Viết nhân ngày 30/4 - Kỳ 3: Chuẩn tướng Hạnh điều binh khiển tướng

Từ phải qua: Ông Vũ Văn Mẫu, ông Dương Văn Minh và ông Nguyễn Hữu Hạnh trong ngày 30/4. Ảnh: TL.
Từ phải qua: Ông Vũ Văn Mẫu, ông Dương Văn Minh và ông Nguyễn Hữu Hạnh trong ngày 30/4. Ảnh: TL.
TP - Ngày 28/4, ông Nguyễn Hữu Hạnh từ Cần Thơ lên Sài Gòn. 15h cùng ngày, ông Minh nhậm chức Tổng thống. 17h cùng ngày, 5 máy bay A37 do Nguyễn Thành Trung, người của ta gài vào lực lượng không quân địch, dẫn phi đội (do ta chiếm được), từ sân bay Thành Sơn, Phan Rang cất cánh đánh sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay vận tải quân sự C47, 3 máy bay ACT19. Hai trái bom nổ giữa trung tâm điều khiển và đài kiểm soát không lưu.

6h30 Chủ nhật 29/4 ông Hạnh đến gặp ông Minh ở nhà riêng, nhưng chưa được gặp ngay vì ông Minh còn gặp đại sứ Pháp nghe thông tin, họ đã liên hệ với nước lớn thứ 3 can thiệp để cứu miền Nam không rơi vào tay Cộng sản. Ông Minh từ chối: Đã từng làm tay sai cho Pháp, cho Mỹ. Không thể tiếp tục làm tay sai cho họ.

Ông Minh thống nhất với ông Nguyễn Văn Huyền (phó Tổng thống), ông Vũ Văn Mẫu (thủ tướng) đặt vấn đề với đại sứ Mỹ, đề nghị phái bộ quân sự rút trong 24 giờ để mình thương thuyết với cộng sản dừng chân trước Sài Gòn.

Gặp lại ông Hạnh, người học trò, người em, người bạn vong niên suốt từ thời ông Hạnh còn là lính văn phòng cho thiếu úy Dương Văn Minh trong quân đội Pháp. Năm 1962, nhờ ông Minh can thiệp ông Hạnh mới được đi Mỹ tu nghiệp về quân sự lần thứ 2. Cả hai thầy trò lại thân Pháp, không thân Mỹ.

Ấy là chưa kể, thầy đã được em ruột tác động bày nhiều nước cờ không làm hại đối phương. Còn trò thì từ năm 1964 đã được bác Tám Vô Tư (tức Nguyễn Tấn Thành, huyện ủy viên) cùng quê, “ngắm” tạo mọi điều kiện để ông được về chịu tang tía ruột. Lúc đó ông đã là tham mưu trưởng quân khu 4, quân đoàn 4. Bác Tám Vô Tư đã kéo anh ngả theo ta.

Ông Minh giao cho Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng tham mưu trưởng, nguyên Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm phụ tá. Họ cùng đến ngay trụ sở. Nhưng chợt nhận ra mình đang mặc thường phục (vì đã ra khỏi quân đội), bí quá, ông Lộc bảo một viên đại úy cùng khổ người ông Hạnh đi qua đấy cởi quân phục cho ông Hạnh thay.

Ông Hạnh chỉ còn việc tháo biển ghi tên cũ đi, cũng không có biển tên mình gắn vào. Và cũng không biết làm thế nào ông Lộc kiếm đâu ra một đôi lon chuẩn tướng, bỏ lon đại úy ra gắn vào. Cứ thế đầu không mũ quân đội, chân vẫn đôi giày dân sự, hai người lên xe. Ông Vĩnh Lộc trực tiếp dẫn đưa ông Hạnh đến Bộ Tổng tham mưu.

Văn phòng đã được thông báo nên khi hai người đến nơi, ông Lộc thông báo trên rađio việc bổ nhiệm ông Hạnh làm phụ tá của mình cho tất cả các cơ quan trong Bộ Tổng tham mưu, các tư lệnh quân khu, quân đoàn, lữ đoàn, binh chủng.

13h Chủ nhật  29/4, ông Hạnh ngồi vào ghế chỉ huy. Từng là trưởng phòng 2 (tình báo) Bộ Tư lệnh hành quân, từng đi Mỹ học tình báo chiến thuật, chiến lược, phản gián và lật đổ, được quyền dùng bất kỳ thủ đoạn nào, miễn là đạt được mục đích, được chi tiền không hạn chế.

