Vì sao nhà máy rác lớn nhất Thanh Hóa 'trốn' đấu thầu?

Xử lý rác. Ảnh minh họa
Xử lý rác. Ảnh minh họa
TP - Dự án nhà máy xử lý rác thải lớn nhất tỉnh Thanh Hóa có nhiều bất thường: Không quảng bá rộng rãi, không đấu thầu theo quy định.

Rác thải sinh hoạt là vấn đề nhức nhối tại thành phố Thanh Hóa và vùng giáp ranh, với số lượng rác khoảng 500 tấn/ngày. Rác lâu nay được tập kết, chôn lấp tại bãi rác ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) với số lượng khoảng 300.000 tấn (đã đóng cửa). Bãi rác thứ hai đang hoạt động ở xã Đông Nam (huyện Đông Sơn).


Để giải quyết, tỉnh Thanh Hóa đã chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý thải tại xã Đông Nam với điều kiện: Có nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động, có năng lực tài chính đầu tư nhà công suất 500 tấn/ngày. Đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban ngành tỉnh Thanh Hóa đang đi đến lựa chọn Liên danh Cty Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech và Cty Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Ecotech - Tín Thành). Việc này được thực hiện sau khi tỉnh Thanh Hóa khảo sát hai nhà máy xử lý rác do liên danh này giới thiệu (không khảo sát các cơ sở của doanh nghiệp khác).

Thực tế, hai nhà máy nêu trên không phải của liên danh Ecotech - Tín Thành mà chỉ là đơn vị do Tín Thành bán công nghệ. Công nghệ, công suất nhà máy mà liên doanh định xây dựng tại Thanh Hóa cũng chưa đạt yêu cầu (thậm chí, Sở KH&ĐT Thanh Hóa trước đó có văn bản đánh giá công nghệ của liên danh này có nguy cơ phát sinh ô nhiễm). Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó GĐ Sở KH&ĐT Thanh Hóa xác nhận: “Liên danh Ecotech - Tín Thành còn một số vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, thường trực Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu tiếp tục thương thảo với nhà đầu tư này”.

Về việc không tiến hành đấu thầu, ông Tuấn cho rằng: Đây không phải là dự án đầu tư mà là hợp đồng cung ứng dịch vụ công (áp dụng theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP Về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích); do cấp bách nên không tiến hành đấu thầu.

Là dự án quan trọng, tác động lớn đến môi trường nhưng ông Tuấn thừa nhận: Thông tin dự án chỉ được thông báo trên diện rất hẹp (trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa). Trong khi, theo Luật Đấu thầu thông tin về dự án diện này phải đăng trên mạng Đấu thầu quốc gia và báo Đấu thầu.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ KH&ĐT khẳng định: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải như ở Thanh Hóa là một dự án đầu tư, không thể coi như việc cung cấp dịch vụ công. “Doanh nghiệp xây dựng nhà máy xử lý rác và thu hồi vốn bằng nguồn thu xử lý rác không khác gì việc xây dựng các tuyến đường BOT. Đã là dự án đầu tư phải theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP (Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư) và phải tiến hành đấu thầu. Chỉ đặt hàng dịch vụ điện thoại, văn phòng phẩm, không thể đặt hàng xây cả nhà máy rác lớn như thế” - ông Tăng nói.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.