Xem xét thanh tra “biệt phủ” nghi của giám đốc công an Yên Bái

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
TP - Ngày 28/6, Bộ Công an họp báo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017, thông tin kết quả điều tra, xử lý nhiều vụ việc: Bắt nhà báo nhận tiền doanh nghiệp; Xem xét thanh tra “biệt phủ” nghi của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; Điều tra vụ 8 bệnh nhân tử vong ở BVĐK Hòa Bình; Xử lý Cty đóng tàu Nam Triệu...

Nhà báo nhận 200 triệu từ Giám đốc Sở

Liên quan việc bắt giam nhà báo Lê Duy Phong - Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái về vụ án.

Theo đó, ngày 16/6 ông Lê Duy Phong lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nêu một số vi phạm; đồng thời, cung cấp một số thông tin để giải quyết và yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng. Thời điểm đó, ông Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, chiều chuyển tiếp 100 triệu đồng. Đến ngày 22/6, công an bắt quả tang ông Phong đang nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp. Công an TP Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phong về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Trung tướng Tuyến cũng cho biết, khi bị bắt giữ, nhà báo Phong đã thừa nhận việc nhận 200 triệu đồng của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái. Về nghi vấn nhà báo Lê Duy Phong bị “gài bẫy” khi gặp bạn và một doanh nghiệp tại nhà hàng ăn trưa, Trung tướng Tuyến cho hay, đây là báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái, cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành điều tra, khi có kết luận sẽ thông tin công khai. Về hành vi đưa tiền của ông Sáng, cơ quan công an cũng đang làm rõ, nếu đủ căn cứ việc đưa hối lộ sẽ xử lý.

Còn kiến nghị của báo Giáo dục Việt Nam chuyển vụ việc lên Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, Trung tướng Tuyến cho biết, vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Công an TP Yên Bái. Bộ đã có chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ giám sát quá trình này để đảm bảo tính khách quan.

Trong vụ việc khác, Trung tướng Nguyễn Văn Lưu - Chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết, Bộ mới chỉ nhận được thông tin trên báo chí về khối tài sản lớn được cho là của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái. Bộ sẽ nắm bắt tình hình, căn cứ Luật Thanh tra và các quy định của Chính phủ về kê khai, minh bạch tài sản, nếu đủ căn cứ sẽ thanh tra làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, Bộ Công an sẽ thông tin chính thức, công khai.

Xử lý Cty đóng tàu Nam Triệu

Liên quan tới kết quả kiểm tra 17/18 tàu cá do Cty TNHH MTV Nam Triệu (Cty Nam Triệu), Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Cty Đại Nguyên Dương) đóng và bàn giao cho ngư dân có nhiều sai phạm, Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm. Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cho hay, Cty Nam Triệu là đơn vị chuyên đóng tàu thuộc Bộ Công an. Đây là một trong 73 đơn vị được Bộ NN&PTNT sau kiểm tra đánh giá, công nhận đủ năng lực đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo đó, Cty này đã đóng 20 tàu cá cho tỉnh Bình Định và các tàu này đã đưa vào hoạt động.

Bộ Công an đã chỉ đạo Cty Nam Triệu ngay từ khi ngư dân phát hiện, yêu cầu khắc phục hư hỏng trong quá trình sử dụng chứ không phải khi báo chí nêu, Chính phủ có ý kiến Bộ mới vào cuộc. Theo đó, trong quá trình thực hiện đóng tàu, chủ yếu lỗi về máy, động cơ. Kết luận của tổ điều tra độc lập xác định, các máy này không đúng chủng loại của hãng Misubishi. Lỗi này thuộc về Cty đã ký kết hợp đồng với ngư dân. Cty Nam Triệu phải có trách nhiệm toàn diện về các hợp đồng này phải đảm bảo khắc phục, sửa chữa cho ngư dân.

Bộ Công an đã giao Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật chỉ đạo trực tiếp và làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT thống nhất phương án xử lý, yêu cầu Cty Nam Triệu thực hiện đúng trách nhiệm hợp đồng và quyền lợi của ngư dân. Ngay sau đó, Cty Nam Triệu đã đàm phán, làm việc và tiến hành ký hợp đồng khắc phục toàn bộ 10 máy không đúng chủng loại.

“Tới thời điểm này, 7 máy tàu cá đã được Cty này nhập về Việt Nam. Chúng tôi đảm bảo trong tháng 7, tháng 8 tới sẽ hoàn thành việc khắc phục sự cố. Song song đó, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng thanh tra, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những ai có khuyết điểm, vi phạm mà trước hết là lãnh đạo doanh nghiệp này”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư nói.

Điều tra khách quan bác sỹ Lương

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Bộ mới biết thông tin trên mạng về đơn kiến nghị của Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam về việc cơ quan điều tra bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương (bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), chứ chưa nhận được văn bản chính thức. Hội Hồi sức cấp cứu VN cho rằng, bác sĩ Lương thiếu sót về thủ tục hành chính. Việc coi bác sĩ là tội phạm thì không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế. Trung tướng Tuyến cho biết, sẽ xem xét, điều tra khách quan về những phản ánh trên. Ngoài 3 bị can, sẽ làm rõ xem còn ai có liên quan.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an: Cơ quan CSĐT đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Vũ Đình Duy – nguyên TGĐ Cty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), phối hợp với Interpol và cảnh sát các nước truy tìm, bắt giữ, dẫn độ Duy về nước để điều tra, xử lý trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVTex và các đơn vị liên quan.

Thiếu tướng Bạch Thành Định - Phó giám đốc Công an Hà Nội:  Ngày 13/6, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội  khởi tố vụ án hình sự vụ án ở Đồng Tâm để điều tra về các hành vi “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Về  việc cơ quan Công an bắt giữ người đúng hay sai, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho hay, ngày 27/4, Bộ Công an đã có quyết định thành lập đoàn để tiến hành kiểm tra việc này, khi có kết quả thanh tra, kiểm tra thì sẽ công bố công khai. 

Giám đốc sở đưa 200 triệu đồng cho nhà báo có bị xử lý? 

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc cho rằng, cơ quan điều tra cần phải làm rõ Giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái có khai báo cơ quan công an về việc đưa tiền cho nhà báo Lê Duy Phong trước khi thực hiện việc đưa tiền không.

“Nếu chủ động khai báo với cơ quan chức năng trước khi đưa tiền, ông Vũ Xuân Sáng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự. Ngược lại, nếu không khai báo hoặc khai báo sau khi đưa tiền (tức là khi tội phạm đã hoàn thành), ông Sáng rất có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc này còn phải dựa trên nhiều căn cứ pháp lý khác...” - luật sư Tuấn phân tích.      

Minh Đức

MỚI - NÓNG