Huyền thoại Titov với Hạ Long- Kỳ cuối:

Vì sao Titov được dựng tượng ở vịnh Hạ Long?

Bà Tamara Titova và con gái cùng những người bạn Nga-Việt dưới chân tượng đài Titov ở Hạ Long
Bà Tamara Titova và con gái cùng những người bạn Nga-Việt dưới chân tượng đài Titov ở Hạ Long
TP - Vì sao Thượng tướng Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô Gherman Titov được dựng tượng ở vịnh Hạ Long? Tôi cau mày khi lần đầu nghe ý tưởng về việc dựng tượng ông ở vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, nhưng đã dịu lại khi biết những gì ông đã làm cho Việt Nam và quy mô, kích thước tượng hợp lý để không ảnh hưởng đến di sản.

Dựng tượng một người ngoại quốc không dễ, mà ở vịnh Hạ Long di sản thế giới lại càng khó. Khó về chủ trương, về cấp phép, về dư luận, về kinh phí - tóm lại là khó đủ đường. Nhưng Hội Hữu nghị Việt-Nga có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của tỉnh Quảng Ninh đã làm được điều đó.

Cả đời yêu và vì Việt Nam

Trong lễ khánh thành tượng, tôi ghé tai bà Tamara, vợ Gherman Titov, nói rằng theo như chỗ tôi biết thì ở toàn bộ khu vực biển Quảng Ninh này, không kể các tượng tôn giáo có thể có thì trên các đảo chỉ có 2 tượng, một của Bác Hồ trên đảo Cô Tô, và một của Titov,  bà đã cười đầy tự hào nói “đều là những người xứng đáng cả”.

Thực sự thì Titov đã làm được những việc đáng để chúng ta tạc tượng.

Câu chuyện sau đây tôi nghe được từ một trong những vị đứng đầu Hội Hữu nghị Việt-Nga: Năm 1991, nước Nga đảo lộn. Nhân lúc hỗn loạn, có một số kẻ quá khích định phá bỏ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường mang tên Bác ở Mátxcơva. 

Nghe tin, Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt, Thượng tướng Gherman Titov cùng một nhóm những người bạn của Việt Nam đã tức tốc đến ngay hiện trường. 

Ông đứng vào giữa những kẻ có dã tâm kia và bức tượng, phanh ngực áo quát: “Kẻ nào dám xâm phạm tượng của Người trước hết phải bước qua xác tao”. Sau đó ông và những người bạn của Việt Nam đã thay nhau túc trực bên tượng đài để ngăn chặn những kẻ quá khích.

Tôi đã hỏi đi hỏi lại người kể về xuất xứ câu chuyện thì được biết là ông nghe từ chính các vị lãnh đạo Hội Hữu nghị Nga-Việt và vợ của Titov trong một lần gặp ở Mátxcơva. Gặp bà Tamara ở Hạ Long, tôi kể lại câu chuyện và hỏi có đúng vậy không, bà xác nhận là từng có những kẻ cực đoan định làm vậy với tượng Bác Hồ, nhưng nhân dân đã đứng ra bảo vệ tượng Bác. 

“Dưới sự lãnh đạo của Gherman Titov?” - Tôi hỏi. Bà Tamara đáp: “Thì là như vậy”. Trước đó, Titov cũng đóng vai trò quan trọng trong việc Mátxcơva có Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Hồ Chí Minh.

Trên đây là câu chuyện truyền khẩu. Còn đây là tư liệu thành văn. Báo Văn hóa của Nga, số 10 năm 1991 đăng bài về chuyện có những thế lực âm mưu “di dời” tượng Bác, trong đó có đoạn: “Một mưu đồ đê tiện - phi công vũ trụ, Anh hùng Lao động Việt Nam Titov đã nhận định như vậy về kế hoạch của Hội đồng thành phố Mátxcơva chuyển tượng Hồ Chí Minh đi. 

G.Titov đã nhắc lại rằng, Hồ Chí Minh, ngoài chuyện là một lãnh tụ chân chính của nhân dân, một nhà tư tưởng, nhà thơ và con người với đạo đức cao thượng nhất còn là một người bạn lớn của Liên Xô, người có nhiều năm sống ở Mátxcơva. Việc di dời, theo ý kiến của Titov, sẽ gây tổn thất không thể đắp bù cho uy tín của Liên Xô ở Việt Nam và trên khắp thế giới”.

Cho đến nay, nhiều thứ ở nước Nga đã thay đổi tận gốc, nhưng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường mang tên Người vẫn uy nghi ở Mátxcơva.

