Vịt cỏ Vân Đình mùa dịch cúm

Vịt cỏ Vân Đình mùa dịch cúm
(TPO) Chúng tôi xuôi 50km từ Hà Nội về Vân Đình, ngôi làng nổi tiếng với giống vịt cỏ, đúng hôm miền Bắc đột ngột mưa rét tê tái. Dẫu đang vào “vụ” cúm gia cầm, thực đơn vịt không vì thế mà bớt phong phú.

Dọc hai bên đường, các chủ quán ra sức mời chào bằng cách kê chậu than ngay mép vỉa hè, hua hua kẹp vịt nướng nguyên con thơm phưng phức làm khách đi đường phát thèm. Không ít người tấp xe vào ăn…

Bà chủ quán chừng 60 tuổi đọc vach vách các món cho khách lựa chọn: Vịt nướng, vịt luộc, cháo vịt, bún vịt, miến vịt… “Chén vịt Vân Đình chính cống mà không ăn tiết canh thì hoài của”, miệng nói tay rắc lạc vào bát tiết, thoắt cái chủ quán đã bê ra mấy cái bát đỏ chói. Đầu hè, cậu choai choai nướng vừa xong con vịt đang vung dao chặt chan chát, đợi khách ăn xong tiết canh “khai vị” là mang vào.

Hầu hết các quán vịt ở đây đều trương biển thông báo có tiết canh, trong khi Hà Nội có vẻ đã kín đáo hơn khi nhiều quán chỉ mang ra nếu khách hỏi. Bà chủ quán cho biết gần 1 tháng trở lại đây việc buôn bán khá ế ẩm do thực khách lo ngại dịch cúm không ăn. Số người ăn tiết ngan thời gian gần đây cũng giảm nhiều mà không biết lý do vì sao.

Vịt cỏ Vân Đình mùa dịch cúm ảnh 1

Anh Nghiêm Văn Dân: "Nhà tôi sắp phá sản vì vịt". Ảnh : TPO

“Hàng họ ế ẩm, nhà hàng cũng hạ giá nhưng người đến ăn vẫn ngày một ít đi. Chúng tôi buôn bán thua lỗ thế nhưng cũng chẳng đáng là bao so với những người dân trong thông kia kìa. Không tin các anh chị vào đó mà xem”-Bà chủ quán chắc nịch

Rời Vân Đình, chúng tôi tới thôn Trạch Xá (xã Hoà Lâm, Ứng Hoà, Hà Tây) cách đó chừng 500m, vốn là nguồn cung cấp vịt chủ yếu cho Vân Đình. Mới chớm vào làng đã nghe tiếng vịt kêu quàng quạc. Hàng đàn vịt lớn bơi rào rào trong các mương lớn ven đường. Thi thoảng có chiếc xe máy thồ những chiếc lồng lớn chất đầy vịt phóng về hướng Hà Nội.

Giầu vì vịt, tan gia bại sản cũng vì…vịt

Chúng tôi rẽ vào nhà anh Nghiêm Văn Dân, người có thâm niên gần 20 năm nuôi vịt và hiện là chủ nuôi vịt giống lớn nhất Trạch Xá. Căn nhà mái ngói nhỏ trống hua hoác. Ngoài hiên 3 đứa trẻ gầy nhom, đen đúa nằm bò ra đất học, viết bài.

Tiếp chúng tôi với vẻ mặt hằn vết đau khổ, suy tư, anh Dân cho biết năm ngoái gia đình anh nuôi gần 2.000 con vịt thịt. Trận dịch cuối năm khiến gia đình anh điêu đứng. Đầu năm nay bán hết số vịt tồn với giá rẻ, gom gót toàn bộ vốn liếng và đi vay ngân hàng được 100 triệu đồng vợ chồng anh chuyển sang nuôi 500 con vịt, ngan đẻ. Mỗi con vịt giống anh phải mua tới 120.000 đồng.

Dịch cúm khiến vịt rớt giá thảm hại, anh Dân nằm trùm chăn ngủ cả ngày. “Các đây nửa tháng trước dịch vịt bán 15.000 đồng/kg, ngan 20.000 đồng/kg nay vịt chỉ còn 10.000 đồng/kg, ngan 12.000 đồng/kg. Đến ngày hôm nay giá vịt chỉ còn 8.000 đồng/kg. Chúng tôi sắp chết vì phá sản rồi”- Chị vợ anh Dân nghẹn ngào.

“Chỉ tính sơ sơ mỗi ngày gia đình chi phí gần 500.000 đồng tiền thức ăn cho đàn ngan, vịt giống. Mấy hôm nay vợ tôi phải mang vịt ra chợ cách đây gần 20 km để bán nhưng cũng chả bán được là bao. Hiện nay gia đình chúng tôi đã phải đi vay lãi bên ngoài (3 phân/tháng) để trả tiền lãi ngân hàng và mua thức ăn cho đàn ngan, vịt. Từ một tuần nay rồi, cả nhà tôi ăn thịt vịt, trứng vịt thay cơm! Lắm lúc vừa nằm vừa nghĩ ức phát khóc. Nguy cơ phá sản vì nợ nần cứ hiển hiện trong cả giấc ngủ của gia đình”- anh Dân rơm rớm nước mắt.

