Xe buýt sạch ở TPHCM có nguy cơ “đột tử”

Xe buýt sạch ở TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn do giá khí tăng và ngưng xây dựng mở rộng các trạm nạp khí.
Xe buýt sạch ở TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn do giá khí tăng và ngưng xây dựng mở rộng các trạm nạp khí.
TP - Việc tăng giá bán khí CNG quá cao, đồng thời tạm ngưng đầu tư xây dựng các trạm nạp khí CNG của Cty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của hàng trăm xe buýt sạch ở TPHCM.

Ngày 19/4, đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết từ đầu năm 2017, Cty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) đã điều chỉnh tăng giá bán khí CNG lên bằng 66% so với giá dầu DO. Dự kiến, giá khí sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cho các năm tiếp theo. Việc điều chỉnh giá bán khí CNG đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các xe buýt sạch mà TPHCM đã đầu tư.

“Cty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam cho biết đơn vị đang tạm dừng triển khai đầu tư mới các trạm nạp khí CNG trên địa bàn TPHCM theo chỉ đạo của Tổng Cty Khí Việt Nam, gây rất nhiều khó khăn đến chủ trương đầu tư phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch của thành phố”, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết.  

Theo Sở Giao thông Vận tải, TPHCM hiện có 256 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG, hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố. Các phương tiện này được nạp nhiên liệu (khí CNG) tại 4 trạm do PV Gas South cung cấp, gồm: Bãi xe buýt Phổ Quang, Bến xe buýt Đại học Quốc gia, Bến xe An Sương và trạm Tân Kiên với công suất nạp là 256 xe/380 xe. Giá khí cung cấp bằng 60% so với giá dầu DO.

Tình hình trầm trọng đến mức Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vừa có văn bản “kêu cứu” gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (cơ quan chủ quản của Tổng công ty khí). Theo ông Khoa, việc đưa vào hoạt động các xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch đã đạt được hiệu quả tích cực, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo hình ảnh mới cho hoạt động xe buýt của thành phố và góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư mới các phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Dự kiến đến cuối năm 2017, thành phố sẽ có khoảng 841 xe sử dụng khí CNG, hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá.

Ông Khoa đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ đạo PV Gas South tiếp tục ưu tiên mở rộng 4 trạm cung cấp khí hiện tại và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới 9 trạm nạp nhiên liệu CNG.

“Về lâu dài, để góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần sớm lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cung cấp khí nén thiên nhiên làm nhiên liệu cho hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa

MỚI - NÓNG