Xã nghèo ôm nợ hàng trăm tỷ đồng

Nhiều hộ dân ở xã Hải Ninh bỏ nhà tha hương để trốn nợ
Nhiều hộ dân ở xã Hải Ninh bỏ nhà tha hương để trốn nợ
TP - Từng được xem là địa phương phát triển kinh tế năng động nhất huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), chỉ sau vài vụ nuôi tôm, hơn 1/3 số hộ dân ở xã Hải Ninh, từ chỗ có của ăn của để, nay ôm nợ hàng trăm tỷ đồng, nhiều nhà phải tha hương trốn nợ.

Xơ xác vì nuôi tôm

Trong căn nhà trống hoác, ông Mai Văn Bủng ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh buồn bã kể: Năm 2013, thấy người ta nuôi tôm trúng đậm, ông và em trai Mai Văn Mưu gom hết tiền tiết kiệm và thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng để đầu tư nuôi tôm. Vụ đầu tiên trúng đậm, trừ chi phí, anh em ông Bủng còn lãi 1,5 tỷ đồng. 

Thấy nuôi tôm trúng lớn, anh em ông Bủng quyết định vào tận xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) thuê thêm 3 ha hồ nuôi hi vọng đánh quả lớn. Tưởng sau canh bạc này, 2 anh em ông sẽ thành tỷ phú, ai ngờ cả 3 hồ tôm đang yên lành, sắp đến ngày thu hoạch bỗng tôm nổi lên mặt nước rồi chết đỏ hồ.

Không chỉ gia đình ông Bủng, nhiều hộ nuôi tôm xung quanh cũng gặp chung cảnh ngộ, sau một đêm, tôm chết đỏ hồ. “Từ giấc mơ sẽ đổi đời nhờ nuôi tôm, chúng tôi bắt đầu ôm cục nợ ngày càng lớn thêm. Như hai anh em tui đây, nợ ngân hàng hơn 1 tỷ, nợ ngoài 2 tỷ nữa, giờ hết vốn chỉ biết ngồi bó gối nhìn cục nợ ngày càng to thêm” - ông Bủng kể.

Anh em ông Bủng là một trong 400 hộ ở xã Hải Ninh tham gia phong trào nuôi tôm trên cát.

Cách đây vài năm, xã Hải Ninh được đánh giá là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Quảng Ninh. Người dân Hải Ninh, ngoài truyền thống đánh bắt hải sản gần bờ, họ còn có nghề làm khoai deo nổi tiếng cả nước.

Năm 2012, một số hộ dân xã Hải Ninh đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Những vụ đầu, nhờ thời tiết thuận lợi, môi trường nước chưa bị ô nhiễm, những người nuôi tôm bỗng chốc thành tỷ phú. Chỉ cần 1 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi vụ cũng thu lãi từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng. 

Thấy nuôi tôm nhanh đổi đời, năm 2013, người dân Hải Ninh ào ào bỏ nghề cũ lao vào nuôi tôm. Địa phương hết đất, họ vào huyện Lệ Thủy, ra huyện Bố Trạch, thậm chí vào đến Quảng Trị để thuê đất nuôi tôm. Thời điểm đó, toàn xã Hải Ninh có hơn 400 hộ đầu tư nuôi tôm.

Do không có kỹ thuật mà chỉ học lỏm nhau nghề nuôi tôm, hoặc qua hướng dẫn của cán bộ thị trường của các hãng thức ăn, người dân Hải Ninh đã phải trả giá đắt, mà theo cách nói của ông Trương Văn Liêu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh là “không có gì bù đắp nổi”.

 Để có vốn nuôi tôm, ngoài số tiền dành dụm được qua bao năm đi biển, buôn bán hải sản, làm khoai deo…hầu hết người dân Hải Ninh đều phải thế chấp hết sổ đỏ, nhà cửa vào ngân hàng để vay tiền…

Xã Hải Ninh từ chỗ sầm uất là vậy, trên bến dưới thuyền cá tôm đầy ắp, mùi khoai deo thơm nồng làng trên, xóm dưới, nay tiêu điều, xơ xác.

Chỉ có thể lấy tôm mà gỡ!

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Hải Ninh, số tiền mà người nuôi tôm ở địa phương nợ ngân hàng lên đến 151 tỷ đồng. Trong danh sách 328 hộ nuôi tôm còn lại của xã Hải Ninh, tất cả đều mang nợ ngân hàng, hộ ít nhất cũng đã 200 triệu, hộ nhiều nhất lên tới 3 tỷ đồng. Theo ông Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, con số này sẽ tăng thêm trong năm nay vì nhiều hộ chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục lao vào con tôm với hy vọng gỡ gạc phần nào.

Về xã Hải Ninh gặp những người nuôi tôm, mặc dù đang ôm cả đống nợ nhưng ai cũng mong muốn được tiếp tục nuôi tôm. Điều đáng lo, đa số họ không nhận ra nguyên nhân thua lỗ là do kỹ thuật nuôi, mà một mực cho rằng vì thời tiết không thuận lợi. Họ khẳng định “thua tôm chỉ có thể lấy tôm mà gỡ” chứ không một nghề gì có thể bù đắp cho món nợ do con tôm gây ra.

Chúng tôi vào trang trại nuôi tôm của Hoàng Viết Lý, được xem là lớn nhất xã Hải Ninh. Dù đang vào vụ nhưng khuôn viên vắng ngơ vắng ngắt. Gọi mãi, mới có một người đàn ông đen nhẻm thất thểu từ nhà bước ra. Ông nói người làm công bỏ về hết, giờ chỉ còn mình ông. Ông ở thành phố Đồng Hới lên đây đầu tư nuôi tôm và là một trong những người mở đầu cho phong trào nuôi tôm ở Hải Ninh. Cách đây 5 năm, ông thuê 8 ha đất cát ven biển, cải tạo 4 ha để nuôi tôm. Khoảng 2 năm đầu ông trúng đậm, nhưng mấy năm lại đây ông thua lỗ triền miên. Đến nay, ông đang ôm cục nợ lên đến 7 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, ông vẫn rất tự tin vào con tôm: “Nói thật chỉ cần trúng một đến hai vụ là gỡ được vốn ngay ấy mà. Lỡ rồi phải lần thôi, nếu dừng biết lấy chi mà trả nợ đây”.

Theo ông Hoàng Minh Đoàn, cán bộ nông lâm ngư của xã Hải Ninh, trên thực tế hầu hết các hộ nuôi tôm đều không có kỹ thuật. Mặc dù xã đã khuyến cáo không nên ồ ạt nuôi tôm và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nhưng người dân phớt lờ. 

“Xã đã khuyến cáo rất nhiều, thậm chí không cấp thêm đất để hạn chế nuôi tôm nhưng người dân không chịu nghe, còn đi thuê đất ở ngoài để nuôi. Xã có gần 1.200 hộ, thì có đến gần 400 hộ ôm nợ, mà trước đây họ là những hộ khá giả nhất xã. Nuôi tôm tự phát đã kéo sụt kinh tế của xã ghê gớm. Với những món nợ mà hàng trăm hộ dân ở Hải Ninh đang mắc phải thì sắp tới chắc chắn số hộ nghèo ở Hải Ninh sẽ tăng lên đột biến”. Ông Trương Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.