Cùng cảnh ngộ với anh Dân, anh Tiến, chủ một đàn tám trăm vịt, ngan, trỏ cái lều tạm bợ có lũ ngan đang xúm xít rỉa lông rỉa cánh xung quanh, bảo, đấy là chỗ anh vẫn ngủ buổi tối để trông đàn gia cầm. Vịt béo tròn đến kỳ xuất chuồng (từ 1,7 kg đến 2kg) mà ít người mua. Tính bình quân mỗi ngày anh phải bỏ tới hơn 400.000 đồng để mua thóc, thức ăn cho đàn vịt, ngan. Đêm anh Tiến ngủ trong lều, nghe tiếng vịt vỗ cánh bành bạch ngay mép vách mà sốt cả ruột.

“Trước đây mỗi đợt xuất chuồng đàn ngan vịt cũng mang lại cho gia đình một khoản tiền tương đối. Nay nếu bán bớt được ít ngan vịt nào là chúng tôi nhẹ gánh từng đấy”- Anh Tiến cay đắng. Theo tìm hiểu của chúng tôi không chỉ có gia đình các anh Dân, anh Tiến mà còn nhiều hộ chăn nuôi gia cầm của thôn Trạch Xá và xã Hoà Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch cúm mang lại.

Vịt cỏ Vân Đình mùa dịch cúm ảnh 2
Một con vịt chết bên bờ mương tại thôn Trạch Xá, xã Hoà Lâm, Ứng Hoà, Hà Tây. Ảnh chụp lúc 16h chiều 29/10. (Ảnh TPO)

Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Lê Hùng Mạnh, Bí thư Đoàn xã kiêm cán bộ thú y của thôn cho biết đang chuẩn bị tiêm vaccine cho gia cầm trong thôn. Cả thảy có 14 đàn gia cầm lớn thuộc diện tiêm phòng nhưng dân trong thôn chỉ đăng ký tiêm 2 đàn.

Anh Minh than phiền xã không có những quy định cụ thể bắt buộc người chăn nuôi phải tiêm cho gia cầm nên rất nhiều hộ viện lý do vịt sắp đẻ hoặc sắp xuất chuồng để “trốn” tiêm. Đã vậy, thời gian từ khi thống kê số lượng gia cầm tới khi vaccine về tới thôn cách nhau tới hai tháng. “Đến lúc tiêm (3/11 – PV) có khi gà vịt các địa phương khác cũng bị thả nổi. Cho đến nay thôn chưa cấp một giấy kiểm dịch nào. “Chúng tôi cũng rất lo lắng về vấn đề dịch bệnh trong các đàn gia cầm”-Anh Mạnh nói.

Mùa dịch trước, hồi đầu năm 2005, đích thân anh Mạnh phải đi vớt và chôn 8 bao tải vịt chết từ địa phương nào trôi dạt về thôn anh. “Đấy là vịt chết bệnh ở chỗ nào chứ ở thôn này ba năm rồi không dính dịch. Nếu có vịt chết thì cũng chỉ chết lẻ tẻ vài ba con do mắc bệnh tiêu chảy, tụ huyết cầu chứ không phải cúm”, anh Mạnh khẳng định. Cách kiểm tra thường bằng mắt chứ không có dụng cụ xét nghiệm nào. Những con gà, con vịt chết này được gia chủ vặt lông giết thịt ăn như thường.

Dọc đường vào nhà anh Mạnh, chúng tôi tình cờ gặp một xác vịt chết chỏng chơ nằm sát bờ mương. Cạnh đó, đàn vịt nhà ai vẫn phởn phơ rỉa lông rỉa cánh sau khi lặn ngụp no nê trên con mương của làng. Chừng nửa tiếng sau trên đường quay ra, cái xác vịt đã không còn ở đó. Không biết người ta đem nó đi chôn, giết thịt, hay bán rẻ cho quán vịt Vân Đình, rồi nhoáng cái đã biến thành món vịt nướng chín vàng thơm phức cho những thực khách qua đường “dằn bụng” qua cơn đói?

Con đường về dường như dài hơn. Dù không nói ra nhưng chúng tôi đều hiểu rằng “cơn đau” mà người dân xã Hoà Lâm đang phải hứng chịu do dịch cúm còn lớn hơn nhiều. Không biết, trước khi họ đánh những "canh bạc lớn" với thứ thủy cầm đầy bất trắc này hồi đầu năm, có cấp nào cảnh báo cho họ biết không ?

MỚI - NÓNG