Vì tiền mà tham nhũng, cần xử lý bằng tiền

Vì tiền mà tham nhũng, cần xử lý bằng tiền
“Chúng ta nên cải tiến đường lối xử lý tội phạm tham nhũng. Nên hướng đến xử lý tham nhũng bằng tiền, vì chung quy tham nhũng cũng vì tiền!”. Chánh thanh tra Bộ VH-TT Phan An Sa đưa ra ý kiến tại Hội thảo kết quả điều tra về tham nhũng hôm qua, 30/11.
Vì tiền mà tham nhũng, cần xử lý bằng tiền ảnh 1

Tại Hội thảo, bà Anna Lindstedt - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - cũng phát biểu: “Ba năm trước, khi tôi mới đến Việt Nam thì có cảm nhận dường như tham nhũng là một chủ đề cấm kỵ ở các diễn đàn chính thức. Tuy nhiên, giờ đây mọi chuyện đã khác đi rất nhiều, và chúng ta đang ở đây để bàn luận rất công khai về tình trạng tham nhũng”

Sau đó, trong phát biểu của mình ông Nguyễn Văn Thanh-Viện Trưởng Viện nghiên cứu thanh tra- đã nhắc lại lời của bà Anna Lindstedt như một ghi nhận của quốc tế về nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam, ông Thanh cũng tóm gọn nhận xét chung của các đại biểu dự Hội thảo về Báo cáo kết quả điều tra tham nhũng ở Việt Nam trong ba vấn đề: “Chính thức, lần đầu tiên và định lượng được”.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, đề cập đến tham nhũng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều dùng hai từ “trầm trọng hoặc nghiêm trọng” để miêu tả, còn cảm nhận chung của người dân về tham nhũng cũng không tránh khỏi nhận xét “tình hình xấu hoặc rất xấu”, tuy nhiên lần đầu tiên đã có một kết quả điều tra xác nhận các miêu tả và nhận xét trên bằng các số liệu cụ thể để định lượng được, điều đáng nói hơn là nếu như lâu nay chúng ta thường thấy các tổ chức và cá nhân quốc tế nhận xét về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam thì đây là một báo cáo tham nhũng do một cơ quan chính thức của Đảng tiến hành.

Tại Hội thảo, đa số đại biểu đều thống nhất với báo cáo nêu trên về thực trạng và nguyên nhân của tham nhũng hiện nay ở nước ta, vì vậy nhiều ý kiến đã tập trung vào bàn các giải pháp chống tham nhũng trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua dự án Luật Phòng, chống tham nhũng.

PGS.TS Nguyễn Đình Cử-Thư ký Ban quản lý dự án- nêu lên một mô hình “đánh tham nhũng” mà ông rất tâm huyết: “Từ sự phát hiện của nhân dân, đến việc lên tiếng của báo chí, và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Đó là mô hình chống tham nhũng theo tôi là hiệu quả nhất trong thời gian qua”.

Về giải pháp “Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của cán bộ, công chức” mà Nhóm nghiên cứu đề ra, ông Trần Bá Giao-Phó Thanh tra Bộ GD&ĐT- nêu câu hỏi: “Việc kê khai tài sản cán bộ công chức ít nhiều đã được tiến hành lâu nay, vậy trong quá trình điều tra Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có cơ quan nào xử lý kết quả kê khai tài sản hay chưa?”

PGS.TS Nguyễn Đình Cử trả lời: “Kết quả phỏng vấn sâu nhiều đối tượng khác nhau cho thấy việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên nhìn chung mới thực hiện được bước đầu, mang tính hình thức. Việc kê khai có đúng hay không? Ai thẩm tra? Nguồn gốc tài sản thế nào? Công khai hóa việc kê khai này như thế nào, có hay không, phạm vi công khai, hình thức công khai… còn nhiều lúng túng, đang gây nhiều bức xúc trong dư luận, nhất là với những trường hợp cán bộ giàu lên nhanh chóng”.

Chánh thanh tra Bộ VH-TT Phan An Sa cho rằng: “Chúng ta nên cải tiến đường lối xử lý tội phạm tham nhũng. Cho dù Luật Phòng, chống tham nhũng mới ban hành chế tài tội tham nhũng nghiêm khắc đến đâu, thì chẳng lẽ kẻ tham nhũng làm thiệt hại hàng tỷ đồng của Nhà nước chỉ đưa ra…tử hình là xong, cần có biện pháp để thu hồi số tiền thiệt hại. Nên hướng đến xử lý tham nhũng bằng tiền, vì chung quy tham nhũng cũng vì tiền!”.

Ông Sa nhận định nên có biện pháp hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong xã hội. Còn ông Nguyễn Đình Thắng-Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động- thì chưa thực sự tán thành khi Nhóm nghiên cứu đưa việc nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nội dung quan trọng nhất trong giải pháp đầu tiên, ông Thắng nói: “Trong công tác cán bộ thì giáo dục chính trị là đúng nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn là khâu tuyển chọn, đào tạo, giám sát và kiểm tra cán bộ. Theo tôi cần đề cao giải pháp về trách nhiệm của người đứng đầu”.   

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền-Phó Trưởng ban Nội chính TW, Giám đốc Dự án- nêu mong muốn được nhiều đại biểu đồng tình: “Với thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay, nghiên cứu này cần được tiếp tục…”. 

MỚI - NÓNG