Vợ đốt chồng do động cơ sống?

Vợ đốt chồng do động cơ sống?
Từ việc vợ nhà báo Hoàng Hùng đốt chồng và nhiều vụ án gia đình khác, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, nguyên nhân sâu xa do động cơ sống. "Khi con người quay cuồng, đảo điên với hàng loạt các vấn đề về sự hưởng thụ, ích kỷ, họ có thể trở nên toan tính, lạnh lùng hơn và dễ tạo nên những tội ác".

> Hai con nhà báo Hoàng Hùng được bảo vệ
> Diễn biến vụ nhà báo bị đốt

Bà Trần Thúy Liễu trước khi thú nhận giết chồng. Nguồn: Internet
Bà Trần Thúy Liễu trước khi thú nhận giết chồng. Nguồn: Internet.

Thưa ông, đã xảy ra không ít vụ mà những người trong gia đình sát hại nhau, gần đây nhất là vụ nhà báo Hoàng Hùng bị chính vợ mình đốt chết. Ông nhận xét gì về điều này?

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng, câu chuyện vợ chồng giết nhau xuất phát từ những mẫu thuẫn, xung đột về tình ái như ghen tuông, cả giận mất khôn… tuy không phải bình thường hóa nhưng có thể nói nó khá đời thường. Tuy nhiên, chuyện vợ chồng giết nhau xuất phát từ những động cơ kinh tế hay tính toán đê hèn khác thì có thể xem như không nhiều.

Những sự kiện đại loại như vậy cho thấy, mái ấm gia đình, thiết chế gia đình đang bị phá vỡ bởi những thành viên chủ chốt trong lòng nó khi người ta không có được tính hướng thiện, những hành xử lành mạnh.

Đó là sự suy giảm đạo đức, chà đạp lên luân thường đạo lý. Đây không chỉ là sự đứt gãy, lệch chuẩn trong việc theo đuổi các giá trị của đời sống khi người ta kiếm tìm những giá trị khác cơ học hơn, kém nhân văn và trở nên “máu lạnh”.

Riêng câu chuyện của nhà báo Hoàng Hùng và vợ là bà Trần Thị Thúy Liễu, khi sự việc càng rõ bao nhiêu thì người ta càng thấy nó lạnh lùng, trần trụi và đau lòng bấy nhiêu. Người vợ trong trường hợp này bị quay cuồng, kéo giật bởi những toan tính, thù lợi để rồi trượt dài về lối sống và nhân cách, đã chọn hy sinh mối quan hệ vợ chồng trong tổ ấm với những đứa con chuẩn bị bước vào đời.

Nhắc đến hai người con của nhà báo Hoàng Hùng, hiện chúng phải đối diện với một sự thực đau lòng không dễ vượt qua. Theo ông, từ phía gia đình, nhà trường và xã hội nên có biện pháp gì để hỗ trợ tâm lý cho chúng?

Trong trường hợp này, hai con của nhà báo Hoàng Hùng có thể phải chịu sự dè bỉu, kỳ thị của xã hội… Nỗi đau này không dễ đối diện. Do vậy, tôi nghĩ, phía người thân của hai đứa trẻ nên theo dõi những biến thái trong tâm lý các cháu và động viên theo cách của người phương Đông là giải thích cho chúng hiểu đó cũng chỉ là câu chuyện của “số phận.”

Còn, đối với xã hội, chúng ta có thể giúp cho hai cháu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội hoặc tạm tách chúng khỏi môi trường bị kỳ thị bằng cách đưa lại không gian thân thiện, chia sẻ và cảm thông. Hơn nữa, có thể cho các cháu hiểu chúng phải vượt qua nỗi đau để sống và sửa lỗi cho mẹ mình.

Rõ ràng tội phạm và cái ác đã không trừ cả những gia đình vốn được coi là văn hóa?

"Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa là là những động cơ sống. Khi con người quay cuồng, đảo điên với hàng loạt các vấn đề về sự hưởng thụ, ích kỷ, thì họ có thể trở nên toan tính, lạnh lùng hơn và dễ tạo nên những tội ác" - Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình.

Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, không phải cứ có trình độ học vấn cao thì con người ta chắc chắn sẽ hành xử đúng theo chuẩn mực của cái đẹp theo kiểu “chân, thiện, mỹ”.

Trong những trường hợp con người ta đánh rơi mất đạo lý, không nuôi dưỡng được phần lành mạnh và trong sáng thì tri thức còn trở thành tiếp tay và đồng phạm để giúp cho những “mưu ma chước quỷ”.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của những vụ việc này xuất phát từ đâu?

Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa là là những động cơ sống. Khi con người quay cuồng, đảo điên với hàng loạt các vấn đề về sự hưởng thụ, ích kỷ, thì họ có thể trở nên toan tính, lạnh lùng hơn và dễ tạo nên những tội ác.

Như vậy, đã đến mức báo động về đạo đức lối sống trong các gia đình chưa, thưa ông?

Những gia đình ở Việt Nam vốn dĩ bình lặng, người ta khiêm nhường, ẩn nhẫn và chịu đựng. Con người Việt từng chịu ảnh hưởng sâu sắc đạo lý của Nho giáo. Do vậy, nhiều người dân Việt Nam đã thờ chữ nhẫn, nhẫn nại để tìm cách sống trên cơ sở sự thỏa hiệp nhất định.

Khi họ đã chối bỏ chữ đó để đi đến một văn hóa khác, cơ học và có toan tính, lạnh lùng hơn thì tính nhân văn có phần suy giảm.

Những vụ việc vợ chống, con cái giết hại nhau, diễn ra gần đây có thể thấy “văn hóa gia đình” của người Việt Nam đang phải trải qua những thách thức và đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Theo ông cần phải làm những gì để duy trì được các giá trị tốt đẹp trong gia đình và hạn chế những điều đáng tiếc như các vụ việc trên?

Với sự phân tích ở trên, tôi thấy, cần phải có những việc làm triển khai trên quy mô toàn xã hội. Tuy nhiên, chúng không thể trống giong cờ mở, hay viết ra những bức đại tự để treo phất phơ đầu gió hay căng cờ đèn vào những dịp lễ.

Việc lấy lại những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam nên chuyển thành một sinh hoạt có tính chất thường xuyên và tự nhiên. Các thành viên không chỉ có nghĩa vụ yêu thương nhau mà còn có quyền và trách nhiệm, niềm vui sống vì nhau. Một công cuộc vận động xã hội như vậy phải được triển khai ngay từ mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, cần có các thiết chế giáo dục từ các cấp học.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thiên Linh
Thông Tấn Xã Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG