QH thảo luận dự án Bộ luật tố tụng dân sự:

Vì sao án xử lòng vòng, tốn kém?

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)
TP - "Án dân sự hiện nay rất phức tạp, bình quân xảy ra 100 000 vụ tranh chấp/năm và chủ yếu là tranh chấp đất đai. Nhiều vụ cứ lòng vòng, xử đi xử lại 10-20 năm mà công lý không đạt được”, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (Đoàn TPHCM) khẳng định  như vậy khi thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) sáng 23/5.  

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, bản dự thảo này mới chỉ sửa những tiểu tiết, chứ chưa đổi mới căn bản về thủ tục tố tụng. Ông Đương cho biết, hàng chục ngàn đơn khiếu nại còn tồn đọng và chỉ giải quyết được khoảng 3%. Nhiều vụ cứ lòng vòng, xử đi xử lại 10 - 20 năm mà công lý không đạt được.

“Đất đai lên giá, lòng tham con người trỗi dậy thì kiện tụng gay gắt ngay trong chính anh em họ hàng. Quan hệ giao dịch chủ yếu bằng miệng, giấy tờ viết tay chứ không phải hợp đồng công chứng nên ra Tòa rất khó khăn về pháp lý”. Bên cạnh đó, đại biểu Đương cũng thấy không hài lòng với việc Tòa phân chia tài sản cho các bên. “Có những vật không chia được nhưng Tòa cũng chia, ví dụ nhà 3 mét chiều ngang, chia mỗi ông một nửa”, ông Đương dẫn dụ, đồng thời đề nghị phải ấn định thời điểm giao nộp chứng cứ. “Thủ tục hành chính đã rườm rà, thủ tục tư pháp còn rườm rà hơn. Thủ tục như thế này đốt tiền Nhà nước vô cùng”, đại biểu Đương nói.

Đề cập đến quy định Tòa án không có quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến nhân dân đồng tình với quy định mới này, vì Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Theo ông Lưu, nếu cứ để dân tự quyết với nhau, trong trường hợp không tự định đoạt, thỏa thuận, giải quyết được sẽ nảy sinh hậu quả.      

MỚI - NÓNG