Sau chuyến bay vũ trụ vinh quang, năm 1966, ở tuổi 31, Gherman Titov được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô-Việt. Từ đó cho đến gần hết năm 1991, ông là Chủ tịch Hội. Ông làm việc đó trong khi vẫn là một nhân vật quan trọng trong chương trình vũ trụ của Liên Xô, tham gia đảm đương công tác đào tạo, ở cương vị chỉ huy trong binh chủng vũ trụ của Liên Xô, thậm chí có giai đoạn ông còn đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển một số chủng loại tàu không phải vũ trụ mà là trên… biển. Titov cũng tốt nghiệp một số học viện cao cấp, trở thành phó giáo sư, tiến sĩ, tác giả của nhiều cuốn sách.

Gặp Trung tướng Anh hùng Phạm Tuân ở lễ khánh thành, tôi hỏi ông có được Titov huấn luyện để bay vào vũ trụ không, ông nói: “Thì ông ấy là một trong những người đầu tiên đưa ra sáng kiến về chuyến bay Xô-Việt vào vũ trụ”.

Bên cạnh những việc lớn và quan trọng ấy, Titov đã dành thời gian và tâm huyết cả đời cho Việt Nam. Phát biểu tại Lễ khánh thành tượng đài Titov, GS.TS khoa học V.P Buianov - Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt, người từng nhiều năm làm việc ở Cẩm Phả nói: “Gherman Stephanovich Titov đã góp phần rất to lớn vào việc phát triển và củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta... Ông trong nhiều thập niên đã gắn bó cuộc đời mình với vận mệnh của Việt Nam. 

Điều đó đặc biệt thể hiện rõ trong những năm nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Hồi đó, Hội Hữu nghị Xô-Việt dưới sự lãnh đạo của ông đã hoạt động tích cực và đa dạng nhằm tổ chức phong trào quốc tế đoàn kết với Việt Nam. 

G.S Titov nhiều lần dẫn đầu đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Xô-Việt sang Việt Nam để chuyển các loại hàng viện trợ khác nhau của Liên Xô sang Việt Nam và thể hiện tình đoàn kết của hàng triệu người Xô Viết  với nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, ông đã tích cực tham gia tất cả những hoạt động theo kênh của Hội Hữu nghị tại các thành phố Liên Xô.

Vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã và các đoàn thể xã hội bị giải thể, một nhóm cốt cán của Hội Hữu nghị với sự tham gia tích cực của G.S Titov đã thành lập tại Mátxcơva Hội Hữu nghị Liên bang Nga-Việt Nam và ông được bầu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Là đại biểu
Đu-ma quốc gia Nga, trên cương vị Chủ tịch danh dự của Hội, ông đã say sưa hoạt động hội cho đến khi qua đời vào năm 2000”.

Tượng đài

Dựng tượng Titov ở chính hòn đảo ông được Bác Hồ đưa đến nghỉ và lấy tên để đặt cho là ý nguyện của Hội Hữu nghị Việt-Nga, được Hội Hữu nghị Nga-Việt rất hưởng ứng và tỉnh Quảng Ninh sở tại rất ủng hộ. Việc được T.Ư Hội Hữu nghị Việt-Nga báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và năm 2013, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã đồng ý cho thực hiện ý tưởng.

Hội Hữu nghị Việt-Nga và tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực để tượng Titov hoàn thành vào dịp kỷ  niệm 80 năm ngày sinh nhà du hành (11/9/1935-11/9/2015). Những người tâm huyết nhất với việc này là GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ tịch Hội, Viện sĩ Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội, Trưởng Ban chuẩn bị dự án  và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời gian đó là ông Phạm Minh Chính.

Do tượng được đặt trong di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận nên công việc đã được tiến hành rất thận trọng và đầy trách nhiệm. Vị trí, mặt bằng, kích thước tượng đài, cảnh quan đều được cân nhắc rất kỹ.

Nhóm của KTS Nguyễn Trần Lang - một người rất yêu nước Nga đảm trách tư vấn phần ngoại cảnh của tượng đài. Quảng Ninh còn cẩn thận tổ chức lấy ý kiến của tư vấn quốc tế. Bốn nhà điêu khắc được mời sáng tác mẫu tượng và Hội đồng nghệ thuật của dự án đã thống nhất chọn mẫu của tác giả Lâm Quang Nới.

