Xe “dù”, bến “cóc” nở rộ vì luật pháp nhiều kẽ hở

Xe “dù”, bến “cóc” nở rộ vì luật pháp nhiều kẽ hở
TPO - Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM Lê Hồng Việt, loại trừ những nguyên nhân về kinh tế, lợi nhuận của nhà xe,  tâm lý muốn thuận tiện, nhanh chóng của hành khách, tình trạng “xe dù", “bến cóc” hiện đang nở rộ là do các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở.

Sáng nay, 26/5, Báo Giao thông và Ban An toàn giao thông TPHCM đã tổ chức hội thảo “giải pháp chống xe dù, bến cóc” trên địa bàn TPHCM. Theo ông Lê Hồng Việt, nhiều quy định, biện pháp quản lý nhà nước hiện nay chưa chặt chẽ. Cụ thể:

Một đơn vị kinh doanh vận tải được phép đăng ký hoạt động với nhiều loại hình vận tải khách hoặc một phương tiện đưa vào hoạt động kinh doanh nhưng có nhiều loại phù hiệu như: vận chuyển khách theo Hợp đồng; vận chuyển khách du lịch; vận chuyển khách theo tuyến cố định và thực tế có doanh nghiệp hoạt động trên cả 03 loại hình vận tải khách.

Từ việc tham gia đồng thời nhiều loại hình vận tải, các doanh nghiệp dễ dàng biến tướng từ xe vận chuyển khách hợp pháp thành “xe dù" như đã nêu trên làm cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bản thân không đáp ứng đủ lượng xe ô tô để vận chuyển khách du lịch nên thuê mướn xe bên ngoài để kinh doanh, sử dụng phù hiệu "xe Hợp đồng" vận chuyển khách du lịch.

Một số phương tiện của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện để "vận chuyển khách du lịch" nên chuyển sang đăng ký vận chuyển khách hợp đồng để được cấp phù hiệu "xe hợp đồng" rồi dùng phương tiện này để "vận chuyển khách du lịch". Tình trạng này diễn ra phổ biến làm cho các cơ quan, lực lượng chức năng khó kiểm soát hết. 

Theo quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Doanh nghiệp, hợp tác xã phải ký hợp đồng với đơn vị bến xe khách và tổ chức vận tải theo đúng phương án khai thác tuyến đã được duyệt..., thế nhưng những trường hợp xe chạy tuyến cố định tự ý bỏ bến để chạy "xe hợp đồng", chạy đón khách ngoài bến hoặc đón khách ở tại nơi bán vé của doanh nghiệp mà không có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải để xử lý hoặc chế tài khi vi phạm theo hợp đồng đã ký kết.

Ông Việt nói các loại xe Hợp đồng biến tướng “xe dù" thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, HTX ký khống trước khi vận chuyển; khi lực lượng chức năng kiểm tra thì lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình.

Trong khi đó, hầu như các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé của các đơn vị kinh doanh vận tải đều trú đóng ở các quận trung tâm thành phố, kéo theo việc xe ô tô với sức chở lớn thường xuyên dừng, đậu để đón, trả khách và lưu thông trên các tuyến đường nội đô nhỏ hẹp, dễ gây ùn tắc giao thông, nhất là vào những giờ cao điểm.

Ngoài ra, theo ông Việt, loại hình vận chuyển khách sử dụng phần mềm Uber còn quá mới mẻ, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có chính sách cụ thể, thích hợp đối với loại hình vận tải này, nên lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động.

“Các dịch vụ bãi giữ xe ô tô trá hình, núp bóng danh nghĩa giữ xe để hoạt động thành “bến cóc" nhưng Cơ quan quản lý Nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ triệt để, việc núp bóng của các dịch vụ này mặc dù các lực lượng chức năng liên tục chốt chặn kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng việc kiến nghị thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh là không thể thực hiện được, do Luật không quy định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp này” – ông Việt cho biết.

MỚI - NÓNG