Xin Chào… “cùi bắp”!

Quán cà phê Xin Chào của ông Tấn. Ảnh: Việt Văn.
Quán cà phê Xin Chào của ông Tấn. Ảnh: Việt Văn.
TP - Suýt bị vướng vào vòng lao lý do chậm đăng ký kinh doanh và sửa chữa điện thoại cũ tại nhà là hai vụ việc điển hình cho một môi trường kinh doanh đầy rủi ro, bất an cho người dân hiện nay. Hai ông chủ nhỏ - một kinh doanh cà phê với cái tên Xin Chào và một là chủ cửa hàng điện thoại “cùi bắp” đã trải lòng với phóng viên Tiền Phong sau tai qua nạn khỏi.

Khởi nghiệp đụng… khởi tố

Nhớ lại chuyện bị khởi tố và có lịch đưa ra tòa xét xử vào ngày 28/4 về hành vi kinh doanh trái phép, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào ngán ngẩm: “Lúc bấy giờ tâm trạng vô cùng hoang mang vì sắp phải đối mặt với án hình sự từ trên trời rơi xuống”.

Ông Tấn thuê mặt bằng tại địa chỉ C12/26 khu phố 3 (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM), khu đất đối diện Công an huyện Bình Chánh để mở quán bán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng. Ðến ngày 8/8/2015, ông khai trương quán. Năm ngày sau, công an xuống lập biên bản, xử phạt vì kinh doanh không phép. Công an mời lên làm việc, ông đã xuất trình giấy hẹn trả kết quả hồ sơ đăng ký kinh doanh vào ngày 19/8/2015 để cơ quan chức năng thông cảm nhưng vẫn bị phạt 17 triệu đồng. Sau khi ông có được giấy phép kinh doanh thì ngày 10/9/2015, công an tiếp tục đến kiểm tra, xử phạt về các lỗi vệ sinh an toàn thực phẩm và sau đó ký lệnh khởi tố vào ngày 25/9/2015 với lý do tái phạm (?!)

Xin Chào… “cùi bắp”! ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Tấn trao đổi với PV sau khi được minh oan.

Cũng là người mới bắt đầu lập nghiệp, anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, ngụ quận 10), người sửa điện thoại “cùi bắp” ở quận 10 cũng suýt bị khởi tố vào đầu tháng 8 vừa qua.

Gặp anh ở quận 1 (TPHCM) khi đang đi tìm mua điện thoại cũ về nhà sửa chữa, bán lại sau sự cố, anh Tiến vẫn còn tâm trạng lo sợ, e dè khi nhắc lại câu chuyện của mình. Anh kể, sau khi xuất ngũ năm 2010, đi học nghề sửa chữa điện thoại. Không có vốn liếng mở tiệm nên anh chỉ nhận sửa chữa điện thoại tại nhà. Năm 2012, anh lập gia đình và thuê nhà trong một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 với giá 7 triệu đồng/tháng, cũng là nơi anh mưu sinh bằng cái nghề này.

Nếu tui chưa đăng ký kinh doanh thì họ nên giải thích, hướng dẫn tui chứ sao lại làm vậy?” 

Chủ cửa hàng điện thoại “cùi bắp” Dương Trọng Tiến

Bỗng trưa 15/6, vợ chồng anh Tiến vừa bán chiếc điện thoại Nokia 6700 (sản xuất năm 2009) với giá 3 triệu đồng cho một vị khách quen thì bị công an ập vào bắt quả tang, khám xét nhà. Công an quận 10 đã tạm giữ 40 chiếc điện thoại di động, 38 sạc điện thoại và sổ sách nhận sửa chữa cho khách (8 điện thoại khách gửi sửa) để phục vụ điều tra.

Tất cả điện thoại này là đồ cũ, đã ngưng sản xuất từ năm 2005-2009. Toàn bộ điện thoại hiệu Nokia bị tạm giữ là tài sản, là kế sinh nhai của cả gia đình anh. Mất kế sinh nhai, tiền nhà mỗi tháng phải đóng càng khiến vợ chồng anh rơi vào túng quẫn, tuyệt vọng.

Xin Chào… “cùi bắp”! ảnh 2 Anh Dương Trọng Tiến.

“Sao không nhắc nhở?”

Ngồi trầm ngâm khi nhắc về sự việc mà anh cho là xui xẻo, anh Dương Trọng Tiến thắc mắc, từ trước đến giờ, công việc của anh vẫn diễn ra bình thường, không thấy ai đến nhắc nhở chuyện đăng ký kinh doanh, chuyện làm ăn như vậy là phạm pháp.

