Xe buýt BRT vận hành thế nào khi có dải phân cách cứng?

Xe buýt BRT vận hành thế nào khi có dải phân cách cứng?
TPO - Sau 2 ngày lắp đặt dải phân cách cứng tại 3 nhà chờ BRT, vẫn có một số phương tiện lấn làn BRT, tuy nhiên dải phân cách cứng đã phát huy tác dụng. Lượng xe buýt xuất phát đúng giờ, đảm bảo lộ trình đạt tới 99,4%.

Từ rạng sáng ngày 20/1, hệ thống dải phân cách cứng đã được lắp đặt tại nhà chờ Láng Hạ (hướng đi Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa). Cùng ngày, nhà chờ Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân cũng đã được lắp dải phân cách.  

Dải phân cách kết hợp cọc tiêu nhựa phản quang và bục bê tông báo hiệu kéo dài từ nhà chờ đến nút giao kế tiếp. Theo ghi nhận của phóng viên, vẫn có một số phương tiện đi vào làn BRT, tuy nhiên số lượng rất ít.

Xe buýt BRT vận hành thế nào khi có dải phân cách cứng? ảnh 1

Mặc dù đông đúc nhưng hầu như các phương tiện không đi vào làn BRT sau khi dải phân cách được lắp đặt

Lãnh đạo Đội Thanh tra giao thông quận Đống Đa, Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ khi lắp dải phân cách, hầu như không có hiện tượng lấn làn BRT. Việc điều tiết giao thông của Thanh tra giao thông và CSGT đã được giảm đi nhiều.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, việc lắp đặt dải phân cách cứng nhằm mục đích ưu tiên cho xe buýt BRT chạy trên đường không bị lấn làn, tăng khả năng qua nút giao nhanh hơn, giảm thời gian vận hành trên tuyến

Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc XN buýt nhanh BRT thông tin: Hiện nay vẫn đang là thời gian thí điểm để rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Tuy nhiên, đây là một trong những phương án bổ trợ rất cần thiết, giúp bảo vệ làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT, đồng thời tạo điều kiện cho việc điều tiết, phân làn giao thông thuận lợi hơn. Theo ông Thủy, tuy mới thử nghiệm dải phân cách cứng trong 2 ngày cuối tuần, tuy nhiên tỉ lệ xuất bến đúng giờ của BRT đã đạt 99,4% (ngày 21/1), 98,7% (ngày 22/11). “Tình hình giao thông trên các tuyến ổn định, xe vận hành an toàn, xuất bến đúng giờ”, ông Thủy nói. 

MỚI - NÓNG