Xẻ nát rừng phòng hộ để trồng cây nguyên liệu?

Khu vực Rú Cấm thuộc diện tích vùng lõi rừng phòng hộ Vực Mấu, nhiều sườn đồi đã bị ủi trọc để phục vụ cho việc trồng dứa, mía, nhang trầm của nhiều hộ dân.
Khu vực Rú Cấm thuộc diện tích vùng lõi rừng phòng hộ Vực Mấu, nhiều sườn đồi đã bị ủi trọc để phục vụ cho việc trồng dứa, mía, nhang trầm của nhiều hộ dân.
TP - Nhiều diện tích tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Mấu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đang bị người dân xẻ nát, chặt trọc để trồng dứa, nhang trầm, mía…

Rừng phòng hộ đầu nguồn Vực Mấu có tổng diện tích hơn 2.900ha được phân bổ trên địa bàn các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Trang… (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳnh Lưu.

Khu vực rừng phòng hộ này giúp điều tiết lượng nước, chống xói mòn cho hồ Vực Mấu. Để đảm bảo diện tích rừng phòng hộ Vực Mấu không bị xâm hại, từ trước những năm 1999 các diện tích rừng này được giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ. 

Năm 2007 khi Ban quản lý rừng phòng hộ rừng Quỳnh Lưu được thành lập, toàn bộ diện tích của khu vực rừng phòng hộ này đã được đơn vị này quản lý và tiếp tục giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều diện tích rừng phòng hộ Vực Mấu được giao cho người dân trông coi, bảo vệ bị chính các hộ dân này san ủi, chặt cây để tiến hành trồng các loại cây nhang trầm, dứa, mía... Trong đó, khu vực vùng lõi bị chặt phá và xâm hại nhiều nhất thuộc khu vực  Rú Cấm, xã Quỳnh Thắng. Nhiều diện tích cây thông và cây dẻ bị chặt trọc.

Một người dân có diện tích trồng dứa thừa nhận: “Đây là vụ thứ hai gia đình tôi trồng dứa và vụ dứa mới này cũng chuẩn bị được kích thích để cho ra quả để thu hoạch. Còn nửa sườn đồi đất đã được cày, nhà tôi đã chuẩn bị phân bón để tiếp tục trồng mới thêm dứa”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lưu Văn Tiến, Phó trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu thừa nhận: “Rừng phòng hộ Vực Mấu các hộ dân nhận giao khoán chỉ được phép chăm sóc và bảo vệ. Một số người dân chặt cây tại khu vực rừng phòng hộ Vực Mấu tại Rú Cấm đã bị phát hiện và bị lực lượng kiểm lâm xử phạt”.

Tuy nhiên, giải thích cho việc các hộ dân đang cạo trọc các ngọn đồi tại khu vực Rú Cấm để trồng cây nguyên liệu nhưng không bị xử lý, ông Tiến cho rằng: “Từ năm 2014 diện tích rừng phòng hộ Vực Mấu được quy hoạch trồng, quản lý, bảo vệ theo dự án Jica2 do Nhật Bản hỗ trợ. 

Theo dự án, các loại cây bản địa gồm keo tràm và sáo đen sẽ được trồng mới, trồng bổ sung, xen kẽ theo từng giai đoạn để từng bước phủ kín khu vực rừng phòng hộ Vực Mấu. 

Dự án được thực hiện từng giai đoạn nên chúng tôi tạo điều kiện cho các hộ dân trồng các loại cây nguyên liệu kèm theo trồng xen kẽ các loại cây bản địa. Dứa chỉ thu hoạch từng năm một nên bắt đầu từ vụ dứa tiếp theo sẽ bắt đầu tiến hành trồng xen kẽ các loại cây bản địa”.

MỚI - NÓNG