Trung tâm Y tế huyện Krông Buk - Đăk Lăk

Vì sao bác sĩ chưa yên lòng phục vụ bệnh nhân?

Vì sao bác sĩ chưa yên lòng phục vụ bệnh nhân?
Ba năm trước đây, Trung tâm Y tế huyện Krông Buk đã thu hút sự chú ý của công luận vì để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có việc kế toán tham nhũng ngân sách.
Vì sao bác sĩ chưa yên lòng phục vụ bệnh nhân? ảnh 1
Trung tâm y tế huyện Krông Buk

Sau khi giám đốc TT nhận kỷ luật vì đã buông lỏng quản lý thuyên chuyển công tác, từ tháng 11/2002 đến nay TT chỉ có 2 phó giám đốc, do BS Võ Thanh Ngọc phụ trách TT kiêm Bí thư chi bộ.

Yên ổn không được bao lâu thì nội tình TT lại bắt đầu căng thẳng do BS Ngọc ngày càng trở nên độc đoán chuyên quyền, coi thường đồng nghiệp và các nguyên tắc tổ chức lẫn quy chế của ngành. Lên chức, BS Ngọc ngang ngược chặt phá vườn thuốc Nam hơn 60 loài dược liệu quý do BS Đông y Phan Tới dày công gây dựng  sưu tầm.

Vườn thuốc này vừa sử dụng điều trị cho bệnh nhân rất hiệu quả vừa để hướng dẫn các trạm y tế tuyến xã và tuyên truyền phổ biến cho dân cách dùng thuốc Nam. BS Ngọc đã để dành đất trồng cỏ và loại kiểng tên chuỗi Ngọc ngắm chơi, lại còn ngang nhiên ký tên đóng dấu dưới bản báo cáo gửi lên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ngày 12/8/2004, rằng “TTYT có vườn thuốc Nam đã bị phá để trồng hoa cảnh, đến nay chưa có chủ trương trồng lại”.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đã nhiều năm phục vụ tốt tại TT, chỉ vì phản ánh sai phạm của BS Ngọc mà bị ông kiếm cớ hạ xuống khoa Nội làm nhân viên. Chị Hương gửi đơn đấu tranh lên Sở. Ngày 5/8/2003 lúc chị đi vắng, ông Ngọc sang giật bung cánh cửa tủ để lục soát giấy tờ tư liệu của chị.

Hơn 1 tháng sau, BS Ngọc lại tự xé bì công văn Sở Y tế gửi riêng cho chị Hương và chiếm giữ lá thư trong đó. Nhằm bao biện cho hành vi sai trái của mình BS Ngọc còn buộc nhân viên viết tường trình sai sự thật và đổ lỗi cho văn thư. Để giải quyết khiếu nại về những việc này , Sở đã phải thành lập đoàn công tác 712 do BS Cao Minh Toàn phó GĐ Sở phụ trách.

Quyết định số 11 ngày 1/3/2004 do BS Toàn ký đã xác nhận việc BS Ngọc giật tủ, bóc thư riêng của chị Hương là có thật; BS Ngọc tự quyết việc hạ công tác điều dưỡng trưởng làm nhân viên khoa Nội là không đúng thẩm quyền, sai quy định; Từ nhận xét “BS Võ Thanh Ngọc do chưa có kinh nghiệm quản lý, phong cách và phương pháp lãnh đạo còn yếu, chưa phát huy được trí tuệ tập thể, nội bộ TT mất đoàn kết kéo dài”,

QĐ 11 yêu cầu BS Ngọc “Trong thời gian tới phải khắc phục những tồn tại nêu trên để thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao”. Thế nhưng BS Ngọc chẳng khắc phục được “tồn tại” nào mà càng tự tung tự tác, gây ra nhiều sai phạm ngày càng nghiêm trọng hơn với sự trợ giúp đắc lực của ông Võ Văn Bình, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ.

Phòng TC-HC-TV nhân sự đã cồng kềnh phân công lộn xộn, ông Ngọc và ông Bình còn nhận thêm về cô Nguyễn Thị Ngọc mới tốt nghiệp Trung cấp Thư viện về làm văn thư, đẩy chị Tô Thị Thanh Hồng  15 năm làm tốt nhiệm vụ quản lý bệnh nhân vào ra viện, lưu trữ bệnh án và cấp phát các mẫu ấn phẩm chuyên môn xuống khoa Nội để cô Ngọc kiêm luôn việc này dù cô không có tí chuyên môn nào về y tế. 

Quyết định của Sở Y tế xếp cô Ngọc lương khởi điểm 1,22 , 2 ông Ngọc- Bình tự ý “nhấc” lên  mức lương khởi điểm 1,46. Bảo vệ Trung tâm Hồ Văn Từ chỉ vì lên tiếng về “quan hệ bất chính” giữa cô Ngọc với BSNgọc mà bị 2 ông Ngọc - Bình trả đũa bằng cách tự cắt hợp đồng lao động dài hạn với anh do Sở ký,  biến anh thành chân sai vặt , khoán trắng vụ bảo vệ cơ quan cho một người giữ xe không có trách nhiệm gì với TT.

Năm 2004, TT có 4 nguồn thu chính tổng cộng hơn 4,2 tỷ đồng .  Ông Ngọc và ông Bình tự quyết chi sai nguyên tắc tài chính, trái với quy định của Bộ và Sở, nhiều khoản chi giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mà trùng lắp, thiếu thủ tục chứng từ, không rõ ràng đối tượng được chi như chi thưởng, chi  văn phòng phẩm, chi thuê mướn, chi nghiệp vụ chuyên môn , chi hỗ trợ tai nạn, chi tiếp khách v.v…

Còn nguồn dịch vụ thì càng thu chi vô tội vạ, trong đó vẫn tồn tại mập mờ cái gọi là “quỹ giám đốc” để ông Ngọc chi theo ý riêng. Đặc biệt, 2 khoản chi lớn nhất là sửa chữa tài sản cố định tổng cộng 338 triệu và mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) hơn 506 triệu cũng chỉ do riêng 2 ông Bình-Ngọc tự tác chứ không hề họp bàn, thông qua khoa phòng chức năng nào của TT.

Theo phát hiện của nhiều cán bộ và đảng viên, những công trình có thể coi như được chi “sửa chữa tài sản cố định lớn”  cộng tất tần tật lại cũng chưa tới 150 triệu đồng. Cuối năm 2003, phòng Kế hoạch Nghiệp vụ và Hội đồng khoa học TT đã trình lên BS Ngọc một danh mục các TTBYT cần mua sắm.

Thế nhưng, bất ngờ ông Ngọc vung tay hơn nửa tỷ đồng mua toàn những loại TTBYT không có tên trong danh mục đó, hàng chở về không loại nào được làm thủ tục nhập kho, trong đó có một số TTBYT chưa cần dùng đến, hoặc cán bộ TT chưa dùng được, mà giá cả lại cao đáng ngờ (?).

Nguyện vọng thiết tha nhất của hầu hết CBCNV tại TT từ nhiều năm qua đơn giản chỉ là được yên tâm công tác dưới sự lãnh đạo của một ban giám đốc đủ cả Đức lẫn Tài. Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của hơn 15 vạn dân huyện Krông Buk, các cơ quan quản lý cấp trên cần nhanh chóng có các giải pháp ổn định kỷ cương tại TT, tôn trọng nguyện vọng chính đáng đó.        

MỚI - NÓNG