Lại từng là Phó giám đốc Đại học Võ bị Đà Lạt nên ông Hạnh có cái nhìn bao quát cục diện chiến trường. Nắm được ý đồ của ông Minh là không chống cự. Lại được chỉ đạo của Ban Binh vận qua Tám Vô Tư nên ông Hạnh điều binh khiển tướng theo ý mình.

Biết trung tướng Nguyễn Văn Toàn tư lệnh quân đoàn 3 ở Biên Hòa vẫn còn 3 sư thiện chiến và nhiều lữ đoàn phối hợp. Trước đó, ông ta đã từng đề nghị đại tướng Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng (khi ông Minh chưa làm Tổng thống, ông Lộc chưa làm Tổng tham mưu trưởng), yêu cầu cho máy bay chiến lược B52 chặn quân ta trước cửa ngõ Sài Gòn.

Giờ, ông Toàn không còn hung hăng nữa mà xin được chuyển Bộ chỉ huy nhẹ của mình về căn cứ thiết giáp ở Gò Vấp (gần sân bay Tân Sơn Nhất). Đề xuất này rất có lợi cho tình hình vì Bộ chỉ huy nhẹ đi thì Bộ chỉ huy nặng còn tinh thần đâu mà đánh đấm. Ông Hạnh không chấp thuận ngay mà lấp lửng sẽ trình lên ông Lộc, nếu chiều nay (29/4) không có trả lời thì cứ làm.

Sự thật là ông không báo cáo. Ông Lộc (họ xa với Bảo Đại (Vĩnh Thụy) nên cũng thân Pháp hơn thân Mỹ) là người cùng cánh với ông Hạnh, nhưng không hề biết sứ mệnh bí mật của ông Hạnh là làm mọi việc để hạn chế tối đa sự kháng cự (nếu có) của quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và thúc đẩy ông Minh buông súng.

Thế nên tối 29/4, khi Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, do chiến tích cố thủ ở Xuân Lộc (cửa ngõ Sài Gòn) được phong Thiếu tướng tại trận, xin cho sư đoàn mình rút về bên này sông Đồng Nai để… cố thủ. Ông chấp nhận ngay, chứ không xin ý kiến ông Lộc. Ông đọc được ý đồ của ông ta cũng như ông Toàn, co cụm về Sài Gòn, tiếng là để cố thủ nhưng thực ra là để dễ bề chuồn ra nước ngoài nhanh nhất.

Nhưng khi Đảo đề nghị phá sập cầu Đồng Nai thì ông Hạnh giật mình! Ông vội lệnh: chưa được phép phá cầu. Quân ta còn cơ động, có thể còn phản công nữa chứ. Khi cần thiết, sẽ cho không quân ném bom. Đề phòng có đơn vị nào tự ý phá cầu mà không báo cáo, ông lệnh cho Trung tâm hành quân truyền đạt lệnh Bộ Tổng tham mưu cấm phá bất cứ cầu nào.

Tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh quân đoàn 4, một trong ít tướng lì lợm, lực lượng vẫn chưa bị sứt mẻ được ông Hạnh lệnh ở nguyên vị trí chờ lệnh. Tướng Lâm Văn Phát tư lệnh mới của Biệt khu Thủ đô đã lập xong kế hoạch phản công của Sài Gòn. Có con mắt quân sự, giờ là lúc được điều binh khiển tướng toàn quân lực còn lại của VNCH, ông tìm cách rải lực lượng chúng ra.

Nghĩ thế, ông lệnh bộ chỉ huy quân cảnh, yêu cầu tung hết lực lượng, tổ chức thành từng nhóm, từng tiểu đoàn ở chốt chặn, kiểm soát mọi ngã ba ngã tư. Tướng Phát muốn điều quân chốt ở Bà Quẹo để chặn quân ta, ông không chấp nhận, viện cớ Tổng thống không cho phép điều động quân vì lộ ý đồ chống đối, ảnh hưởng tới thương thuyết với cộng sản…

21h20’ ngày 29/4, Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay chạy trốn.

Thất bại thảm hại không còn lối thoát, tướng Phạm Văn Phú (kẻ để mất Buôn Ma Thuột) và Tư lệnh hải quân Diệp Quang Thủy tự sát. 8h ngày 30/4 ông Lộc cũng lên máy bay chạy nốt. Ông Hạnh và tướng Nguyễn Hữu Có dồn ông Minh vào chân tường với những đề nghị: Tình hình này, Tổng thống cần quyết định ngay, trì hoãn chỉ có hại! Về quân sự thì không thể làm gì được nữa rồi. Còn về chính trị thì…

Viết nhân ngày 30/4 - Kỳ 3: Chuẩn tướng Hạnh điều binh khiển tướng ảnh 1 Ông Nguyễn Hữu Hạnh trước ngày 30/4. Ảnh: TL.

