Vì sao nhiều tỉnh xin thêm chỉ tiêu mua lúa gạo tạm trữ?

Suốt lúa ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Ngọc Duyên
Suốt lúa ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Ngọc Duyên
TP - Sáng 1/3, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức hội nghị triển khai mua lúa gạo tạm trữ vụ Đông Xuân 2014-2015, có đại diện các địa phương và nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL tham dự.

Đây là mùa thứ 6 triển khai mua lúa gạo tạm trữ ở ĐBSCL, được các đại biểu đánh giá là kịp thời, đúng vào ngày bắt đầu thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo quy lúa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24/2.

GIÁ LÚA ĐANG DAO ĐỘNG 

Khi cuộc họp diễn ra, PV Tiền Phong có mặt trên nhiều cánh đồng, ghi nhận giá lúa đang dao động nhiều chiều. Ở tỉnh Hậu Giang, giá lúa giảm so với trước Tết. Bà Nguyễn Thị Nhung, thương lái mua lúa ở xã Trường Long Tây (Châu Thành A, Hậu Giang), nói: “Trước Tết, tôi mua lúa tươi tại ruộng giống IR50404 với giá 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa Jasmine 4.900 đồng/kg nhưng hai ngày nay giảm mỗi loại 200 đồng/kg”. Ông Nguyễn Hoàng Ngọc Anh ở xã Nhơn Nghĩa A (Châu Thành A) vừa gặt 0,5 ha lúa IR50404 ngày 28/2, bán tại ruộng giá 4.150 đồng/kg. “Giá giảm so với mấy ngày trước nhưng đang ít người hỏi mua nên bán được là mừng rồi. Tôi sợ để vài ngày nữa, không biết giá tăng trở lại không mà phải tốn thêm chi phí phơi sấy”, ông Ngọc Anh nói.

Tại tỉnh Vĩnh Long, ông Trương Văn A ở xã Hòa Bình (Trà Ôn) cho biết, bán 3 tấn lúa tươi IR50404 tại ruộng vào ngày 27/2, giá 4.350 đồng/kg. Còn ở tỉnh Đồng Tháp thương lái đặt cọc lúa IR50404 của bà Tô Thị Thanh ở xã Hòa Thành (Lai Vung) giá 4.300 đồng/kg.

Xuống tỉnh Kiên Giang, địa phương có sản lượng lúa lớn nhất nước, một năm hơn 4,5 triệu tấn, giá lúa lại tăng 250-300 đồng/kg so với trước Tết. Hiện giá lúa tươi tại ruộng, IR50404 là 4.300 - 4.350 đồng/kg, lúa thơm Jasmine 4.950 - 5.000 đồng/kg. Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã thu hoạch được một phần ba diện tích, năng suất trung bình ước 6,55 tấn/ha. Một số huyện có năng suất khá cao như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành 7-8 tấn/ha. 

Vì sao nhiều tỉnh xin thêm chỉ tiêu mua lúa gạo tạm trữ? ảnh 1

Lúa mới thu hoạch ở xã Tài Văn (Trần Đề, Sóc Trăng).  Ảnh: Xuân Lương

Trưởng phòng NN&PTNT Tân Hiệp, ông Lê Văn Mạnh, cho biết giá lúa tăng và có nhiều doanh nghiệp ký kết với nông dân thực hiện cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm như: Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Cty Tân Thành, Cty Phan Minh Kiên Giang… nên nông dân chẳng phải lo đầu ra. Nông dân Nguyễn Ngọc Chính ở thị trấn Tân Hiệp nói: “Giá lúa tăng đúng vào thời điểm thu hoạch rộ nên rất phấn khởi. Lúa tươi, tiền mặt giải quyết sòng phẳng ngay tại ruộng”. 

Ở tỉnh Sóc Trăng lại đã thu hoạch gần xong lúa đông xuân, giá lúa có nhích lên so với trước Tết 200-300 đồng/kg. Nông dân Nguyễn Văn Thành ở xã Tài Văn (Trần Đề) cho biết, thu hoạch trước Tết lúa tươi IR50404 bán 4.100 - 4.300 đồng/kg, nay 4.500 đồng/kg nhưng nếu trữ lại thì cũng tốn thêm nhiều chi phí. Còn lúa thơm ST5, trước Tết bán 5.000 đồng/kg, hiện 5.100 - 5.300 đồng/kg, mỗi hécta cho lời hơn 20 triệu đồng.

ĐỊA PHƯƠNG XIN THÊM

Phó chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng công khai 4 tiêu chí để xét giao chỉ tiêu: Có đăng ký mua tạm trữ, có thành tích tạm trữ vụ Đông Xuân năm trước, có năng lực tiêu thụ lúa gạo tạm trữ và có tham gia cánh đồng mẫu lớn. Lần đầu tiên, Bộ NN&PTNT ban hành quy chế kiểm tra giám sát việc mua tạm trữ từ khi bắt đầu cho đến khi quyết toán xong.

Chỉ tiêu giao cho các doanh nghiệp được tách bạch số lượng mua trong và ngoài địa phương đóng trụ sở. Cho nên, số lượng mua tạm trữ ở từng tỉnh có phần của doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cao nhất là tỉnh An Giang, chỉ tiêu hơn 151.000 tấn gạo, doanh nghiệp trong tỉnh mua 137.000 tấn và ngoài tỉnh hơn 114.000 tấn. Tỉnh ít nhất là Cà Mau với 2.400 tấn chủ yếu cho doanh nghiệp trong tỉnh.

Đại diện nhiều tỉnh xin thêm chỉ tiêu. Tỉnh Kiên Giang với sản lượng lúa lớn nhất nước, được giao 79.000 tấn, đề nghị tăng lên gần gấp đôi. Tỉnh Vĩnh Long được giao 28.000 tấn, ít hơn vụ đông xuân năm trước 34.000 tấn, đề nghị “ít nhất bằng năm trước”. Đại diện tỉnh Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang đưa ra thành tích về xuất khẩu, diện tích cánh đồng mẫu lớn để đề nghị tăng chỉ tiêu mua tạm trữ.

Tuy nhiên, số lượng mua tạm trữ chỉ chiếm khoảng 20% lượng lúa hàng hóa, “miếng bánh hỗ trợ lãi suất” nhỏ bé nếu kéo đầu này sẽ hụt đầu khác. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám giải thích, mua tạm trữ là giải pháp thị trường để ngăn giá lúa giảm, không phải chính sách hỗ trợ nông dân hay theo diện tích canh tác. Vì quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định “mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”, nên Thứ trưởng Tám khẳng định, không thể giao cho nông dân tạm trữ và phải chọn doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo quy ra 2 triệu tấn lúa, và lần đầu tiên được mua tạm trữ cả gạo tẻ, nếp, thơm, tấm các loại.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.