Hội Hữu nghị Việt-Nga đã thành lập Ban Quản lý dự án, Ban Vận động tài trợ và kêu gọi ủng hộ kinh phí xây dựng tượng đài. Các hội Hữu nghị Việt-Nga địa phương và các chi hội đã phát động quyên góp tiền trong hội viên và những người bạn của hội. Việc vận động cũng được tiến hành ở Nga.

Vì sao Titov được dựng tượng ở vịnh Hạ Long? ảnh 1

Bà Tamara Titova và con gái Tachiana Titova dưới những tấm ảnh Bác Hồ với Titov

Tượng Titov bằng đá được Công ty Thiên Kỳ thực hiện tại một cơ sở chế tác ở tỉnh Hà Nam đến đầu tháng 8/2015 thì  hoàn thành. Ngày 12/8/2015, tượng ra đảo Titov và được dựng lên bệ. Sau đó, tấm bia đá thuộc tổ hợp tượng đài cũng đã được chuyển ra đảo. Bia đá khắc chữ ở hai mặt. Mặt trước khắc tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh với nội dung về việc Bác Hồ đặt tên Titov cho đảo, những nét chính yếu nhất về Titov. 

Mặt sau chỉ khắc tiếng Việt, ghi tên tác giả đơn vị thực hiện thi công tượng đài, các đơn vị chủ trì (hai hội Hữu nghị Việt-Nga và Nga-Việt, UBND tỉnh Quảng Ninh) và tên các nhà tài trợ chính (Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí QG  Việt Nam, Hội người Việt Nam tại LB Nga,  NH Techcombank, Tập đoàn Viettel, Cty CP dược phẩm ECO, Cty Marevel Food Central).

Tượng Titov làm bằng đá xanh Thanh Hóa gồm hai khối, cao gần 6 mét, nặng hơn 26 tấn. Tấm bia cũng là một khối đá tự nhiên, dày 30 cm, cao 1,5 mét, nặng gần 3 tấn. Lễ khánh thành tượng diễn ra trong bầu không khí như có men say làm những người Việt và người Nga có mặt gần nhau hơn nữa về tâm hồn. 

Chủ tịch Hội GS Đào Trọng Thi phát biểu: “Tượng đài Titov là một dấu son của lòng kính trọng và biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga, là biểu tượng đẹp về tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - LB Nga”.

Bà Tamara nói: “Tượng đài này sẽ cuốn hút mọi người quan tâm đến lịch sử của chúng ta, đến lịch sử mối quan hệ qua lại giữa hai dân tộc chúng ta”. Giáo sư, Chủ tịch Hội Buianov khẳng định: “Chúng ta tin tưởng rằng ký ức về con người xuất sắc này sẽ tiếp tục được lưu giữ mãi trong hoạt động của thể hệ trẻ Nga và Việt Nam – là thế hệ mà chúng ta hy vọng sẽ tiếp tục sự nghiệp của ông cha, sẽ gìn giữ và phát huy những truyền thống phong phú của quan hệ Nga-Việt”.

Những tình cảm thủy chung và hành động uống nước nhớ nguồn của Việt Nam làm xúc động tận đáy lòng những bạn Nga. Năm 2012, dịp ra mắt bản tiếng Nga Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Chủ tịch tổ chức của các cựu chiến binh Liên Xô/Nga từng sang giúp Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ viết: “Cần phải thấy là lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và gìn giữ kỷ niệm về những giúp đỡ lớn lao mà Liên bang Xô Viết và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã dành cho nhân dân và quân đội Việt Nam trong những năm chiến tranh.

Việt Nam có lẽ là đất nước duy nhất trong số những nước mà Liên Xô từng giúp đỡ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà nhân dân ở đó sau nhiều chục năm vẫn giữ trọn tình cảm biết ơn chân thành đối với người Xô Viết và khẳng định tình cảm đó bằng những hành động ân tình với các cựu binh Liên Xô tham gia chiến tranh Việt Nam.

Giờ đây, khi mà một số cựu đồng minh của chúng ta trong Hiệp ước Vácsava, thậm chí một số nước cộng hòa Xô Viết cũ nữa phá đi tượng đài các chiến sĩ Hồng quân đã hi sinh để giải phóng đất nước họ ra khỏi ách phát xít, thì Việt Nam, đất nước duy nhất trong số các nước Liên Xô từng giúp đỡ đã dựng lên ở Cam Ranh cả một tượng đài hoành tráng để tưởng nhớ các quân nhân Liên Xô/Nga và Việt Nam đã hi sinh vì hòa bình và ổn định trong khu vực.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.