Xem như có ca bệnh Zika

Giám sát thân nhiệt tất cả hành khách đến ga quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) trước tình hình dịch Zika trên thế giới diễn biến phức tạp. Ảnh: Quốc Ngọc.
Giám sát thân nhiệt tất cả hành khách đến ga quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) trước tình hình dịch Zika trên thế giới diễn biến phức tạp. Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Liên quan trường hợp một người Úc từng đến TPHCM, sau đó về nước có kết quả dương tính với virus Zika, Bộ Y tế đã tăng cường các biện pháp giám sát trong tư thế đã có ca bệnh tại Việt Nam.

Mỗi ngày lấy 200 mẫu bệnh phẩm

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 24/3, ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ Bộ Y tế, viện đã chủ động liên lạc và nắm bắt được một vài chi tiết về mặt dịch tễ đối với ca mắc Zika vừa phát hiện tại Úc.

Theo ông Lân, thông qua WHO và Bộ Y tế Úc, được biết du khách mắc Zika đã lưu lại Việt Nam từ ngày 26/2 đến 6/3. Sau đó, khi trở về Úc, người này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh vào ngày 8/3. “Như thế, về mặt dịch tễ, khoảng thời gian bệnh nhân ở nước ta, cụ thể là tại TPHCM, trùng hợp với giai đoạn ủ bệnh của Zika từ 3 đến 12 ngày. Có thể nói, khả năng virus Zika đã lây nhiễm tại TPHCM”, ông Lân nhận định. Dù chưa rõ đường đi của người mang mầm bệnh, ông Lân cho biết, TPHCM sẽ phải nâng mức cảnh báo lên tình huống ứng phó thứ 2, tức xem như TPHCM đã có ca bệnh.

Trong tình huống này, Viện Pasteur TPHCM đã triển khai ngay 3 giải pháp mang tính tổng thể. Trước hết, sẽ liên tục cập nhật thông tin từ WHO, Bộ Y tế Úc về trường hợp nhiễm Zika nhằm xác định những nơi mà du khách đã đi qua tại Việt Nam. Song song đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức thực hiện diệt muỗi, lăng quăng, loại bỏ tất cả khả năng đọng nước tại nhà và xung quanh. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại những địa bàn trọng điểm, nhất là những nơi có nhiều khách du lịch.

Ông Lân cho biết, ngày 25/3, Viện Pasteur phối hợp Sở Y tế TPHCM để triệu tập cuộc họp với 30 cơ sở y tế gồm 23 bệnh viện quận huyện và 7 bệnh viện lớn trên địa bàn để tập huấn và triển khai giám sát lấy mẫu. Ngay sau tập huấn, mỗi ngày, 30 bệnh viện trên sẽ tiến hành sàng lọc. Bất cứ bệnh nhân nào đến khám có các biểu hiện lâm sàng tương đồng bệnh do virus Zika gây ra như sốt, phát ban… thì phải lấy mẫu bệnh phẩm. Các mẫu này sẽ được gửi về Viện Pasteur TPHCM để tiến hành xét nghiệm truy tìm virus Zika ngay trong ngày. Dự kiến, hằng ngày, sẽ có từ 100 đến 200 mẫu bệnh phẩm được gửi về viện.

Ông Lân cho biết thêm, khi xuất hiện dịch Zika, Viện Pasteur thành phố đã triển khai 8 điểm giám sát lấy mẫu cho toàn khu vực phía Nam. Khoảng 400 mẫu bệnh phẩm đã được gửi về viện nhưng chưa phát hiện mẫu nào dương tính với virus Zika. Ngoài ra, viện cũng rà soát lại các mẫu xét nghiệm năm 2015 âm tính với sốt xuất huyết để tìm Zika nhưng cũng không phát hiện. Ông khuyến cáo người dân, nếu về Việt Nam từ nước ngoài, nên theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe trong 12 ngày, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc bị muỗi đốt như dùng thuốc bôi ngoài da, mặc quần áo dài tay…

Nghi nhiễm cần đi khám ngay

Sáng 24/3, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có mặt tại Bình Thuận để chỉ đạo các Viện Pasteur TPHCM, Pasteur Nha Trang hỗ trợ công tác khám, xét nghiệm; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.

Theo TS Trần Đắc Phu, những người nghi nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika. Hiện Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TPHCM chẩn đoán virus Zika. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng tránh virus Zika, những phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.  Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi. 

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika tiếp tục diễn biến phức tạp, bên lề phiên họp Quốc hội, sáng 24/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Du khách người Úc có thể bị nhiễm vi rút Zika từ trước khi đến Việt Nam, song cũng có khả năng người dân tại các vùng này bị nhiễm nhưng hiện giờ chưa phát hiện ra. Bởi trên thực tế có những người bị nhiễm nhưng không có biểu hiện lâm sàng, không có triệu chứng.

“Đây là bệnh dịch mới phát hiện nên là thách thức mới cho ngành y tế. Đến nay chưa phát hiện ra nhưng như thế không có nghĩa là không có. Chúng tôi hy vọng virus Zika sẽ không xảy ra ở Việt Nam”, Bộ trưởng Tiến bày tỏ, đồng thời cho biết trong khoảng một tuần nay đã huy động các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm dịch từ biên giới, hai cửa khẩu sân bay quốc tế và khuyến cáo người dân không nên đến vùng dịch nếu không cần thiết.

TS Trần Đắc Phu cho hay, người bệnh bị nhiễm virus Zika có những triệu chứng rất giống với sốt xuất huyết như: sốt, đau cơ, mỏi người nên rất khó phát hiện bệnh. So với sốt xuất huyết thì biểu hiện bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Khi nhiễm virus Zika, các triệu chứng thường nhẹ và tự khỏi. Do đó, phụ nữ mang thai có thể không biết họ có bị nhiễm virus Zika hay không. Virus Zika có thời gian ủ bệnh 3-12 ngày, không trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Hiện cũng chưa có vắc-xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị.

MỚI - NÓNG