Giá điện có thể tăng 9,5%

Cơ quan điều hành đang cân nhắc 3 phương án tăng giá điện.
Cơ quan điều hành đang cân nhắc 3 phương án tăng giá điện.
Trong 3 phương án điều chỉnh giá điện được cơ quan điều hành cân nhắc, phương án cao - 9,5% đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhất.

Bộ Công Thương khẳng định không tăng trước Tết, song việc giá điện sẽ điều chỉnh như thế nào sau đó đang là câu chuyện được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Chia sẻ với báo chí sau cuộc họp liên bộ về điều hành kinh tế vĩ mô cuối tuần trước, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết cơ quan điều hành đang cân nhắc 3 phương án.

Trao đổi với VnExpress đầu tuần này, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, trong số các lựa chọn nêu trên, phương án từng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất hồi đầu năm ngoái cũng được tính tới và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các bộ ngành. Trong đó, Bộ Tài chính ủng hộ phương án của EVN, với mong muốn đưa giá điện tiệm cận thị trường.

Chiếu theo phương án đề xuất này, giá điện bán lẻ bình quân trong năm 2015 có thể tăng 9,5%, tương đương 1.652,2 đồng cho mỗi kWh.

Chia sẻ thêm về việc điều chỉnh giá, người phát ngôn của Bộ Công Thương nhắc lại việc Ngân hàng thế giới nhận định giá điện Việt Nam cần tăng khoảng 40% trong vòng 3 năm tới, nếu không muốn EVN phá sản, khi mà mức khoảng 7 cent mỗi kWh giờ hiện nay là rất thấp, dưới giá thành sản xuất.

“Phương án cuối vẫn chưa được đưa ra, nhưng theo kịch bản nào thì các Bộ cũng sẽ tính toán kỹ, căn cứ trên sức chịu đựng của nền kinh tế. Khi giá điện tăng thì Nhà nước vẫn duy trì chính sách hỗ trợ 30kWh mỗi tháng cho các hộ nghèo”, ông Hải trấn an.

Trước đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận câu chuyện giá điện đang được bán dưới giá thành và thấp hơn so với các nước khác đã được bàn nhiều. Về nguyên tắc, tăng giá điện để thu hút các nhà đầu tư, để nhà sản xuất có lợi nhuận là cần thiết. “Tuy nhiên, yêu cầu của Thủ tướng là giá bán cần được tính chính xác, công khai và nhất là phải kéo giảm tỷ lệ thất thoát và đi kèm với tăng năng suất lao động của ngành", ông Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nếu cứ duy trì tình trạng vừa sản xuất điện trong nước, vừa đi mua điện của nước khác (trong đó có Trung Quốc) có thể gây ra tình trạng vừa phải bù lỗ, vừa phải hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tôn, thép… đang được hưởng ưu đãi về giá điện. “Như vậy là không mang tính thị trường. Ngành điện do đó cần công khai minh bạch hơn nữa để người dân biết và hiểu, cùng tiết kiệm chi phí và tăng nguồn cung”, ông bày tỏ.

Theo công bố của Bộ Công Thương cuối năm 2014, giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2013 là 1.473,8 đồng/kWh. 

Trong đó, chi phí trong khâu phát điện là 1.135,57đồng một  kWh, phí khâu truyền tải gần 80 đồng, khâu phân phối bán lẻ có mức giá thành là 251,97 đồng. Khâu cuối cùng là phụ trợ, quản lý ngành có tổng chi phí năm 2013 là 746,29 tỷ đồng, tương ứng mức giá thành 6,47 đồng một  kWh.

Trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2013 của EVN là 1.499,82 đồng một kWh, thấp hơn giá điện bán lẻ bình quân (đang ở mức 1.508,85 đồng).

Theo Thành Tâm - Chí Hiếu

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.