhờ vả lẫn nhau. Từ đó đã làm rõ. Những người vi phạm không thể chối cãi được...

Trước những vi phạm của hàng loạt cán bộ, UBND huyện đã xử lý trách nhiệm ra sao, thưa ông?

Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm và quy trình kỷ luật vẫn đang tiến hành.

UBND huyện đề xuất, đồng chí Trưởng phòng Giáo dục am hiểu về thi tuyển cán bộ, lại tham gia cấp ủy phải nhận hình thức kỷ luật cao hơn nên UBND huyện đề nghị giáng chức làm Phó phòng và đồng thời đề nghị kỷ luật cảnh cáo cả về đảng và chính quyền. Đó là đề nghị còn cụ thể có được ở phòng đó hay phải chuyển sang phòng khác thì phải do Ban thường vụ xem xét sau.

Ngay sau khi sự việc được phát hiện, Trưởng phòng Giáo dục Đỗ Ngọc Anh đã có đơn xin miễn nhiệm chức danh huyện ủy viên. Ngoài ra, UBND huyện đề nghị kỷ luật khiển trách cả về đảng và chính quyền đối với 1 Phó phòng Giáo dục huyện do vị này cũng đứng ra xin cho 1 trường hợp.

Ông Phạm Văn Thự - Phó phòng Nội vụ thì bị đề nghị kỷ luật khiển trách do đã nhờ ông Trưởng phòng Nội vụ nâng đỡ người quen.

Ngoài ra, 4 giáo viên chấm thi đều có hình thức kỷ luật; trong đó một giáo viên đứng ra làm “trùm xâu chuỗi” thì kỷ luật cảnh cáo, còn 3 giáo viên khác bị đề nghị kỷ luật khiển trách.

Trong tuần tới, huyện sẽ hoàn tất việc xử lý kỷ luật, chúng tôi cũng đã cung cấp toàn bộ tư liệu vụ việc cho đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ và sẽ báo cáo lên UBND thành phố, Thành ủy.

Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình là con của Nguyên Bí thư Huyện ủy. Điều này có tạo sức ép nào với ông khi xử lý sai phạm?

Tôi không chịu sức ép nào.

Qua vụ việc này, ông có đề nghị gì về điều chỉnh quy trình thi tuyển cán bộ hiện nay tại Hà Nội?

Tôi cho rằng, quy trình thi tuyển rất bất cập. UBND huyện đã đề nghị nên xét tuyển theo điểm tốt nghiệp, không nên thi như hiện nay, nhất là phần vấn đáp rất khó kiểm soát, kể cả camera cũng chỉ ghi được hình, không ghi âm được, hoặc người ta gặp nhau thông đồng từ trước thì sao? Thành phố nên thành lập đơn vị tuyển dụng chuẩn xác rồi phân bổ về cho địa phương.

Ngay cả kết quả học và thi của nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đang có vấn đề vì có những trường cho điểm rất chặt, có trường lại quá thoáng nên xét tuyển theo điểm cũng khó.

Nếu cứ bắt huyện thi thế này thì sang năm tôi nhờ thành phố hoặc trường cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức thi cho chuyên nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG