Vì sao bệnh viện Bưu điện bị phạt hàng trăm triệu đồng

Hệ thống xử lý nước thải y tế Bệnh viện Bưu Điện. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Hệ thống xử lý nước thải y tế Bệnh viện Bưu Điện. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
TP - Bệnh viện Bưu điện vừa bị cơ quan chức năng ra quyết định phạt 270 triệu đồng do chỉ số độc hại trong nước thải y tế vượt chuẩn.

Trong nhiều tháng, hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Bưu Điện không hoạt động. Toàn bộ hệ thống vận hành, bồn chứa hóa chất đều “đắp chiếu” phủ đầy bụi và nước mưa khiến hệ thống thoát nước luôn bốc mùi, gây ô nhiễm tới khu dân cư lân cận.

Do công nghệ cũ

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm xử lý rác thải Bệnh viện Bưu Điện cho biết, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2005 bằng công nghệ vi sinh với công suất 100m3/ngày đêm.

Trước phản ánh hệ thống xử lý nước thải y tế “đắp chiếu”, ngừng hoạt động thời gian dài, ông Thiện thừa nhận sau hơn 10 năm vận hành, hệ thống xử lý nước thải đã cũ, xuống cấp. Trong thời gian sửa chữa, nâng cấp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới bằng công nghệ hóa lý, đơn vị vẫn xử lý nước thải bằng hóa chất chứ không ngừng hoàn toàn.

Theo quan sát của phóng viên, hệ thống xử lý nước thải mới đang thi công chồng lên hệ thống cũ. Toàn bộ bồn chứa hóa chất, máy bơm và hệ thống vận hành đã dời khỏi vị trí ban đầu. Tuy nhiên, ông Thiện lý giải, những bồn chứa được dời đi nhưng hàng ngày đơn vị vẫn trực tiếp đổ hóa chất ChloraminB xuống bể ngầm để xử lý theo công nghệ vi sinh.

Theo ông Thiện, hằng năm, theo quy định đơn vị sẽ kiểm tra quan trắc 4 lần để theo dõi các chỉ số. Quý I/2017, đợt kiểm tra định kỳ của lực lượng liên ngành cho ra kết quả một số chỉ số nước thải vượt chuẩn quy định (chỉ số BOD, COD vượt mức cho phép) và bị lập biên bản xử phạt hành chính. Ngay sau đó, ban lãnh đạo bệnh viện đã quyết định xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới bằng công nghệ hóa lý với công suất 500m3/ngày đêm. Bình quân, hàng ngày hệ thống sẽ xử lý 90m3 nước thải, chi phí vận hành từ 3.000-5.000 đồng/m3.

“Nước thải bệnh viện đặc thù hơn nước thải sinh hoạt, có nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xunh quanh của thành phố. Do đó, nếu không được xử lý kỹ, nước thải y tế rất nguy hại tới cộng đồng”, ông Thiện nói.

Phạt 270 triệu đồng

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 103 bệnh viện, trong đó 21 bệnh viện trung ương, 7 bệnh viện ngành, 41 bệnh viện công lập và 34 bệnh viện ngoài công lập. Thống kê trong năm 2017, lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh và thu gom được khoảng 2.317 tấn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan bệnh dịch.

Trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng, kiểm tra một số bệnh viện trên địa bàn. Đa số bệnh viện chấp hành nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đúng quy định. Tuy nhiên, một số bệnh viện đầu tư trang thiết bị quá cũ, lạc hậu do đó không đảm bảo chất lượng, xả thải ra môi trường vượt chuẩn, điển hình Bệnh viện Bưu Điện.

“Qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm toàn hệ thống lần gần nhất, cơ quan chức năng phát hiện nước thải tại Bệnh viện Bưu Điện vượt chuẩn quy định hai chỉ số BOD (vượt 1,5 lần) và COD (vượt 1,2 lần so với quy chuẩn Việt Nam). Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm, đề xuất các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính 270 triệu đồng đối với cơ sở này”, thượng tá Trần Anh Tuấn nói.

Ông Tuấn nhận định, chi phí đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý và hóa chất xử lý nước thải khá lớn nên một số bệnh viện trong quá trình vận hành không thực hiện đủ, đúng quy trình. Hơn nữa, một số bệnh viện xử lý nước thải chưa được triệt để do hệ thống xử lý công nghệ cũ, công suất nhỏ, thường xuyên gặp sự cố cũng là nguyên nhân dẫn đến nước thải vượt chuẩn quy định.

Chi phí đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý và hóa chất xử lý nước thải khá lớn nên một số bệnh viện trong quá trình vận hành không thực hiện đủ, đúng quy trình. Hơn nữa, một số bệnh viện xử lý nước thải chưa được triệt để do hệ thống xử lý công nghệ cũ, công suất nhỏ, thường xuyên gặp sự cố cũng là nguyên nhân dẫn đến nước thải vượt chuẩn quy định.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.