Xử lý vi phạm nhà 8B Lê Trực 'gian nan' thế nào?

Mất gần 1 năm mới hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 diện tích vi phạm tại dự án 8B Lê Trực.
Mất gần 1 năm mới hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 diện tích vi phạm tại dự án 8B Lê Trực.
TPO - Mất gần 1 năm, các đơn vị mới hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 diện tích vi phạm tại dự án nhà 8B Lê Trực. Và tới lúc này, đơn vị thiết kế và UBND phường Điện Biên vẫn chưa trình phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Tháng 1/2016, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định số 32, buộc cưỡng chế phá dỡ với diện tích vi phạm tại nhà 8B Lê Trực. Trong một năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo xử lý vi phạm nhưng đến nay mới phá dỡ xong giai đoạn 1. 

Nằm trong số những công trình vi phạm điển hình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2016, tốc độ xử lý phần diện tích tại dự án 8B Lê Trực được Thanh tra thành phố Hà Nội kết luận vi phạm được dư luận và cử tri Thủ đô luôn theo sát. Thậm chí, tiến độ xử lý vi phạm dự án 8B Lê Trực còn được cử tri nêu ra tại nhiều Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo được Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ban hành trong hơn một năm qua về vụ việc này. Tuy nhiên, kế hoạch xử lý vi phạm liên tục bị trễ hẹn vì nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng của chủ đầu tư.

Có thể điểm lại hành trình "gian nan" của các cơ quan chức năng trong việc xử lý phần diện tích vi phạm tại dự án 8B Lê Trực.

Tháng 10/2015, UBND thành phố Hà Nội ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Tháng 11/2015,  Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 351, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Văn phòng Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm phần diện tích vi phạm.

Xử lý vi phạm nhà 8B Lê Trực 'gian nan' thế nào? ảnh 1

Diện tích vi phạm tại dự án 8B Lê Trực tiếp tục "thách thức" chính quyền

Ngày 9/1/2016, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ số 32, sau khi chủ đầu tư chây ì không thực hiện đúng cam kết tự phá dỡ đề xuất trước đó.

Ngày 6/3/2016, UBND phường Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế số 32. Trong quá trình thực hiện việc cưỡng chế, UBND phường Điện Biên và nhà thầu phá dỡ Cty Phương Bắc đã không diễn ra đúng tiến độ do có nhiều người xưng danh là khách hàng mua nhà tập trung phản đối, chủ đầu tư dự án không hợp tác với cơ quan chức năng, không chuyển kinh phí phá dỡ theo quy định.

Tháng 7/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các sai phạm tại dự án 8B Lê Trực. Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351 ngày 2/11/2015 và ý kiến của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016.

Tháng 8/2016, UBND quận Ba Đình tạm ứng 3 tỷ đồng cho việc phá dỡ giai đoạn 1. Đồng thời, UBND quận Ba Đình thay đổi nhà thầu, phê duyệt phương án lắp đặt tháp cẩu của Cty CP Tập đoàn Phương Bắc để đảm bảo tiến độ phá dỡ.

Sau nhiều lần chậm tiến độ, ngày 25/10, Cty CP Tập đoàn Phương Bắc đã hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 nhà 8B Lê Trực.

Cùng thời gian này, UBND quận Ba Đình ký văn bản mời Cty TNHH Tư vấn Xây dựng tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2. Tuy nhiên, cho đến nay đơn vị thiết kế và UBND phường Điện Biên chưa trình phương án phá dỡ như cam kết.

Ở một diễn biến mới, Cty CP Tập đoàn Phương Bắc, nhà thầu phá dỡ giai đoạn 1 vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội để đề xuất dừng phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực với lý do việc phá dỡ không đảm bảo an toàn, đồng thời, đơn vị được mời tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 là Cty TNHH Tư vấn Xây dựng chưa đưa ra được phương án phá dỡ sau 3 tháng vào cuộc.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Cty CP Tập đoàn Phương Bắc chỉ là đơn vị được UBND phường Điện Biên lựa chọn ký hợp đồng thi công phá dỡ, doanh nghiệp này không có chức năng và thẩm quyền đề xuất dừng phá dỡ diện tích vi phạm. Hiện chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào cho phép dừng phá dỡ phần diện tích vi phạm, việc lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực vẫn tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.