Vụ Vietnam Airlines có thể thiệt hại 17 tỷ đồng do hỏng máy bay:

Vietnam Airlines đuối lý!

Vietnam Airlines đuối lý!
TP - Theo ông Trần Minh Đức - Tổng GĐ Tổng Cty Cổ phần bảo hiểm Bảo Minh, VNA chưa đưa ra được bằng chứng pháp lý liên quan đến vấn đề động cơ bị xâm nhập. Bảo Minh đã đóng hồ sơ tổn thất từ cuối 2005. Thời gian qua, có lẽ VNA đã đuối lý nên chưa có phản hồi gì.

Chiếc máy bay thuê trước khi trao trả đã được kiểm tra kỹ ở Đài Loan và không phát hiện sự cố gì nhưng khi sang tới Hoa Kỳ, đối tác phát hiện động cơ bị trục trặc.

Cty Bảo Minh đã quyết định từ chối bảo hiểm vì Vietnam Airlines (VNA) không đủ cơ sở pháp lý. VNA khiến Nhà nước có thể bị thiệt hại đến 17 tỷ đồng.

Nhiều trục trặc kỹ thuật trên các máy bay của VNA đã được phát hiện thời gian qua.

Tháng 5/2005, chuyến bay số hiệu 830 về đến Nội Bài đã được phát hiện có lỗ thủng trên thân máy bay ngay phía trên cửa hành khách, và người ta không biết lỗ thủng này có từ bao giờ.

Một chuyến bay khác của máy bay ATR72 từ Phú Quốc về TP.HCM đã bị… tắt vì hết nhiên liệu, nguyên nhân vì đồng hồ đo nhiên liệu bị hỏng nên không rõ lượng nhiên liệu, máy bay phải dùng một động cơ khác.

Rồi chuyện một con ốc văng vào miệng động cơ trên chuyến bay A320 tháng 7/2005, khiến động cơ máy bay bị hỏng nhiều lá cánh quạt…

Đó là sự cố động cơ máy bay Boeing 767 được phát hiện trước khi trả máy bay cho Assett Worldwide (AWAS) tại Hoa Kỳ.

Các lá chắn kỹ thuật trong động cơ máy bay bị cong, mạt nhôm rơi ra từ các thiết bị HPC (lá máy nén cao áp tầng 1) và IGVs (lá hướng dòng). Các lá bị cong đã tác động mạnh vào IGVs.

Sự cố này khiến cho phía đối tác từ chối tiếp nhận máy bay từ VNA.

Khi ấy, VNA mới giám định kỹ thuật các sự cố và gửi văn bản cho bảo hiểm Bảo Minh với kết quả: Máy bay bị ngoại vật xâm nhập động cơ (thuật ngữ chuyên môn gọi là FOD) trong chuyến bay cuối cùng, chặng Đài Loan-Hoa Kỳ.

Có ý kiến cho rằng, trước chuyến bay chuyển sân, các tài liệu kỹ thuật chứng tỏ không có bất cứ dấu hiệu nào động cơ bị ngoại vật xâm nhập. Hơn nữa, số liệu giải mã hộp đen cho thấy, trong chuyến bay Đài Loan-Hoa Kỳ có một cao điểm độ rung của động cơ.

Trước yêu cầu bảo hiểm của VNA (ước tính khoảng 1,1 triệu USD tương đương 17 tỷ đồng), Bảo Minh kiên quyết từ chối.

Trao đổi với Tiền phong chiều 21/6, ông Trần Minh Đức - Tổng GĐ Tổng Cty Cổ phần bảo hiểm Bảo Minh khẳng định:

Bảo hiểm chỉ mở rộng với sự cố do ngoại vật tác động vào như chim hay đất, đá,… va vào làm hỏng động cơ. Và trong trường hợp này, máy bay phải đỗ xuống sân bay gần nhất, báo cáo ngay sự cố cho các bên liên quan (để xác định thời điểm-PV).

Thế nhưng, trong trường hợp này, VNA không nhận biết được thời điểm xảy ra sự cố. 

Hai bên đã tiến hành rất nhiều cuộc đàm phán nhưng VNA vẫn chưa đưa ra được những bằng chứng pháp lý liên quan đến vấn đề động cơ bị xâm nhập. Bảo Minh đã đóng hồ sơ tổn thất  từ cuối năm 2005. Thời gian qua, có lẽ VNA đã đuối lý nên chưa có phản hồi gì”.

Theo nguồn tin riêng của Tiền phong, mỗi năm VNA mất khoảng từ 15-16 triệu USD chi phí các loại bảo hiểm cho cả đội bay.

Còn theo các chuyên gia hàng không, sự cố kiểu này khó lường nhưng vẫn có thể tránh được nếu như VNA chọn địa điểm thích hợp (chứ không phải xa tận… Hoa Kỳ) để trả máy bay.

Cuối chiều ngày 21/6, một lãnh đạo VNA cho biết, VNA đang giao cho bộ phận  kỹ thuật làm bản giải trình để gửi cho một số tờ báo quan tâm đến vụ việc. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.