Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân:

V-KIST chỉ được hưởng ưu đãi những năm đầu

Các cơ chế, chính sách mới trong nghiên cứu khoa học sẽ được thí điểm ở V-Kist. Ảnh: Ngọc Châu
Các cơ chế, chính sách mới trong nghiên cứu khoa học sẽ được thí điểm ở V-Kist. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Chia sẻ về những ưu đãi chưa từng có tiền lệ mà Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) sẽ nhận được, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, những ưu đãi này chỉ kéo dài trong 5 năm đầu V-KIST hoạt động.

Nơi thí điểm những chính sách mới

Thưa Bộ trưởng, V-KIST được hưởng hàng loạt ưu đãi chưa từng có trong tiền lệ một viện nghiên cứu ở Việt Nam như lương khủng, quyền tự chủ cao nhất, được miễn các loại thuế phí, tại sao lại có sự ưu ái như vậy?

Phải nói rằng, nếu như không có cơ chế đặc biệt ưu đãi và giao quyền tự chủ cao nhất cho một tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) thì tổ chức ấy không thể phát triển tốt và thành công được. Vì thế cách đây gần 10 năm, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 115 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.

Tuy nhiên, Nghị định này chưa thực sự đi vào cuộc sống vì nhiều rào cản từ hệ thống cơ chế chính sách khác của Chính phủ cũng như tâm lý bao cấp còn nặng trong đội ngũ quản lý các tổ chức KH&CN. 

Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc sẽ được trao quyền tự chủ cao nhất và chính sách ưu đãi đặc biệt bởi chúng tôi coi V-KIST là nơi thí điểm các cơ chế, chính sách mới. Chúng tôi muốn xây dựng một viện nghiên cứu với tư duy quản lý hoàn toàn mới theo nề nếp và phương thức quản lý của các nước phát triển. Tuy nhiên, sự ưu đãi này chỉ kéo dài trong 5 năm đầu hoạt động của viện.

Khi những cơ chế mới áp dụng ở V-KIST phát huy hiệu quả chúng tôi sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ biến những cơ chế ưu đãi đặc biệt thành những cơ chế đại trà để toàn bộ các tổ chức KH&CN ở Việt Nam sẽ được hưởng. Qua đó có thể phát huy tối đa hoạt động KH&CN cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội. 

Nhưng thưa Bộ trưởng, cách đây hơn 10 năm, khi đầu tư thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm, chúng ta cũng kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho nền KH&CN Việt Nam. Thế nhưng thực tế sự đầu tư này thất bại? Chúng ta có thể rút ra bài học cho dự án V-KIST?

Tôi nghĩ dùng từ thất bại thì hơi nặng. Chúng ta đã không thành công vì nhiều lý do như khâu chuẩn bị chưa tốt, chúng ta học tập kinh nghiệm của một số nước nhưng học không đến nơi đến chốn. Tổng đầu tư cho hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm vượt quá 1.000 tỷ đồng ở thời điểm năm 2002 với mỗi phòng thí nghiệm được đầu tư 5-7 triệu USD, có nơi hơn 10 triệu USD.

Tuy nhiên ở thời điểm này, phòng thí nghiệm đó cũng không khác gì phòng thí nghiệm thông thường của các trường đại học, viện nghiên cứu, thậm chí không bằng. Điều đó nói lên những cơ chế, chính sách của chúng ta chưa bám sát vào thực tiễn của đất nước. Thứ nữa là các cơ quan chủ trì vẫn nặng tư tưởng của hệ thống cũ, không mạnh dạn và không dám thực hiện các chủ trương đổi mới.

V-KIST chỉ được hưởng ưu đãi những năm đầu ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: Nguyễn Hoài

Mời các nhà khoa học Việt kiều về làm việc

Vậy ở V-KIST các yếu tố nào đảm bảo thành công và việc chuẩn bị các yếu tố ấy hiện nay như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đánh giá ba yếu tố tạo nên thành công của viện KIST Hàn Quốc là có Tổng thống đỡ đầu, có một đạo luật riêng và có một đội ngũ các nhà khoa học từ các quốc gia phát triển trở về. 

Viện V-KIST của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ. Sau này nếu thành lập ban chỉ đạo dự án thì Thủ tướng đã nhận lời mời làm trưởng ban. 

Về một nghị quyết riêng cho V-KIST, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng và Quốc hội. Quốc hội đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ có một đạo luật dưới dạng một nghị quyết của Quốc hội nhưng không áp dụng riêng cho V-KIST mà áp dụng cho các tổ chức khoa học và công nghệ đặc biệt. Trong kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ trình Quốc hội thông qua nghị quyết này.

Với đội ngũ nhân sự, chúng tôi đã thông báo cho các cơ quan đại diện của Bộ KH&CN ở nước ngoài để tìm kiếm, thiết lập một cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng như danh mục một số nhà khoa học nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam và sẵn sàng đóng góp.

Khi V-KIST được thành lập, sẽ có thư mời chính thức một số nhà khoa học Việt kiều và một số nhà khoa học nước ngoài làm việc ở V-KIST giai đoạn đầu. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng, vai trò các nhà khoa học trong nước sẽ được tăng cường và đạt tỷ lệ giữa nhà khoa học Việt kiều và nhà khoa học trong nước là 50-50.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, người soạn thảo đề án V-KIST tránh đụng chạm tới công việc của các viện, trường đang làm nên nêu mục tiêu còn chung chung, nặng tính chủ trương, đường lối và như thế khó có thể tuyển nhân sự cũng như trang thiết bị, ông đánh giá như nào về ý kiến này?

Nếu bạn nói cơ chế còn chung chung thì đó là hậu quả của các bộ, ngành có tác động phức tạp khi xây dựng dự án này. Chúng tôi muốn rất cụ thể nhưng ngay cái tên của dự án đã là cái tên chung rồi, tên nghị quyết mà chúng tôi trình Quốc hội là nghị quyết dành riêng cho V-KIST thì bây giờ đã trở thành nghị quyết cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt ở Việt Nam. Điều đó cho thấy nếu chúng ta thực sự muốn làm thì chúng ta phải rất quyết liệt.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.