Vụ “loạn nhà báo rởm”: Mai Xuân Hiển không phải ở báo Thanh Tra

Danh thiếp của Mai Xuân Hiển dùng để lừa đảo
Danh thiếp của Mai Xuân Hiển dùng để lừa đảo
TP - Đó là khẳng định chính thức của báo Thanh Tra trong công văn trả lời Sở Truyền thông và Thông tin (TT&TT) Quảng Bình liên quan đến ông Mai Xuân Hiển, người tự xưng là phóng viên báo Thanh Tra, câu kết với thầy bói lấy gần 50 triệu đồng của gia đình nạn nhân bị hiếp dâm để viết bài mà Tiền Phong đã phản ánh.

Công văn số 578, do Phó Tổng biên tập phụ trách báo Thanh Tra Nguyễn Văn Lương ký ngày 12/11/2014 khẳng định: Báo Thanh Tra không có cán bộ, phóng viên, người lao động nào có tên là Mai Xuân Hiển. Trên thực tế, ông Mai Xuân Hiển đã từng là cộng tác viên với báo Thanh Tra trong lĩnh vực phát hành và làm kinh tế báo chí. Trong quá trình cộng tác, ông Mai Xuân Hiển đã từng gửi bài về tòa soạn và được đăng trên báo Thanh Tra. Đến cuối năm 2013, ông Mai Xuân Hiển có nguyện vọng được về công tác tại báo Thanh Tra (Văn phòng Đại diện miền Trung- Tây Nguyên), tuy nhiên việc này không được Tổng biên tập xem xét, giải quyết.

  

Bài viết cuối cùng của ông Mai Xuân Hiển trên báo Thanh Tra là vào tháng 5/2014 và từ đó đến nay ông Hiển không có cộng tác gì thêm với báo Thanh Tra. Việc ông Mai Xuân Hiển tự ý in danh thiếp có nội dung liên quan đến báo Thanh Tra để giao dịch là không đúng quy định. Hành vi của ông Hiển (như thông tin của báo chí đã đưa) đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong liên quan loạt bài “Loạn nhà báo rởm” đăng trên Tiền Phong, ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT khẳng định: Loạt bài đã tác động sâu sắc đến công tác quản lý cũng như hoạt động báo chí, đồng thời cảnh báo cho các cơ quan, đơn vị, người dân hiểu thêm về báo chí chân chính để không rơi vào bẫy của những kẻ mạo danh.

Ông Hùng cho biết thêm, những năm qua, để tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn, Sở TT&TT đã mở 9 lớp tập huấn cho cán bộ có trách nhiệm phát ngôn báo chí từ tỉnh về đến xã. Nhiều lớp, Sở còn mời cả người phụ trách báo chí của Bộ TT&TT về truyền đạt các quy định của pháp luật, cũng như cách thức tiếp xúc, quyền và nghĩa vụ của người phát ngôn với báo chí. 

Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ra chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn, trong đó nêu rõ: Khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo phải xuất trình thẻ nhà báo, nếu chưa có thẻ nhà báo thì xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan báo chí và giấy chứng minh nhân dân. Các loại thẻ khác do cơ quan báo chí cấp không có giá trị hành nghề.

Mặc dù đã được tập huấn cũng như quy định chặt chẽ như vậy, nhưng lâu nay khi gặp những người tự xưng là phóng viên, nhà báo không một cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào thông báo cho Sở TT&TT biết để xử lý. Chỉ duy nhất vừa rồi Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình có thông tin về trường hợp ông Mai Xuân Hữu tự xưng ở báo Văn Nghệ Trẻ và Sở đã cử người đến lập biên bản.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí cũng như làm sạch môi trường báo chí, ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Bình mong muốn các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn cần thông tin kịp thời đến Sở TT&TT, khi có trường hợp báo chí sách nhiễu hay tự xưng là người của báo chí để có cơ sở xử lý. Sở cũng đang xin ý kiến UBND tỉnh lập đường dây nóng 24/24 nhận thông tin phản ánh của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến những bất thường trong hoạt động báo chí.


MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.