Vì sao còn quá ít dịch vụ công ích được đấu thầu?

Vì sao còn quá ít dịch vụ công ích được đấu thầu?
TP - Mỗi năm Nhà nước phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cung cấp dịch vụ công ích như chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, vệ sinh môi trường... Chính phủ đã ban hành nhiều quy định để tăng cường đấu thầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, tuy nhiên đến nay, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với yêu cầu…

Vẫn mang nặng cơ chế bao cấp?

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam” diễn ra ngày 5/1 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phối hợp Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền tổ chức, TS Nguyễn Mạnh Hải cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tổng chi phí của nhà nước cho các dịch vụ công là rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như Hà Nội năm 2016 chi 4.529 tỷ đồng; Đà Nẵng chi 457 tỷ đồng; Bắc Ninh chi 143 tỷ đồng…

Trong đó, thành phố Hà Nội đã dành 12% chi cho lĩnh vực duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông; 45% chi cho vệ sinh môi trường; 8% chi cho lĩnh vực chiếu sáng; 16% chi cho lĩnh vực duy tu vườn hoa, thảm cỏ, công viên, cây xanh và 19% chi cho lĩnh vực duy tu, sửa chữa, duy trì lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hải, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 130 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, tính minh bạch, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ công ích nhưng cho đến nay hiệu quả còn nhiều hạn chế. Tại Hà Nội, đến năm 2015 mới có 3,8%  giá trị đầu tư cho dịch vụ công ích được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, còn lại vẫn theo hình thức đặt hàng. Trong đó, lĩnh vực chiếu sáng 100% vẫn thực hiện theo đặt hàng. Tỷ lệ đặt hàng giảm nhiều nhất là lĩnh vực xử lý nước thải, hiện còn 81,6% giá trị thực hiện theo hình thức đặt hàng, 18,4% giá trị đã được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tại tỉnh Bắc Ninh và nhiều địa phương khác, 100% vẫn thực hiện theo hình thức đặt hàng.

TS Nguyễn Mạnh Hải khẳng định, thực tế đã chứng minh, việc tăng cường đấu thầu, minh bạch trong cung cấp dịch vụ công ích sẽ vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Ví dụ như tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), tỷ lệ tiết kiệm từ đấu thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích của đơn vị này luôn đạt trên 60% trong năm 2016.

Tại quận Tân Phú, Bình Tân (TPHCM), công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện qua đấu thầu mang lại hiệu quả tích cực. Tại quận Bình Tân, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 48%; tại Tân Phú tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 11%… Tại Hà Nội, những dịch vụ được triển khai qua đấu thầu cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách…

Nguyên nhân

Ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền cho rằng, đang có mâu thuẫn giữa các điều khoản về phương thức lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích làm giảm tính công khai, minh bạch của Nghị định. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 5 (NĐ 130/2013) “Lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, phương thức đấu thầu được xếp đứng đầu theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, đến Điều 10 “Điều kiện tổ chức đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích” lại ràng buộc việc tổ chức đấu thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Điều đó dẫn tới một số cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp đang dịch vụ công ích “cố tình” cho rằng chưa đủ điều kiện để áp dụng phương thức đấu thầu.

Mặc dù trong nội dung Nghị định, Chính phủ đã giao các cơ quan quản lý có trách nhiệm quy định cụ thể về chất lượng, quy cách, định mức, giá và đơn giá để thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Tuy nhiên về cơ bản vẫn thực hiện theo cách thức cũ mà chưa có thay đổi căn bản về phương thức giá, nghiệm thu và thanh toán. Các hợp đồng đặt hàng chỉ quan tâm tới từng thành phần chi phí cấu thành nên giá trị hợp đồng mà chưa quan tâm tới đơn giá của sản phẩm dịch vụ công ích cuối cùng. Điều đó dẫn đến không khuyến khích các doanh nghiệp trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và tiết kiệm chi phí. “Việc triển khai Nghị định 130/2013 còn gặp nhiều lúng túng.  Trường hợp phương thức đặt hàng mà có 2 đơn vị tham gia trở lên thì giải quyết như thế nào?”, ông Lê Thanh nêu vướng mắc.

Đại diện lãnh đạo Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền cũng đề xuất một số sửa đổi đối với Nghị định 130 như: Cần khuyến khích áp dụng các hình thức hợp đồng với đơn giá hợp đồng và phương thức nghiệm thu theo nguyên tắc nhà nước quản lý đơn giá, chất lượng của sản phẩm-dịch vụ cuối cùng. Trường hợp các bộ ngành được giao hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình thì có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời; Đề xuất bỏ quy định riêng cho doanh nghiệp nhà nước vì về cơ bản những nội dung này đã được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm khác…   

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, mức độ cải cách của khu vực dịch vụ công ích đang ít hơn các lĩnh vực khác, trong khi Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Tái cơ cấu khu vực dịch vụ công ích đã được đề cập ở cả nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, theo hướng mở nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.