'Đại phẫu' giao thông Hà Nội - Bài 3:

Xe khách, taxi dàn hàng trên đường

Với 52 xe/km2, taxi Hà Nội đang vượt lưu lượng taxi một số thành phố lớn trong khu vực. Ảnh: Anh Trọng
Với 52 xe/km2, taxi Hà Nội đang vượt lưu lượng taxi một số thành phố lớn trong khu vực. Ảnh: Anh Trọng
TP - Thành phố Hà Nội đã dừng cấp phép taxi và “nốt” xe khách mới tại nhiều bến xe, tuy nhiên tại nhiều tuyến đường Hà Nội, lượng taxi, xe khách vẫn vượt quy hoạch. Riêng taxi, với 52,5 xe/km2 Hà Nội trở thành đô thị có lượng taxi vượt nhiều lần so với một số thành phố phát triển của châu Á.

Dừng cấp phép vẫn có thêm 3.000 taxi

Năm 2010 thành phố Hà Nội đã dừng cấp phép taxi. Tại thời điểm dừng cấp phép, trên địa bàn Hà Nội có 17.405 xe taxi với 114 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, sau khi dừng cấp phép, lượng taxi ngoại tỉnh và cả doanh nghiệp hoạt động taxi trên địa bàn Hà Nội vẫn tìm cách gia tăng bằng việc đưa xe ra ngoài tỉnh xin phù hiệu rồi trở lại hoạt động. Với chủ trương loại bằng được xe ngoại tỉnh, năm 2014, thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT cấp phù hiệu “TAXI HÀ NỘI” riêng (khác với mẫu tem chung của Bộ GTVT) để dán vào 17.000 taxi Thủ đô. Căn cứ vào đó, CSGT - Thanh tra giao thông (TTGT) có nhiệm vụ phát hiện, xử lý taxi ngoại tỉnh...

Ghi nhận hoạt động của taxi trên một số tuyến đường, trong đó có khu vực bến xe, bệnh viện cho thấy, lượng xe taxi với đủ các loại phù hiệu liên tục chèn ép, tranh giành khách. Vừa qua tại cổng Bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng) PV Tiền Phong đã đề nghị một tổ công tác của TTGT, Sở GTVT Hà Nội dừng một số xe taxi để kiểm tra. Qua kiểm tra xe 29A-53296 mang thương hiệu Taxi Sông Hồng, TTGT phát hiện toàn bộ giấy tờ, phù hiệu tài xế trình là do Sở GTVT Bắc Ninh cấp. Kiểm tra xe 30F-5496, mang thương hiệu Taxi Thành Lợi, cũng phát hiện phù hiệu hoạt động do Sở GTVT Hưng Yên cấp…

Ông Đào Việt Long, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) thừa nhận, phương tiện taxi có biển Hà Nội nhưng phù hiệu lại do các tỉnh lân cận cấp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội thời gian qua là có thật. Theo ông Long, qua kiểm tra Sở GTVT đã phát hiện khoảng 3.000 xe thường xuyên hoạt động trên địa bàn thành phố. Như vậy, cộng con số này với lượng taxi Hà Nội đang có, trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 20.000 taxi chứ không phải 17.405 như khi dừng cấp phép năm 2010.

Khảo sát về mật độ taxi trong khu vực trung tâm Hà Nội, Viện Chiến lược và phát triển - TDSI vừa cho biết, mật độ taxi trung bình tại khu vực nội thành đang có 52,5 xe/km2 và mỗi ki-lô-mét đường có 16 xe taxi hoạt động. Riêng một số nút giao thông lớn, giờ cao điểm taxi chiếm 1/2 lưu lượng ô tô qua lại. Tại Trần Duy Hưng – Láng, số taxi hoạt động vào giờ cao điểm 1.045 xe trên tổng số lượng ô tô con qua nút là 2.871 xe; nút Ngã Tư Vọng: 586/601 xe... Theo TDSI, so với một số thành phố phát triển của châu Á, mật độ taxi tại Hà Nội vượt gấp nhiều lần, ví như: Hong Kong có 12,32 xe/km2, Bắc Kinh 5,7 xe/km2...

