Xe cẩu ở công trình giao thông HN: Trong tháng 5 phải có báo cáo kiểm định

Sau 10 ngày bị dừng do xảy ra hai vụ tai nạn, tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đã được thi công trở lại. Ảnh: Trọng Đảng
Sau 10 ngày bị dừng do xảy ra hai vụ tai nạn, tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đã được thi công trở lại. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Sau các vụ tai nạn tại dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT), cuối tuần qua liên ngành Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thi công tại một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội chậm nhất cuối tháng 5 phải có báo cáo kiểm định phương tiện. Với dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, đã có báo cáo này và cuối tuần qua đã được thành phố Hà Nội cho thi công trở lại.

Theo Sở GTVT Hà Nội, một số dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Hà Nội và có sử dụng nhiều máy móc, thiết bị cẩu kéo bao gồm: hầm chui nút giao Thanh Xuân, hầm chui nút giao Trung Hòa (Big C), dự án nút cầu Thanh Trì - QL5… Sở GTVT Hà Nội đánh giá: Tuy chưa gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, nhưng để đảm bảo an toàn lao động và người tham gia giao thông trên đường, công tác thi công tại đây cần được rà soát chấn chỉnh.

Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC67) cho rằng, do phạm vi hàng rào công trường hầm chui chiếm gần như toàn bộ nút giao thông Thanh Xuân nên từ khi dự án khởi công (6/2014), tình trạng ùn tắc kéo dài thường xuyên xảy ra. Sau khi thi công cơ bản xong phần âm, hiện dự án tiếp tục xén dải phân cách giữa để làm đường dẫn phía trên, máy móc, trong đó có xe cẩu thi công được huy động đến rất nhiều. “Vị trí giữa cẩu thi công và các dòng phương tiện tham gia trên đường chỉ là hàng rào tôn tượng trưng, nếu cẩu không đảm bảo an toàn, xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm”, ông Thanh cảnh báo.

Trung tá Bùi Văn Sử, Đội CSGT số 6 - PC67 cũng cho rằng, tình trạng thi công tại công trường hầm chui nút giao Trung Hòa đang vào giai đoạn thi công mặt đất, máy móc thiết bị và hàng rào thi công chiếm dụng lòng đường rất lớn. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên đường, vào giờ cao điểm đơn vị thi công cũng phải có trách nhiệm phối hợp với liên ngành đảm bảo giao thông. Đại diện Đội CSGT số 5 (PC67) đề xuất, liên ngành không cấp phép cho dự án nút giao cầu Thanh Trì và QL5 thi công vào giờ cao điểm.

Tại buổi làm việc với liên ngành gồm Sở GTVT - Công an thành phố Hà Nội cuối tuần qua, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (chủ đầu tư) thay mặt cho đơn vị thi công các dự án trên cho biết, sẽ có điều chỉnh, thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân yêu cầu, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cần đưa ra lộ trình rõ ràng hơn. Cụ thể, về công tác đảm bảo giao thông, mỗi tuần nhà thầu tại các dự án phải giao ban với Đội CSGT phụ trách khu vực dự án. Tiến đến, để đề phòng những vụ tai nạn như công trường đường sắt đô thị vừa qua, xe cẩu và máy móc thi công tại các dự án, chậm nhất cuối tháng 5/2015 chủ đầu tư phải có báo cáo kiểm định phương tiện về Sở LĐ - TB&XH Hà Nội.

Loại đơn vị thi công để rơi thanh sắt

Trong các văn bản gửi báo Tiền Phong thông báo về việc dự án thi công trở lại cuối tuần qua, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hiện toàn bộ công tác thi công và vật liệu, máy móc phục vụ công trường đã được rà soát, đảm bảo an toàn. Riêng các thanh cừ (thanh sắt thi công nhà ga dài 9m, nặng hơn nửa tấn) đã được rà soát kỹ, những thanh an toàn đã được Tư vấn Systra kiểm tra, đánh dấu; với những thanh chưa đảm bảo an toàn đã bị loại khỏi công trường. Do vậy Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đề xuất và được thành phố chấp thuận cho phép thi công trở lại. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và Tư vấn Systra (Pháp) tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) thi công gói CP1 (đường trên cao); nhà thầu POSCO E&C (Hàn Quốc), thi công gói CP2 (các ga trên cao). Trong trường hợp, nếu hai nhà thầu này còn để tai nạn xảy ra, ngoài xử lý vi phạm theo pháp luật Việt Nam, thành phố sẽ không cho phép hai nhà thầu tham gia thi công các dự án thành phố đang triển khai.

Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, sau sự cố rơi thanh cừ và đổ cẩu vừa qua, cả nhà thầu Posco và Daelim đều bị phạt 25 triệu đồng; với đơn vị thi công để xảy ra rơi thanh cừ ngày 10/5 tại quận Bắc Từ Liêm bị loại khỏi dự án. Đơn vị thi công - Cty cổ phần Cầu 14 - Cienco1 để xảy ra đổ cẩu ngày 12/5 tại quận Cầu Giấy, bị phạt 30 triệu đồng và đang xem xét có cho thi công tiếp tại dự án nữa hay không.

Liên quan đến báo cáo kiểm định phương tiện và xe cẩu tại dự án, trong văn bản gửi báo Tiền Phong, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông báo, toàn bộ hồ sơ, trong đó có kiểm định và bảo hiểm máy móc thiết bị tại dự án đã được ban hoàn thiện và báo cáo Sở LĐ - TB&XH Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.