Ông Minh hội ý với hai ông Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu thống nhất tự nguyện đơn phương bàn giao toàn bộ chính quyền cho đối phương. Ông Mẫu được giao soạn thảo văn bản. 9h, ông Minh đọc vào máy ghi âm:… Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng hòa ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó. Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh đổ máu vô ích cho đồng bào…

Đọc xong, ông Minh nói: Mọi việc coi như đã xong. Bây giờ ai muốn đi hay ở thì tùy.

Ông Hạnh gọi điện ngay cho Nguyễn Khoa Nam: Tổng thống sắp ra tuyên bố quan trọng. Anh nghe đài và chấp hành lệnh Tổng thống.

Ngay sau đó ông Nam tự sát.

9h30 ngày 30/4 tuyên bố của ông Minh phát trên Đài Sài Gòn. Một số người về nhà hay đi không rõ nhưng cả nội các sang ngồi ở Dinh Độc Lập. Không ai nói với ai câu gì. Dù tâm trạng đều rối bời, ngổn ngang nhưng ai cũng thấy nhẹ người. Việc cần làm, phải làm đã làm.

Giờ chỉ còn chờ bên kia tràn vào.

Rồi chuyện ấy cũng đến lúc 11h 30 thứ Hai, 30/4/1975. Đẹp như mơ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng một số sinh viên của Thành đoàn Sài Gòn đến đài phát thanh hồ hởi vui mừng hát chay Nối vòng tay lớn. Vậy là nhiệm kỳ tổng thống lần này của ông Dương Văn Minh vỏn vẹn chưa đến 3 ngày. Nhưng là ba ngày có ý nghĩa và hữu ích trong gần 30 năm binh nghiệp của mình.

Nếu không có ba người chủ chốt trong lực lượng VNCH ngày 29/4 ấy?

Và nếu không có bộ óc thông minh sáng tạo ra cách đánh riêng của ta? Việc tổ chức được một bộ máy điều hành, và hàng triệu người trong hệ điều hành ấy từ Trung ương, Trung ương Cục đến Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (các ban: Binh vận, Trí vận, Giáo vận, Tôn giáo vận, Tư sản vận, Hoa (Kiều) vận…) trong suốt 20 năm ở cả nước, ở miền Nam đã phát huy hiệu quả và sức mạnh vĩ đại. Sách lược, chiến lược và cả chiến thuật đó đã thành kinh nghiệm cho mọi cuộc chiến trên thế giới…

Nếu không có hai chữ Nếu ấy thì… Vẫn có ngày 30/4. Nhưng ngày 30 tháng 4 ấy sẽ khác. Không nhiều thì ít cũng đổ máuđổ nát. Sài Gòn thân yêu của cả nước sẽ không còn nguyên vẹn: Những hàng me xanh tươi lả tả, li ti lá rắc trên đường, trên vạt áo dài thiếu nữ.

Chắc gì vẫn còn những ngôi trường trăm tuổi? Chắc gì còn những nhà thờ Đức Bà, chùa Vĩnh Nghiêm… vẫn vọng tiếng chuông ngân, rì rầm tiếng cầu kinh? Các cụm công nghiệp hiện đại Đông Nam Á với đội ngũ công nhân, kỹ sư lành nghề hàng đầu ASEAN, chắc gì sẽ sản xuất được ngay?

Chắc gì hàng chục trường đại học và hệ thống giáo dục cả thầy và trò đã lên lớp được? Những con kênh Bến Nghé, Tàu Hủ… qua cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y… tàu, ghe bầu đầy ắp thóc, gạo, cây trái đậu kín hai bờ chắc gì nước xanh không pha máu đỏ?

Cả thành phố và người thành phố vẫn vẹn nguyên, không đổ nát, đổ máu và cũng không có tắm máu như đồn thổi, hù dọa trước đó...

(Còn nữa)

9h30 ngày 30/4 tuyên bố của ông Minh phát trên Đài Sài Gòn. Một số người về nhà hay đi không rõ nhưng cả nội các sang ngồi ở Dinh Độc Lập. Không ai nói với ai câu gì. Dù tâm trạng đều rối bời, ngổn ngang nhưng ai cũng thấy nhẹ người. Việc cần làm, phải làm đã làm.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.