Anh Tiến thật thà: Sau khi công an đến bắt quả tang, khám xét nhà thì vợ chồng mới biết đến giấy phép kinh doanh. Anh cứ nghĩ sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ ở nhà thì không cần phải xin phép, cũng không phạm luật. Chứ nếu biết thì có gan trời vợ chồng anh không dám làm.  “Bỗng một hôm, cả chục người ập vào nhà khám xét, vợ chồng tui tái xanh mặt, vừa lo vừa sợ nhưng tội nhất là đứa con gái nhỏ khi chứng kiến cảnh này. Nếu tui chưa đăng ký kinh doanh thì họ nên giải thích, hướng dẫn tui chứ sao lại làm vậy?”, anh Tiến sụt sùi.

Xin Chào… “cùi bắp”! ảnh 3 Anh Dương Trọng Tiến trao đổi với PV sau khi công an xác định không có tội. Ảnh: Việt Văn.

Nếu vụ anh Dương Trọng Tiến suýt bị khởi tố khi có hành vi sửa chữa, mua bán điện thoại “cùi bắp” tại nhà khiến cho hàng triệu người dân kiếm sống qua ngày có lý do để hoang mang thì trong vụ ông Tấn càng làm giới kinh doanh bất an, lo lắng hơn. Từ ngày khai trương quán cà phê Xin Chào, quán của ông Nguyễn Văn Tấn cũng vài ba lần bị công an đến kiểm tra, lập biên bản, xử phạt với nhiều lỗi trong một thời gian rất ngắn, thậm chí bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép. “Khi nhận quyết định khởi tố tôi như đang chịu một đòn trời giáng xuống người”- ông Tấn ví von.

Không trách, chỉ mong yên ổn

Dù cả hai vụ việc đã lùi vào quá khứ, đều kết thúc có hậu cho ông chủ quán cà phê Xin Chào và anh thợ sửa điện thoại “cùi bắp” nên cả hai không muốn nhắc lại. Những người có quyền, có chức làm sai, làm không đúng cũng đã nhận những hình thức kỷ luật thích đáng theo pháp luật. Những người bị hàm oan không oán trách, không cần lời xin lỗi, họ chỉ mong được yên ổn làm ăn, kiếm sống qua ngày.

Xin Chào… “cùi bắp”! ảnh 4 Chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn.

Sau khi sóng gió qua đi, ông Tấn bảo giờ chỉ muốn yên ổn làm ăn, nuôi mẹ già thôi chứ chẳng muốn nhắc lại chuyện cũ nữa. Bản thân ông cũng có đứa con gái 9 tuổi nhưng theo mẹ về miền Trung sống, đã mấy năm nay ông chưa gặp con khi hai vợ chồng ly hôn. Ông chỉ hi vọng có một ngày đoàn tụ khi công việc làm ăn ổn định lại.

“Mình là dân thường chỉ có nguyện vọng làm ăn chân chính nên còn thiếu chỗ nào, chưa biết chỗ nào thì chỉ mong cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn thêm”. 

Chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn

“Chuyện gì đã qua thì cho qua, tôi không oán trách ai cả. Thật sự đây là bài học cho tôi khi bước chân vào kinh doanh. Mình là dân thường chỉ có nguyện vọng làm ăn chân chính nên còn thiếu chỗ nào, chưa biết chỗ nào thì chỉ mong cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn thêm. Mong sau này, đừng có thêm những trường hợp như tôi”, ông Tấn trải lòng sau sự cố.

Hoàn cảnh không hơn gì ông Tấn, anh Dương Trọng Tiến phải gánh vác kinh tế của cả gia đình. “Sau tai họa vừa rồi, tui phải chạy đi làm gấp trăm lần như trước để trả nợ nần, bù vào khoảng thời gian hơn 2 tháng không làm ăn gì được nhưng tui vẫn không trách ai cả, mình xui xẻo thì bị thôi”, anh Tiến cho biết. Anh bảo mình cũng vừa cùng vợ đi đăng ký kinh doanh hộ gia đình, mỗi tháng cũng phải tốn thêm 800 nghìn đồng để an tâm làm ăn, không sợ kinh doanh trái phép nữa. Công việc anh vẫn tiếp tục trở lại sau những ngày sóng gió… 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.