Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Quá hạn, Bộ Nội vụ vẫn chưa báo cáo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: Trường Phong.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: Trường Phong.
TP - Chiều 31/8, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Nội vụ chưa có báo cáo chính thức về việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, sau khi Tổng Bí thư có chỉ đạo, các cơ quan của Đảng, các cơ quan pháp luật cũng đã vào cuộc hết sức đồng bộ.

Tiền Phong: Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ báo cáo về việc thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh (thời hạn báo cáo là ngày 30/8 – PV). Đến nay Bộ Nội vụ đã báo cáo chưa, việc xác minh, trách nhiệm cũng như lỗ hổng trong vụ việc này là gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tại cuộc họp tháng 7, chúng tôi cũng đã thông báo là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan kiểm tra làm rõ việc thua lỗ tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh. 

Liên quan đến vụ việc thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ việc thuyên chuyển này. Việc này Bộ Nội vụ được giao rà soát toàn bộ quy trình và báo cáo.

Đến nay Bộ Nội vụ chưa có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ quan của Đảng, các cơ quan pháp luật cũng đã vào cuộc hết sức đồng bộ và việc chỉ đạo của Tổng Bí thư là quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng, đó là kiên quyết chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống lợi ích nhóm ngay cả trong bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, cũng như lợi dụng trong việc sử dụng tài sản, tiền của của nhân dân. 

Đây là quyết tâm chính trị rất cao và tạo ra sự chuyển động của cả hệ thống, cả cơ quan lập pháp, hành pháp. Từ đó giao cho các bộ tiếp tục rà soát, xem xét lại tất cả các dự án của Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam. Sau này có thông tin chính thức, báo cáo chính thức từ Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng thì VPCP sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí.

Tuổi trẻ TP HCM: Chính phủ đánh giá như thế nào về vụ việc giết người nghiêm trọng xảy ra ở Yên Bái vừa qua, công tác điều tra đã tiến hành như thế nào và đã xác định được nguyên nhân chưa?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Sau khi sự việc nghiêm trọng xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến Yên Bái. Thủ tướng đã làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy, cũng như thị sát kiểm tra tình hình. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng giao Văn phòng Chính phủ thông báo tại số 1726, đó là phải ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, xã hội trên địa bàn và giao cho Bộ Công an điều tra khởi tố vụ án để tìm ra nguyên nhân cấp dưới dùng súng giết hại cấp trên. 

Hiện cơ quan công an đang trong quá trình điều tra sau này kết quả thế nào sẽ công bố để báo chí biết. Đây là vấn đề rất quan trọng, thời gian ngắn nên cũng chưa đủ để cơ quan điều tra ra nguyên nhân của vụ án.

Pháp luật TPHCM: Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2015 số lượng người thôi quốc tịch Việt Nam hơn 4.000 người. Trong số này có cả những trường hợp dư luận nói đến là những đại gia, ví dụ như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Cái này có phản ánh xu thế gì không? Có đáng lo ngại không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đây là vấn đề quyền của công dân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định. Các cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý yêu cầu này của công dân và được giải quyết theo đúng luật định. 

Theo thống kê thì đa số các trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài chủ yếu là các cô dâu của Việt Nam khi lấy chồng nước ngoài. Một số nước yêu cầu phải thôi quốc tịch Việt Nam thì mới được nhập quốc tịch nước họ. 

Trung bình mỗi năm có hàng vạn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Số lượng thôi quốc tịch Việt Nam có thể nói là không nhiều. Ngay cả quy định ở mỗi nước cũng khác nhau. Có những nước yêu cầu muốn nhập quốc tịch thì phải thôi quốc tịch Việt Nam nhưng có những nước không yêu cầu thôi quốc tịch Việt Nam. 

Với xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, các công dân có nguyện vọng xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài có thể nói là thuận tiện hơn trong việc làm ăn, sinh sống. Trong thực tiễn vừa rồi, hầu hết các công dân Việt Nam xin thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài và không phải nhiều.

Gần đây có một số trường hợp công dân là doanh nhân, là chủ doanh nghiệp đã xin nhập quốc tịch nước ngoài mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Báo chí đã phản ánh rồi. 

Trong thời gian tới, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ rà soát tổng kết việc thực hiện pháp luật về quốc tịch, trong đó có việc quy định nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Rà soát tổng kết, nếu cần thiết sẽ tiếp tục điều chỉnh quy định để hoàn thiện về luật quốc tịch, kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật quốc tịch nếu cần thiết.

Người lao động: Sau vụ Formosa, hiện nay ở một số tỉnh miền Trung còn tồn đến 4 nghìn tấn hải sản. Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Y tế sớm có công bố để giải tỏa khó khăn cho bà con. Khi nào việc này sẽ chính thức thực hiện?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Sau khi Phó Thủ tướng chỉ đạo thì Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT. Chúng tôi đã ban hành văn bản hướng dẫn cho 4 tỉnh miền Trung, nguyên tắc là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu theo chỉ đạo của Thủ tướng. 

Chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thuộc Sở NN&PTNT, sở Công thương, các cơ quan quản lý các kho cá phải phân lô tất cả các kho, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ tiến hành lấy mẫu tất cả các lô cá. 

Lấy mẫu xong sẽ chuyển về cho 2 phòng xét nghiệm cấp quốc gia của Bộ để xét nghiệm và chỉ cho phép lưu hành những lô cá nào đã được xác nhận là an toàn. 

Lô cá nào không được xác nhận an toàn thì phải tiến hành tiêu hủy hoặc đền bù theo quy định. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là việc làm rất khó khăn, mất nhiều thời gian nhưng trên quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân.

Chính phủ không đi bán bia, bán sữa

Thông báo về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đối với việc bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ, tư nhân làm tốt hơn thì để tư nhân làm.

 Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch quá trình cổ phần hóa, làm sao đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời phải giữ được các thương hiệu Việt có tính cạnh tranh.             

Văn Kiên - Trường Phong

Về công trình 8B, phố Lê Trực (Hà Nội), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay đã cơ bản phá dỡ xong toàn bộ sàn tầng 19 (giai đoạn 1), trước ngày 30/9/2016 sẽ hoàn thành phương án phá dỡ giai đoạn 2.

MỚI - NÓNG