Việt Nam dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Việt Nam dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
TPO - Sau khi Malaysia tuyên bố dừng tìm kiếm máy bay mất tích mang số hiệu MH370 trên Biển Đông, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu khẳng định, phía Việt Nam cũng sẽ dừng tìm kiếm máy bay này trên vùng biển Việt Nam.  

Trước đó, lúc 14 giờ 6 phút, ông Nguyễn Hồng Thao, đại sứ toàn quyền tại Malaysia, đã thông báo kết quả cuộc họp báo của Thủ tướng Malaysia trưa nay (15/3). Theo đó, có 3 nội dung quan trọng: Thủ tướng Malaysia thông báo dừng tìm kiếm ở khu vực biển Đông; máy bay có khả năng thay đổi đường bay và việc thay đổi đường bay này có khả năng do con người can thiệp. 

Người thay đổi đường bay là người có nhiều kinh nghiệm về máy bay Boing 777. Máy bay chuyển về hướng Tây, có thể qua phía sa mạc Kazakhstan. Cho nên hành lang tìm kiếm là từ Malaysia sang Thái Lan về miền Trung Á ở phía sa mạc Kazakhstan, kéo về phía Malaysia.

Thông tin chính thức từ Malaysia

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ  cho biết: "Tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh và nhận được ý kiến: có thể coi đây là thông tin chính thức từ phía Malaysia. Phía Việt Nam sẽ thông báo dừng tìm kiếm tại khu vực Biển Đông, đồng thời chúng tôi cũng sẵn sàng chuẩn bị lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo đề xuất của nước bạn và theo khả năng của chúng tôi".

Lúc 15 giờ, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã chủ trì cuộc họp. Sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo nội dung công việc, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ kết luận: Việt Nam sẽ thông báo cho các lực lượng dừng tìm kiếm. Song lực lượng hiện vẫn đang ở vị trí tìm kiếm để tiếp tục nắm thêm thông tin tình hình, đồng thời thông báo với lực lượng tìm kiếm của các quốc gia có liên quan được cấp phép vào khu vực Việt Nam quản lý để các lực lượng này rút về.

Phía Việt Nam tiếp tục chuẩn bị lực lượng, cơ động về vị trí đóng quân, phối hợp các cơ quan chức năng triển khai nội dung tiếp theo. Lực lượng tìm kiếm của Việt Nam sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nhiệm vụ tìm kiếm trong một tuần vừa qua và báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam làm việc với trách nhiệm cao

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lực lượng dự kiến sẽ tham gia tìm kiếm ở khu vực mới nếu nước bạn có yêu cầu, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay, thông báo về hành lang nhiệm vụ của Malaysia có 2 hướng: từ Malaysia qua Thái Lan tới vùng Kazakhstan và ngược lại; hành lang thứ 2 là Indonesia. Với khả năng của mình, chắc chắn Malaysia sẽ phải nhờ tới lực lượng nước ngoài.

"Chúng tôi xác định với lực lượng vừa mới huy động về trang bị hiện đại, con người có chuyên môn đã có kinh nghiệm thì khi phía bạn có yêu cầu chúng tôi sẽ xem xét. Nhưng chắc chắn là có 2 lực lượng: tàu biển và lực lượng không quân", Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết.

Đánh giá về việc thông tin từ phía Malaysia trong thời gian qua, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho rằng, do lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải tiếp nhận một lượng lớn thông tin nên luôn phải lọc ra thông tin chính xác. 

Ông Tuấn cho rằng Malaysia là nước có “vai chính” trong việc này nên "chúng tôi không có đánh giá Malaysia cung cấp thông tin chậm trễ hoặc không chính xác, khi có thông tin, ngài tùy viên Quốc phòng Malaysia đã thông báo và bàn bạc với chúng tôi".

“Việc chưa tìm thấy chỗ này phải tìm bên cạnh, việc mở rộng vùng tìm kiếm. Có người đánh giá Việt Nam triển khai các mặt trận như thế trong vô vọng song phải trên tinh thần khi nào chúng ta chưa thấy thì chúng ta không được bỏ qua”, trung tướng Tuấn khẳng định.

Về việc đến thời điểm này vẫn còn các phương tiện của nước ngoài hiện diện tại vùng biển Việt Nam, ông Tuấn cho rằng các nước cũng chờ thông tin chính thức từ chính quyền của mình.  Hiện có máy bay và tàu của Trung Quốc, máy bay của Singapore, tàu của Hoa Kỳ.

Chưa đánh giá tiêu hao

Với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng tìm kiếm đầu tiên, quy mô lực lượng tìm kiếm có thể nói là lớn nhất tham gia: 11 máy bay và 7 tàu cùng lực lượng trên bộ của các quân khu như 5,7,9 và lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, nhân dân địa phương, tất cả tàu thuyền đánh cá trên khu vực biển. Phạm vi ban đầu ở 40.000 km2 song lần 2 đã mở ra trên 87.000 km và mở rộng ra toàn bộ vùng biển khu vực thuộc phía Việt Nam quản lý.

"Số lượng máy bay tham gia là 11 chiếc các chủng loại khác nhau có 55 lần chuyến; còn tàu đã tìm kiếm trên diện tích trên 100.000 km2 trên biển. Hiện vẫn chưa tổng kết về tiêu hao song việc chúng tôi tham gia không kể đến chi phí bao nhiêu mà tập trung vào việc tìm kiếm máy bay mất tích", Trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay. 

MỚI - NÓNG