Xác minh tài sản, thu nhập khi bổ nhiệm cán bộ

TP - Dự thảo quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Thường vụ cấp tỉnh, thành phố quản lý do Ủy ban Kiểm tra Trung ương soạn thảo đề xuất xác minh tài sản, thu nhập khi tiến hành bầu, bổ nhiệm cán bộ.

Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, dự thảo đề xuất nhiều căn cứ để thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập. Cụ thể, khi tiến hành bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ đối với người được dự kiến bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh cũng tiến hành khi có căn cứ cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tài sản, thu nhập được kê khai không minh bạch mà không giải trình được một cách hợp lý.

Ngoài ra, khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập mà người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan thì cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành xác minh làm rõ. Bên cạnh đó khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xét thấy cần xác minh tài sản, thu nhập thì việc xác minh cũng sẽ được thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh, bà Thủy cho biết, quy định trên sẽ được thực hiện từ cấp trung ương cho đến địa phương. Theo đó, đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ là cơ quan thực hiện việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập. Đối với cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy quản lý thì Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, huyện sẽ thực hiện.

Đề cập đến ý kiến cho rằng, quy định như trên có quá rộng khiến việc xác minh khó khăn, bà Thủy cho biết, đúng là có ý kiến băn khoăn như vậy. Tuy nhiên, qua thảo luận thấy rằng, quy định như vậy là phù hợp. “Nếu không quy định thì cơ quan kiểm tra cấp tỉnh, thành và cấp huyện không có căn cứ để kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy quản lý. Như thế sẽ không đảm bảo sự chặt chẽ trong việc giám sát, kiểm tra việc kê khai tài sản của lãnh đạo địa phương”, bà Thủy nói.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng lâu nay vẫn bị dư luận cho là “hình thức”. Số lượng các bản kê khai tài sản, thu nhập được kiểm tra, giám sát rất hạn chế nên việc phát hiện kê khai không trung thực rất ít. Do đó, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng quy định trên là hết sức cần thiết, nhằm góp phần công khai, minh bạch và ngăn chặn vi phạm.

Cũng theo ông Túc, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp. Do đó, nếu các cá nhân lãnh đạo trên đều thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực.

MỚI - NÓNG