Chỉ đạo “xóa” xe khách trái tuyến chết yểu

Quy hoạch luồng tuyến xe khách của Bộ GTVT nêu rõ, để tránh luồng tuyến chồng chéo, xe chạy xuyên tâm gây ùn tắc giao thông, với khu vực Hà Nội, thành phố phải tổ chức sắp xếp lại luồng tuyến theo hướng Bắc - Nam - Đông - Tây. Theo đó, xe khách chạy tuyến các tỉnh phía Bắc phải được chuyển về bến Gia Lâm; xe chạy các tỉnh phía Tây phải chuyển về bến Mỹ Đình, Yên Nghĩa; xe chạy các tỉnh phía Nam phải chuyển về bến Giáp Bát, Nước Ngầm… 

Sau nhiều lần các sở ngành chậm trễ, cách đây 2 tháng Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo Sở GTVT, Công an thành phố khẩn trương triển khai nội dung trên. Theo đó, giao Sở GTVT chủ trì và phải giảm dần xe trái tuyến trong tháng 8, 9 và chấm dứt vào ngày 1/10/2016.

Khảo sát trên nhiều tuyến đường các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên… trong ngày 30/9, chúng tôi ghi nhận, xe khách chạy trái tuyến, xuyên tâm vẫn diễn ra nhan nhản. Cụ thể, sau khi từ bến Mỹ Đình, Yên Nghĩa ra hàng trăm lượt xe chạy về các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa vẫn tạt vào lề đường Khuất Duy Tiến bắt khách. Các tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng… đang được xem là khu vực có mật độ xe khách dày đặc vào bậc nhất Hà Nội. Ngoài hàng trăm lượt xe trái tuyến tồn tại từ trước, ngay cả khi Quy hoạch luồng tuyến xe khách được Bộ GTVT ban hành tháng 6/2015 nhưng đến đầu năm 2016 lại có thêm hàng chục lượt xe khách chạy Hải Phòng được cấp phép mới chạy trái tuyến về bến xe Yên Nghĩa. Điều này càng làm tăng thêm rối loạn giao thông cho các tuyến đường khu vực cửa ngõ phía Tây Hà Nội.

Tại các bến xe Mỹ Đình, hàng chục doanh nghiệp vận tải có xe chạy về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định cho biết, họ chưa nhận được bất kỳ thông tin, lệnh di dời nào. Lý giải việc trên, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vừa qua Sở GTVT đã tổ chức họp với các sở ngành liên quan, trong đó có Công an, đại diện Bộ GTVT. Tuy nhiên phương án, lộ trình điều chuyển vẫn chưa chốt được, việc này phải chờ xin thêm ý kiến chỉ đạo của thành phố.

Về 3.000 xe taxi ngoại tỉnh đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, ông Quang nêu phương án, cấm họ hoạt động là không thể được, xong về quản lý nhà nước có thể xử lý được khi doanh nghiệp đăng ký một nơi, hoạt động một nơi. Vừa qua Sở đã họp với các địa phương có liên quan như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… và thống nhất, các tỉnh này sẽ rà soát, thanh kiểm tra xem xe được cấp phù hiệu tỉnh họ có hoạt động đúng quy định, tại địa phương hay không. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý và chuyển kết quả về Sở GTVT Hà Nội theo dõi, xử lý tiếp.  

   ___________

 (Còn nữa)

Mật độ taxi trung bình tại khu vực nội thành đang có 52,5 xe/km2 và mỗi ki-lô-mét đường có 16 xe taxi hoạt động. Riêng một số nút giao thông lớn, giờ cao điểm taxi chiếm 1/2 lưu lượng ô tô qua lại. Tại Trần Duy Hưng – Láng, số taxi hoạt động vào giờ cao điểm 1.045 xe trên tổng số lượng ô tô con qua nút là 2.871 xe; nút Ngã Tư Vọng: 586/601 xe... Theo TDSI, so với một số thành phố phát triển của châu Á, mật độ taxi tại Hà Nội vượt gấp nhiều lần, ví như: Hong Kong có 12,32 xe/km2, Bắc Kinh 5,7 xe/km2...

MỚI - NÓNG