Vùng ven TPHCM: Ngạt thở vì phế liệu

Vùng ven TPHCM: Ngạt thở vì phế liệu
Dọc các tuyến đường Phan Anh, Bình Long, Lê Trọng Tấn... đâu đâu cũng trưng bảng “mua bán phế liệu”. Phế liệu chất cao tựa pháo đài, phơi trắng cả cánh đồng và việc xử phạt hành chính không đem lại kết quả.

Rác thải, phế liệu không còn khả năng tái chế được các điểm bán thải ra tràn lấp một đoạn kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) khiến dòng nước tanh tưởi đặc sánh, cỏ mọc um tùm. Ngay khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng có đến 6 vựa phế liệu, vụn nhựa, giấy,... chất cao tựa pháo đài.

Cạnh đó, khu vườn rau Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) với diện tích rộng gần 100 ha từ mấy năm qua được các điểm mua bán phế liệu ở khu vực Tân Hương, Tân Quý đến thuê đất làm sân phơi và biến nơi này thành “cánh đồng ni lông”.

Chạy cặp tuyến đường Bình Long nối dài (Hương lộ 3), vừa qua ngã tư Bình Long - Tân Kỳ Tân Quý là gặp ngay một sân phơi nilon khổng lồ với diện tích hàng nghìn mét vuông. Nơi đây còn có “bảo tàng xe lam” với hàng chục chiếc hầu hết được tháo mui, không còn biển số. Nilon bọc nhựa đã xé vụn hoặc xay nhuyễn chứa trong những bao tải lớn được xe lam chở đến bỏ lăn lóc giữa đồng trống.

Trên cánh đồng này, hàng ngày tập trung đến gần trăm người chỉ để làm mỗi một việc là phơi nilon. Cứ có cơn gió thổi qua là nilon bay mù mịt, phủ trắng các khu vực lân cận.

Từ khi khởi công dự án cải tạo kênh Nước Đen và trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (dự án liên kết giữa Việt Nam và Bỉ), nhiều cơ sở dọc tuyến này đã chuyển đi nơi khác nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm.

Chị Châu, chủ cửa hàng thuốc tây số 61 (khu phố 8 phường Bình Hưng Hòa) ở đối diện “cánh đồng nilon”, bức xúc: “Anh coi tôi ngồi bán trong nhà mà đeo khẩu trang thì phải biết. Mùa nắng thì bụi bay mịt trời chứ mùa mưa bọc dơ phơi không khô, ủ lại mấy ngày tanh như cá ươn”. Chị còn cho biết, bà con trong xóm tới tiệm của chị chỉ mua toàn thuốc viêm mũi, thuốc dị ứng và bản thân chị cũng bị viêm mũi, con cái chị phải gửi hết ở Tân Bình.

Ông Trần Bá Trung, một người dân trong khu vực, cũng than thở: “Có hôm gió xoáy là bụi, rác nilon bay khắp nhà, chịu không xiết đành đóng cửa".

Theo ông Võ Văn Lắm, Chủ tịch UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, toàn phường có hơn 20 điểm chuyên mua bán, tái chế phế liệu và hầu hết nằm xen lẫn trong khu dân cư vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không an toàn phòng cháy chữa cháy.

Do hoạt động mua bán phế liệu không được cấp phép kinh doanh nên trên thực tế việc quản lý của chính quyền địa phương đối với loại hình này hết sức lỏng lẻo. Nhiều điểm để phế liệu vương vãi, gây ô nhiễm môi trường, sau khi được cán bộ trật tự đô thị phường nhắc nhở, lập biên bản xong đâu lại vào đó.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường do các điểm mua bán phế liệu là không thể chối cãi. Tuy nhiên, hầu hết người làm nghề này đều là dân nghèo từ nơi khác đến nên việc xử lý rất khó. Chủ tịch phường chỉ được phép phạt hành chính không quá 500.000 đồng, tịch thu tang vật thì cũng không ổn (vì biết đem phế liệu về chứa ở đâu), nên lâu nay xử lý vi phạm chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”.

Ông Phan Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết: “Theo quy định của thành phố, các địa phương không cấp giấy phép cho loại hình mua bán phế liệu. Nhiều hộ đã làm nghề này hàng chục năm, phạt chỗ này họ chạy sang chỗ khác. Hiện quận đang tổ chức rà soát trên địa bàn để buộc các hộ di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.